Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM: ''Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số''

09:05, 07/05/2022

Công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò rất quan trọng trong vận hành doanh nghiệp (DN), nhất là đối với công cuộc chuyển đổi số (CĐS) của nền kinh tế. Trong bối cảnh sự phát triển của xã hội tính bằng giờ, bằng ngày, DN tận dụng được thành tựu công nghệ, áp dụng vào quản trị sản xuất kinh doanh sẽ gặt hái được thành công.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM
Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM

Công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò rất quan trọng trong vận hành doanh nghiệp (DN), nhất là đối với công cuộc chuyển đổi số (CĐS) của nền kinh tế. Trong bối cảnh sự phát triển của xã hội tính bằng giờ, bằng ngày, DN tận dụng được thành tựu công nghệ, áp dụng vào quản trị sản xuất kinh doanh sẽ gặt hái được thành công.

Sẵn sàng hỗ trợ DN, cung cấp kiến thức, kỹ năng và giải pháp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, CĐS, xây dựng giải pháp quản trị DN là khẳng định của Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM PHÍ ANH TUẤN.

 Giúp DN gặt hái thành công

* Giới trẻ hiện nay có nhiều người theo đuổi lĩnh vực CNTT, là một chuyên gia lâu năm, theo ông, người trẻ cần có yếu tố nào khi theo đuổi lĩnh vực này?

- Có một băn khoăn là khi đi tuyên truyền, đào tạo về khởi nghiệp, vấn đề rủi ro đang được nhắc tới ít hơn so với nêu gương các điển hình khởi nghiệp. Nhìn nhận khách quan, các start-up thành công chỉ là một phần rất nhỏ. Phần lớn các dự án sau một thời gian đều phải từ bỏ hoặc chuyển hướng. Do vậy, điều tôi muốn nói ở đây là sinh viên, bạn trẻ hãy trau dồi, học hỏi đủ kiến thức, phải sẵn sàng trước khi khởi động. Bởi nhiều bạn trẻ có kiến thức nhưng không hiểu biết về thị trường nên khi khởi nghiệp vô tình gây ra hao tổn chi phí, thời gian, công sức cho bản thân và xã hội. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đã có mặt trên thị trường nhưng các bạn trẻ không tìm hiểu kỹ, mất thời gian và tiền bạc khởi nghiệp.

Tôi cũng muốn nói rằng, công tác đào tạo khởi nghiệp ở giảng đường đại học hay của các tổ chức xã hội cần phải thực tế hơn. Khi hướng dẫn cho các dự án, nếu cảm thấy không khả thi, là người đi trước, cần có trách nhiệm chỉ rõ để người trẻ không lặp lại những sai lầm vốn có.

Sáng lập và điều hành Công ty Tư vấn P.A.T Consulting, nhiều năm làm nghề tư vấn, quản trị DN, ông nghĩ rằng điều được lớn nhất của mình là gì?

- Tâm tư cũng nhiều, thậm chí đôi khi “cười ra nước mắt” khi công sức mình bỏ ra, nghiên cứu phương án, cụ thể hóa bằng tài liệu để DN áp dụng nhưng lại không được sự trọng vọng.

Nhưng may mắn là chúng tôi còn những cái khác bù vào. Thật vui và sung sướng khi kết quả tư vấn hoạch định được khách hàng áp dụng và mang lại giá trị cho họ. Những điều mình đề xuất lần lượt được khách hàng triển khai mang lại thay đổi tốt trong tăng trưởng kinh doanh. Đó cũng là niềm vui, động viên to lớn cho chúng tôi khi hướng dẫn các DN trong việc xây dựng DN bài bản, có ứng dụng tốt vào thực tiễn. Đôi khi, kinh phí thu về cũng chưa hẳn là mục tiêu cuối cùng (cười)!

* Ông có lời khuyên nào dành cho DN trong lựa chọn đơn vị tư vấn CĐS?

- Có tư vấn sẽ giúp DN đi nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện. DN vừa và lớn nên có tư vấn riêng để hình thành kiến trúc, lộ trình của mình. Đối với DN nhỏ và vừa cần phối hợp với nhau để có tư vấn chất lượng và chia sẻ kinh phí.

Doanh nghiệp Đồng Nai tham quan gian hàng giới thiệu công nghệ chuyển đổi số. Ảnh: Đ.Lê
Doanh nghiệp Đồng Nai tham quan gian hàng giới thiệu công nghệ chuyển đổi số. Ảnh: Đ.Lê

Dù chọn tư vấn quốc tế hay tư vấn Việt Nam thì điều quan trọng cũng là tính toán đến phù hợp khả năng của DN mình.

* Đối với DN, không hẳn ai cũng thực sự nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ bởi rất nhiều đơn vị vẫn đang vận hành mô hình kinh doanh cũ, P.A.T nói riêng và Hội Tin học TP.HCM sẽ có những hỗ trợ ra sao?

- Phương châm của chúng tôi là tích cực kết nối và hỗ trợ DN; qua đó nắm bắt những khó khăn trong quá trình hoạt động, vướng mắc của DN khi ứng dụng công nghệ để có thể tham vấn với Nhà nước về chính sách hỗ trợ được thuận lợi hơn.

Đồng Nai là địa phương có số lượng DN đông đảo đang hoạt động. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với Hiệp hội DN Đồng Nai để triển khai các chương trình đào tạo hỗ trợ DN về ứng dụng CNTT và CĐS. Và như đã nói, là đơn vị dịch vụ lâu năm, P.A.T có thể hỗ trợ đắc lực cho bạn trong quá trình CĐS.

Dữ liệu là tài nguyên quan trọng nhất của DN

* Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế nói chung, từng DN nói riêng. Từ trong đại dịch, vấn đề CĐS được đặt ra nhiều hơn nhưng liệu đây có phải là nhân tố chính?

 - Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, từ đó tạo ra một thị trường mới cho các DN trên nền tảng số. Bên cạnh đó, những thách thức đặt ra trong vận hành DN, hệ thống chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất một khi có vấn đề xảy ra như dịch bệnh… cũng buộc DN thay đổi, nhưng theo tôi, Covid-19 là chất xúc tác để đẩy nhanh quá trình CĐS song đó không phải là nguyên nhân.

Ngay tại các hội thảo, chúng ta vẫn thường nói nhiều về ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi trên thế giới điều họ quan tâm là làm sao cho tiếp tục đưa nhanh ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Nếu vẫn loay hoay thì sẽ rất khó để thúc đẩy. CĐS là vấn đề tất yếu trong quá trình phát triển, từ đòi hỏi của thực tế cuộc sống, chứ không chỉ là vì dịch bệnh.

* Trong nền kinh tế số, dữ liệu có vai trò gì, thưa ông?

 - Dữ liệu được coi là nhiên liệu của nền kinh tế số. Thế giới ngày nay phát triển từng phút, từng giờ, các dữ liệu luôn được sản sinh ra và lưu trữ bởi công nghệ. Bạn sử dụng điện thoại, máy tính hay các trang mạng xã hội, công cụ internet… và chúng đều chứa đựng trong đó vô vàn dữ liệu. Khai thác tốt dữ liệu là cơ hội cạnh tranh của DN, nhất là dữ liệu của người tiêu dùng. Dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của DN bởi dữ liệu có ích cho DN ngày càng đa dạng và chi phí để thu thập dữ liệu có ích cho DN giảm nhanh.

Vai trò của dữ liệu đã rõ, vấn đề là làm sao để các DN Việt Nam, mà đa số là DN nhỏ và vừa, khai thác được dữ liệu, biến dữ liệu thành tài sản hay giá trị gia tăng cho khách hàng là điều đáng bàn.

* Vậy DN cần có tâm thế gì trong xu hướng này?

- Việc cần làm đầu tiên của chủ DN là thay đổi tư duy sáng tạo của lãnh đạo và mọi người trong tổ chức. Sau đó, cần lượng hóa các chỉ tiêu mà mô hình kinh doanh số mang lại. Trong đó có 5 yếu tố phải xem xét lượng hóa để hình thành chiến lược kinh doanh số gồm: mô hình kinh doanh tạo nên từ công nghệ số; danh mục sản phẩm và dịch vụ được số hóa; thông tin, dữ liệu được coi là tài sản DN; ứng dụng CNTT triệt để vào sản xuất kinh doanh; số hóa nội dung, phương tiện truyền tải và kênh truyền tải.

Không cần phải nghĩ những điều to tát, tôi nghĩ trước hết phải làm những việc nhỏ nhưng có tầm nhìn lớn. Trên cơ sở đó, tư duy về đổi mới sáng tạo trong tổ chức sẽ hình thành. Khi ấy, tiếp tục nghĩ đến những ứng dụng lớn hơn.

Đơn cử như đối với bán hàng qua mạng ngày nay, việc thu thập thông tin, xu hướng của khách hàng thông qua thói quen trên mạng xã hội cũng đã được nhiều người vận dụng thành công mà không tốn kém.

* Xin cảm ơn ông!

Ông PHÍ ANH TUẤN là người sáng lập và điều hành Công ty Tư vấn P.A.T Consulting. Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong triển khai hệ thống thông tin quản lý, quản trị DN tích hợp, quản lý bán hàng cho các DN lớn tại Việt Nam trong nhiều ngành như: điện lực, sản xuất, hàng không, dược phẩm, logistics, thương mại dịch vụ. Ngoài ra, ông Tuấn còn là giảng viên môn Hệ thống thông tin quản lý MIS theo chương trình CMU, Trường đại học Văn Lang; giảng viên lớp cao học kế toán quản trị Đại học Kinh tế TP.HCM.

 Đào Lê (thực hiện)

Tin xem nhiều