Báo Đồng Nai điện tử
En

Trợ lực cho ngành Du lịch cất cánh

10:04, 23/04/2022

Dù đã có thêm nhiều mô hình, sản phẩm du lịch mới như: du lịch sinh thái vườn, du lịch khám phá rừng, thác, hồ… Tuy nhiên, du lịch Đồng Nai vẫn còn những điểm nghẽn chưa thể tháo gỡ.

Dù đã có thêm nhiều mô hình, sản phẩm du lịch mới như: du lịch sinh thái vườn, du lịch khám phá rừng, thác, hồ… Tuy nhiên, du lịch Đồng Nai vẫn còn những điểm nghẽn chưa thể tháo gỡ.

Khách du lịch tham quan Khu du lịch Núi Cúi, thuộc H.Thống Nhất. Ảnh: Thủy Mộc
Khách du lịch tham quan Khu du lịch Núi Cúi, thuộc H.Thống Nhất. Ảnh: Thủy Mộc

Để khắc phục điểm yếu của ngành Du lịch, Nghị quyết 04-NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu lên một số vấn đề và giải pháp, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, có điểm nhấn và phát triển bền vững.

* Quy mô, cách tổ chức vẫn còn manh mún

Với lợi thế gần các trung tâm kinh tế lớn của phía Nam như: TP.HCM, Bình Dương; thị trường khách nội tại địa phương với hàng chục khu công nghiệp, cùng với bối cảnh khuyến khích du lịch nội địa như hiện nay, Đồng Nai đang có nhiều cơ hội để khai thác tiềm năng du lịch địa phương.

Theo kế hoạch phát triển du lịch tỉnh năm 2022, Đồng Nai đang phấn đấu mục tiêu đón được 1,8 triệu lượt khách, tăng 60% so với năm 2021, trong đó, khách nội địa là trên 1,7 triệu lượt, khách quốc tế khoảng 70 ngàn lượt. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 970 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2021. Thời gian lưu trú trung bình của khách đạt 1,43 ngày trở lên. Chi tiêu bình quân lượt khách đạt 540 ngàn đồng/ngày/người trở lên.


Tuy nhiên, Nghị quyết 04-NQ-TU của Ban TVTU nhận định, du lịch Đồng Nai phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương. Hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch còn thấp, chủ yếu là khách tham quan trong ngày. Việc triển khai một số dự án trọng điểm còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về quy hoạch, đất rừng, đất lúa, đất quốc phòng, công tác bồi thường, giải tỏa mặt bằng nên việc huy động các nguồn lực vốn ngoài nhà nước để phát triển du lịch còn hạn chế.

 Sản phẩm du lịch của Đồng Nai tuy có tăng nhưng nhìn chung còn thiếu tính hấp dẫn, đặc biệt là các dịch vụ bổ trợ, các sản phẩm khai thác từ lợi thế về tài nguyên (rừng, sông, hồ, núi...) chưa được đầu tư đúng mức; sức cạnh tranh của các DN chưa cao; sự thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch; nguồn nhân lực du lịch còn nhiều mặt hạn chế, việc tổ chức các hoạt động du lịch còn manh mún thiếu tính liên kết; công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng nhìn chung các hoạt động còn thiếu tính chuyên nghiệp.

* Cần phát triển sản phẩm du lịch, liên kết tour - tuyến

Để khắc phục những hạn chế của ngành Du lịch trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở VH-TTDL cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, Sở VH-TTDL sẽ khắc phục những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém của ngành Du lịch thời gian qua nhằm phát huy và nâng cao nhận thức của một số ngành, địa phương, cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò của du lịch; quyết liệt cùng các cấp, các ngành thực hiện mọi biện pháp để tạo đà cho du lịch phát triển; tham mưu tỉnh xây dựng chính sách để tạo đột phá phát triển du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ đầu tư tiếp cận sớm các thủ tục đầu tư dự án du lịch, tránh tình trạng mất nhiều thời gian dẫn đến sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch mới chậm hình thành.

Đồng thời, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp (DN) du lịch, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ. Quan trọng hơn là nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội Du lịch, phát huy rõ chức năng, thế mạnh của hiệp hội, trung tâm xúc tiến du lịch trong việc trở thành đầu mối liên kết các DN.

Bên cạnh đó, bà Bình cũng cho biết, Sở sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện khảo sát, đánh giá, phân tích các điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch nông nghiệp, nông thôn để nghiên cứu đầu tư tạo sản phẩm du lịch; kết nối các điểm du lịch sinh thái; văn hóa, tâm linh và du lịch nông nghiệp nông thôn tạo thành tuyến du lịch.

Sở cũng sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho dự án Khu du lịch Sơn Tiên (TP.Biên Hòa) đi vào khai thác giai đoạn 1 để tạo thêm sản phẩm mới và điểm nhấn cho du lịch Đồng Nai; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tổ chức các giải thi đấu tạo các sản phẩm, dịch vụ như: dù lượn, thuyền buồm, các môn thể thao phối hợp, đua xe đạp tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Khu du lịch Thác Mai - Bàu Nước Sôi, núi Chứa Chan... Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản phẩm du lịch ảo tại một số điểm đến trên địa bàn để tăng trải nghiệm cho người dân và du khách. Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN lữ hành liên kết với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng các chương trình du lịch, sản phẩm du lịch an toàn…

Theo Nghị quyết 04, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ phục vụ. Tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động du lịch. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tuy có bước phát triển nhưng chưa thật sự tạo động lực để phát triển du lịch. Chưa có nhiều nhà đầu tư chiến lược đầu tư các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; chưa có cơ chế, chính sách để tạo đột phá phát triển du lịch.

Thủy Mộc

Tin xem nhiều