Báo Đồng Nai điện tử
En

Những địa điểm thờ cúng Vua Hùng tại Đồng Nai

03:04, 09/04/2022

Cùng với đất tổ Phú Thọ, Đồng Nai cùng các tỉnh, thành trong cả nước đều có những địa điểm thờ cúng Hùng Vương do nhân dân lập nên trong quá trình di dân vào Nam.

Cùng với đất tổ Phú Thọ, Đồng Nai cùng các tỉnh, thành trong cả nước đều có những địa điểm thờ cúng Hùng Vương do nhân dân lập nên trong quá trình di dân vào Nam.

Cổng dẫn vào Công viên văn hóa Hùng Vương (tọa lạc tại TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom). Ảnh: S.Thao
Cổng dẫn vào Công viên văn hóa Hùng Vương (tọa lạc tại TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom). Ảnh: S.Thao

Tại Đồng Nai, ngoài các đình, đền, chùa có thờ Vua Hùng thì có ba địa điểm thờ cúng Quốc Tổ riêng biệt. Trong số này có hai địa điểm được công nhận là di tích cấp tỉnh.

* Hai di tích thờ cúng Vua Hùng

Cụ thể, hai điểm thờ Quốc Tổ Hùng Vương được công nhận di tích cấp tỉnh là: Đền thờ Quốc Tổ Hùng  Vương (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) và Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (xã Phú Sơn, H.Tân Phú).

Trong đó, Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở P.Bình Đa được xây dựng vào năm 1968. Năm 2015, nơi đây được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Sau nhiều lần được tỉnh quan tâm thực hiện trùng tu, tôn tạo, mở rộng, diện mạo di tích này ngày càng khang trang, góp phần tạo sự thuận tiện hơn cho người dân khi đến với di tích này.

Theo ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng ban Quản lý Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở P.Bình Đa, đền thờ nằm trên đường Phạm Văn Thuận hơn nửa thế kỷ không chỉ là nơi người dân TP.Biên Hòa đến tưởng nhớ, dâng lễ tưởng nhớ Vua Hùng trong ngày giỗ Tổ mà còn là nơi người dân các địa phương khác tìm về.

Riêng Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại xã Phú Sơn được xây dựng vào năm 1957. Năm 2017, nơi đây chính thức được công nhận là di tích cấp tỉnh. Đền này tọa lạc trên lưng chừng quả đồi nhỏ, mặt hướng ra quốc lộ 20 đoạn chạy qua xã Phú Sơn. Theo thời gian, kết cấu gỗ của đền thờ này xuống cấp và đang thực hiện các bước để trùng tu, tôn tạo trong thời gian tới.

Có một điểm chung ở hai di tích thờ cúng Vua Hùng này là thường mở cửa xuyên suốt các ngày trong tuần để người dân đến dâng hương. Riêng vào dịp giỗ Tổ, Ban Quản lý di tích còn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các hoạt động lễ, hội để ngày quốc lễ thêm trang trọng, vui tươi. Trong số này có thể kể đến các hoạt động, như: kể chuyện về các đời vua Hùng, thi gói bánh chưng, làm bánh giầy, kết mâm ngũ quả, trò chơi dân gian, cho chữ thư pháp… Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh nên dịp giỗ Tổ 2022 này, cả hai di tích chỉ thực hiện phần lễ, riêng phần hội được giảm lược còn việc mở cửa xuyên suốt để người dân đến dâng hương, tưởng niệm vẫn thực hiện bình thường.

* Những nơi phối thờ Vua Hùng

Cùng với hai địa điểm kể trên thì nhiều di tích trên địa bàn tỉnh còn phối thờ Vua Hùng và thực hiện lễ trong ngày giỗ Tổ.

Trong đó, tại Văn miếu Trấn Biên nơi có đặt 18 lít nước và 18kg đất lấy từ đất Tổ Phú Thọ, mỗi năm đều diễn ra các hoạt động lễ, hội tưởng nhớ Vua Hùng. Mỗi dịp giỗ Tổ nhiều hoạt động được tổ chức tại đây như: trước ngày giỗ Tổ thi làm bánh chưng, bánh giầy, kể chuyện về các đời Vua Hùng, đến ngày chính lễ có hoạt nghi thức dâng hương, dâng hoa, dâng bánh chưng, bánh giầy và mở cửa cho các tầng lớp nhân dân đến dâng hương. Bên cạnh đó, mỗi năm thông qua thi gói bánh chưng, làm bánh giầy, Văn miếu Trấn Biên còn chọn ra 18 bánh chưng, 18 bánh giầy rước về dâng lên Vua Hùng tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa). Đây là một hoạt động ý nghĩa đã được đơn vị duy trì nhiều năm qua và huy động được sự tham gia của ngày càng nhiều đơn vị.

Cũng vào ngày giỗ Tổ hằng năm, UBND xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) đều phối hợp với Ban quản lý di tích lịch sử đình Hưng Lộc tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Đây là hoạt động thường niên được duy trì nhiều năm và trở thành nét đẹp của người dân Hưng Lộc. Trong các dịp tổ chức giỗ Tổ rất đông người dân từ các khu vực lân cận tìm đến để tỏ lòng thành kính. Bà Nguyễn Thị Dung (ngụ xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) cho hay, bản thân bà rất vui vì ngay tại khu vực mình sinh sống có nơi trang trọng để tìm về dâng hương tưởng nhớ cội nguồn của dân tộc.

Riêng tại Đền thánh Trần Hưng Đạo (P.Xuân Trung, TP.Long Khánh), đến nay mọi việc chuẩn bị cho giỗ Tổ gần như đã hoàn tất để đón người dân các nơi đến dâng hương. Việc tổ chức phần lễ ở đền thờ này có một điểm đặc biệt so với các nơi khác là sau khi khai lễ, Ban tổ chức sẽ rước bài vị của Quốc Tổ di chuyển 3 vòng quanh đền để người dân có mặt trong khuôn viên đền bái vọng.

Bên cạnh đó, các đền, đình, chùa, hộ nhà đình, tổ chức trên địa bàn tỉnh còn thờ Vua Hùng và thực hiện lễ trong ngày giỗ Tổ… tất cả đã tạo nên nét đẹp văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Công viên văn hóa Hùng Vương (tọa lạc tại TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) được xây dựng trên diện tích gần 11 ngàn m2 hiện là nơi có kiến trúc, cảnh quan hấp dẫn người dân vào mỗi dịp giỗ Tổ. Công trình được khánh thành vào dịp giỗ Tổ năm 2016. Công viên văn hóa Hùng Vương có các hạng mục gồm: Nhà tưởng niệm vua Hùng, nhà bia, nghi môn và hạ tầng kỹ thuật phục vụ du khách tham quan…

Văn Truyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích