Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành trình còn gian nan...

09:04, 02/04/2022

Nhạc sĩ Trần Viết Bính đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm. Thế nhưng khi nhắc đến âm nhạc truyền thống, đặc biệt là những bài dân ca, điệu múa của đồng bào dân tộc thiểu số như Chơro, Mạ, S'tiêng..., người nhạc sĩ đã gần 90 tuổi này trở nên hào hứng hơn bao giờ hết.

1. Nhạc sĩ Trần Viết Bính đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm. Thế nhưng khi nhắc đến âm nhạc truyền thống, đặc biệt là những bài dân ca, điệu múa của đồng bào dân tộc thiểu số như Chơro, Mạ, S’tiêng..., người nhạc sĩ đã gần 90 tuổi này trở nên hào hứng hơn bao giờ hết. Bởi ông đã có trên 30 năm rong ruổi cùng đồng nghiệp của mình đi về từng miền quê có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để sưu tầm, nghiên cứu và lưu giữ hàng trăm bản nhạc quý hiếm.

Nghệ sĩ Điểu Trâm kết hợp ca khúc dân gian, sử dụng piano dạy học cho học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Ảnh: Ly Na
Nghệ sĩ Điểu Trâm kết hợp ca khúc dân gian, sử dụng piano dạy học cho học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Ảnh: Ly Na

Nhiều người Chơro, Mạ, S’tiêng, Chăm... ở  Phú Lý (H.Vĩnh Cửu), Tà Lài (H.Tân Phú), Xuân Hưng (H.Xuân Lộc)... hiện vẫn còn nhớ đến những lớp học về bảo tồn văn hóa truyền thống do ông trực tiếp đứng lớp hàng chục năm trước.

Ở những lớp học đó, ông là người truyền lại tình yêu với từng lời ca, điệu múa, vũ điệu cồng chiêng… của đồng bào các dân tộc thiểu số. Niềm đam mê và tình yêu của ông đã góp phần giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa, để nó không bị mai một hay rơi vào quên lãng.

2. “Tre già măng mọc”, đã và đang xuất hiện những người trẻ tâm huyết, đam mê và nâng niu vốn quý văn hóa dân tộc, nhất là âm nhạc truyền thống. Họ là những ca sĩ, nghệ sĩ đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị… không ngừng sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm, màn trình diễn độc đáo.

Bên cạnh việc bảo tồn giá trị nguyên bản, nhiều nghệ sĩ còn thử sức khám phá để vừa kế thừa, vừa phát huy vốn quý của âm nhạc dân tộc. Khán giả đã từng rất bất ngờ lẫn thích thú khi giữa nền nhạc thời thượng của rock vẫn có những giai điệu của đờn ca tài tử hay đàn tranh, đàn bầu… Sức sáng tạo là vô cùng và những nghệ sĩ trẻ, trong đó có nghệ sĩ của Đồng Nai, vẫn đang trên con đường tìm tòi khai thác chất liệu từ âm nhạc dân tộc để làm mới, làm phong phú thêm vốn âm nhạc của mình qua từng tác phẩm. Khán giả cũng nhờ đó mà thêm yêu kho tàng âm nhạc dân tộc vốn rất đa dạng và độc đáo.

3. Tất nhiên, để giữ gìn và phát huy giá trị của âm nhạc truyền thống không hề đơn giản trong một thế giới phẳng với công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Đặc biệt, với giới trẻ, họ luôn thích những điều mới mẻ, lạ, bắt mắt, hot trend… Vì thế mà nhiều năm qua, khoa âm nhạc truyền thống, âm nhạc dân tộc trong các trường nghệ thuật gặp khá nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Không ít trường, nhiều năm liên tiếp có chuyên ngành không tuyển đủ chỉ tiêu. Ngay cả Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, đến mỗi kỳ tuyển sinh, thầy cô lại phải về từng địa phương để tuyển chọn, nhưng số học sinh theo học ngày càng ít dần mặc dù nhà trường đã thực hiện nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ. Khó nhất hiện nay vẫn là đầu ra cho những học viên tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc truyền thống, nhất là một công việc tương đối ổn định để các em có thể yên tâm gắn bó với nghề.

Hành trình để giữ gìn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống sẽ còn rất gian nan nếu như thiếu đi một chiến lược lâu dài và sự hỗ trợ thiết thực từ những đơn vị có liên quan trong thời gian tới.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều