Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm căng thẳng, áp lực mùa thi

10:04, 08/04/2022

Hiện đang bước vào cao điểm mùa thi, không ít HS nhất là HS ở những năm học cuối cấp đang tất bật "chạy đua" với chương trình, ôn luyện để mong vào được những ngôi trường mình hoặc gia đình mong muốn. Do đó, làm thế nào để giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi trong thi cử đang là vấn đề được nhiều phụ huynh,  HS, sinh viên quan tâm.

Hiện đang bước vào cao điểm mùa thi, không ít HS nhất là HS ở những năm học cuối cấp đang tất bật “chạy đua” với chương trình, ôn luyện để mong vào được những ngôi trường mình hoặc gia đình mong muốn. Do đó, làm thế nào để giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi trong thi cử đang là vấn đề được nhiều phụ huynh,  HS, sinh viên quan tâm.

Phấn đấu để đạt kết quả cao trong học tập, một học sinh lớp 6 dậy từ sớm để học bài. Ảnh: Thu Hằng
Phấn đấu để đạt kết quả cao trong học tập, một học sinh lớp 6 dậy từ sớm để học bài. Ảnh: Thu Hằng

* Mùa thi, áp lực bủa vây

Dù cha mẹ không áp lực vào trường này, trường kia, nhưng em Đặng Phương Thu, HS lớp 12 của một trường THPT ở TP.Biên Hòa đang tất bật luyện thi để phấn đấu vào được ngành kiến trúc của 3 trường đại học (ĐH) nên Thu phải học khá vất vả. Em chia sẻ, trong khi phần lớn các bạn chỉ lo 1 kỳ tốt nghiệp THPT quốc gia, nhưng em phải trải qua tới 5 kỳ thi.

Rối loạn tâm thần ở học sinh gia tăng vào mùa thi

Theo số liệu thống kê từ Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (năm 2020), có 45,8% học sinh thường xuyên căng thẳng trong học tập, 78,5% học sinh thừa nhận căng thẳng vì thi cử. Trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị các bệnh rối loạn tâm thần, có tới 20% số ca ở độ tuổi học sinh và số này có xu hướng gia tăng vào mùa thi.

Thu giải thích, vì muốn có thêm cơ hội thi đậu vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM nên em tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để lấy điểm xét tuyển vào Trường ĐH Kiến trúc. Cũng vì muốn được cộng 0,5 điểm nếu có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên, nên em lại cố gắng luyện thi IELTS. Do thi ngành kiến trúc nên em phải luyện và thi môn vẽ. Ngoài Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Thu còn chọn ngành kiến trúc của 2 trường ĐH khác, trong đó Trường ĐH Việt Đức lại tổ chức thi đánh giá năng lực (TestAS) bằng tiếng Anh của riêng trường nên em phải luyện kiến thức chuyên ngành kiến trúc rất nhiều. Do đang ở giai đoạn “tăng tốc” nên mỗi đêm Thu chỉ ngủ được khoảng 5 tiếng, trưa nghỉ 1 tiếng, ăn uống cũng vội vã và gần như không có thời gian để giải trí.

Có anh trai và chị gái từng là học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) nên áp lực nối gót anh chị vào trường chuyên đã vô tình tạo áp lực rất lớn với em Nguyễn Quỳnh Trân, một HS lớp 9 (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Áp lực này khiến em phải học mỗi ngày từ 14-16 giờ và thường dậy từ 2 giờ sáng để học. Trân tâm sự: “Em cũng mệt mỏi, căng thẳng lắm. Nếu em không vào được trường chuyên thì em rất mặc cảm vì thua kém anh chị mình”.

Nếu các anh chị cuối cấp THPT đang phải chạy đua với thời gian để phấn đấu vào những trường danh giá, thì nhiều HS tiểu học cũng “còng lưng” cho kỳ thi cuối năm. Một giáo viên dạy lớp 5 ở trường tiểu học tại TP. Biên Hòa cho biết, từ khi trở lại trạng bình thường mới, nhiều em đã được cha mẹ cho đi học thêm để có học bạ đẹp trong xét tuyển vào lớp 6 với các năm phải xếp loại giỏi và điểm 10 phủ đều các môn. Học nhiều quá,  vào lớp có em “đơ” ra, có em ngủ gục, hỏi ra mới biết 5 giờ sáng mẹ bắt dậy ôn bài, trong khi buổi tối em đã học đến 22 giờ.

* “Gánh nặng” đến từ... áp lực gia đình

Một số HS chia sẻ, chương trình học vốn đã nhiều khiến các em mệt mỏi, mà căng thẳng hơn chính là áp lực từ cha mẹ. Em Đ.T.V.N. (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa), học sinh lớp 12 một trường THPT ở TP.Biên Hòa cho biết, nhà chỉ có 2 anh em, ba mẹ đều là giáo viên. 4 năm trước, anh của N. vào đại học và nhận được học bổng du học ở Anh nên khi em chuẩn bị vào đại học, mẹ N. nói: “Con học sao thì học, ráng được như anh. Ba con là trưởng họ, con cố thi đậu vào trường danh giá cho đẹp mặt gia đình, về quê ba mẹ cũng nở mày, nở mặt với họ hàng. Chứ không người ta nói “cha làm thầy, con đốt sách!”.

Học sinh tiểu học cũng vất vả ôn thi cuối học kỳ 2
Học sinh tiểu học cũng vất vả ôn thi cuối học kỳ 2

Câu nói của mẹ khiến N. chỉ biết học miệt mài. Mẹ em rất nhiệt tình hỗ trợ em trong việc học hành, đưa đón, ăn uống, nhưng lại phớt lờ đam mê của em là hội họa, muốn em theo ngành kinh tế. “Áp lực bủa vây, nhiều lúc em mệt mỏi lắm, chỉ muốn nghỉ vài ngày để ngủ cho đã hay đi uống trà sữa với bạn bè, nhưng thấy ai cũng cắm mặt học nên em lại cố gắng lo cho mục tiêu của mẹ” - N. tâm sự.

Theo ý kiến của nhiều người, kỳ vọng con cái thi cử đỗ đạt hay nhắc nhở, đôn đốc con học hành là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, thay vì đồng hành với con trong học hành và thi cử, nhiều cha mẹ lại chọn cách “khoác” cho con, đặt lên vai con “gánh nặng” danh dự của chính mình và gia đình bằng cách này hay cách khác. Nhất là “ép” con vào thi vào trường ĐH danh giá, học những ngành cho là sau này kiếm được nhiều tiền, trong khi không hiểu hết năng lực, khả năng, đam mê của con... Sự ích kỷ dưới vỏ bọc “muốn tốt cho con” của không ít cha mẹ đã vô tình tạo ra áp lực lớn đối con, khiến các em càng thêm căng thẳng, mệt mỏi. Nếu quá ngưỡng chịu đựng, lại không được chia sẻ, không ít người trẻ bị căng thẳng kéo dài, dẫn đến trầm cảm và có những hành động dại dột để giải thoát khỏi những mệt mỏi, căng thẳng một cách thật đau lòng.

An Nhiên


Bình tĩnh vượt qua áp lực thi cử Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH: Ôn bài đúng cách, chọn ngành hợp khả năng

Mùa thi nào cũng có những áp lực, nhất là HS cuối bậc THPT. Song, các em cần bình tĩnh vượt qua áp lực này bằng cách học hết khả năng, ôn bài đúng cách và chọn trường hợp khả năng, sở thích của mình. Thật ra vấn đề tuyển sinh vào các trường ĐH, cao đẳng những năm gần đây không quá gắt, đầu vào mở rộng, nhiều lựa chọn nên các em không nên quá căng thẳng. Đặc biệt là phải xác định: vào ĐH không phải là con đường duy nhất quyết định tương lai của mình. Vẫn còn nhiều con đường khác dẫn đến thành công.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Xuân Thanh: Nên dành thời gian để vận động và chơi thể thao

Mùa thi thường rất bận rộn, nhưng không vì thế mà các em ngồi học hành, ôn tập suốt ngày. Nên sắp xếp thời gian ra ngoài vận động, thư giãn. Mỗi buổi, mỗi ngày dành ra 15-30 phút để vận động nhẹ hoặc chơi môn thể thao môn yêu thích, nhằm duy trì thể lực, giúp tinh thần sảng khoái. Khi cơ thể được trao đổi chất, stress cũng tan biến, không chỉ tránh được nguy cơ căng thẳng tích tụ mà còn giúp tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa), ThS tâm lý học NGUYỄN CÔNG BÌNH: Đừng để con tự bơi, cũng đừng tạo áp lực cho con

Những kỳ thi luôn đem đến những áp lực cho HS. Để có một kỳ thi tốt, các em cần có sự cân bằng giữa thời gian học hành và nghỉ ngơi, thư giãn. Bởi thế, hãy thư giãn, chia sẻ áp lực học hành, thi cử với cha mẹ, thầy cô và bạn bè; tránh những chuyện có thể gây sốc về tâm lý.

Đặc biệt là cha mẹ nên đồng hành với con, không nên để con “tự bơi” nhưng cũng đừng đặt áp lực lên con. Bởi tình trạng căng thẳng, áp lực không chỉ tác động xấu đến kết quả học tập mà còn tác động đến cơ chế hoạt động sinh học của cơ thể, khiến các em luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Khi tâm trạng không hứng khởi và cơ thể không khỏe thì việc thu nhận thông tin cũng hạn chế, dẫn đến học hành, thi cử không hiệu quả.

BS CKI TRẦN THỊ NGẦN, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế): Chú trọng bổ sung chất dinh dưỡng

Mùa thi cũng là mùa nắng nóng, cộng thêm ngủ không đủ giấc, áp lực, mệt mỏi của học hành, thi cử, thường khiến HS ăn uống kém, dẫn đến sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng đến kết quả học hành, thi cử. Do đó, gia đình nên chuẩn bị cho các em bữa ăn đủ chất, đủ lượng và đủ thành phần; nấu dưới dạng nhiều nước cho dễ tiêu, dễ hấp thu, hạn chế các món chiên xào, kho mặn. Ngoài 3 bữa chính nên có thêm bữa phụ có thể là yaourt, trái cây, sữa hoặc sinh tố, bánh ngọt. Đặc biệt nên chọn thực phẩm tươi mới, chế biến thức ăn hợp vệ sinh để tránh bị ngộ độc thực phẩm trong ngày thi cử.

Phương Liễu (ghi)


 

Tin xem nhiều