Báo Đồng Nai điện tử
En

Phía sau phòng mổ

09:02, 25/02/2022

Sau cánh cửa phòng mổ - lằn ranh sinh tử rất mong manh, sự sống của bệnh nhân không chỉ phụ thuộc vào các bác sĩ phẫu thuật mà còn có các bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê - hồi sức. Họ dùng hết khả năng của mình "chiến đấu" với thần chết, âm thầm, lặng lẽ giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Sau cánh cửa phòng mổ - lằn ranh sinh tử rất mong manh, sự sống của bệnh nhân không chỉ phụ thuộc vào các bác sĩ phẫu thuật mà còn có các bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê - hồi sức. Họ dùng hết khả năng của mình “chiến đấu” với thần chết, âm thầm, lặng lẽ giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Kỹ thuật viên gây mê - hồi sức của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho bệnh nhân thở oxy và đặt ống nội khí quản trong gây mê nội khí quản. Ảnh: B.Nhàn
Kỹ thuật viên gây mê - hồi sức của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho bệnh nhân thở oxy và đặt ống nội khí quản trong gây mê nội khí quản. Ảnh: B.Nhàn

* Gây mê - hồi sức: Công việc thầm lặng

Phòng Mổ của Khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức luôn tĩnh lặng, tiếng động duy nhất có lẽ chỉ có tiếng máy tít tít liên hồi của các loại máy móc. Bác sĩ phẫu thuật tập trung cao độ dò tìm vết thương, còn bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê thì từng giây, từng phút căng mắt theo từng nhịp thở, huyết áp, nồng độ oxy máu… của bệnh nhân.

16 năm trong nghề, BS Võ Duy Yên, Khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai cho hay, nhiều năm trước, ngành gây mê - hồi sức gần như rất ít bác sĩ theo học. Ngay cả khi đi làm, nghề này cũng không quá nổi bật mà âm thầm, lặng lẽ bên trong các phòng mổ. Người bệnh gần như không bao giờ biết đến sự tồn tại của bác sĩ, kỹ thuật viên. Theo BS Yên, bác sĩ vừa gây mê lẫn hồi sức cho bệnh nhân nên luôn là những người “đi trước, về sau”. Trong đó, gây mê chỉ là một mảng nhỏ, còn hồi sức lại yêu cầu tính chuyên sâu cao.

Hiện nay, tất cả các loại phẫu thuật về: sản khoa, tim, não… đều cần đến bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê - hồi sức. Vài năm nay, BVĐK Đồng Nai đã triển khai mổ tim cho cả người lớn lẫn trẻ em. Đây là một dạng kỹ thuật cao, yêu cầu tất cả bác sĩ của 3 ê-kíp như: phẫu thuật, gây mê, chạy tuần hoàn ngoài cơ thể đều phải có tay nghề cao và phối hợp nhịp nhàng với nhau.

 Cũng có thâm niên 10 năm làm kỹ thuật viên gây mê - hồi sức, anh Nguyễn Đức Huy, làm việc tại BVĐK khu vực Long Khánh bày tỏ, khi chọn nghề Y ai cũng xác định sẽ vất vả. Nhưng sự vất vả của các mảng khác mọi người đều nhìn thấy, còn lĩnh vực gây mê - hồi sức gần như không ai biết đến, nhất là những nơi thiếu nhân lực. Theo nguyên tắc, 1 kỹ thuật viên chỉ theo dõi 1 bệnh nhân từ đầu đến cuối ca phẫu thuật. Nhưng khi gấp và thiếu nhân lực thì họ phải “chạy” với công suất gấp nhiều lần.

Anh Huy nhớ lại: “Đêm đó, cùng lúc có đến 3 ca cấp cứu nặng vào viện. Một ca vỡ ruột, một ca vỡ gan và một ca sinh bị băng huyết phải nhập viện cấp cứu. Phòng mổ nào cũng cần kỹ thuật viên đặt ống nội khí quản, gây mê để mổ gấp. Một mình tôi chạy đi chạy lại 2 phòng mổ. Có ca nặng mổ từ 21 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau nên tôi phải thức trắng đêm”.

* Tất cả vì người bệnh

BVĐK Đồng Nai có 18 phòng mổ và hầu như lúc nào cũng hoạt động hết công suất với nhiều loại phẫu thuật khác nhau. Do vậy, một bác sĩ gây mê có thể “coi” 2 phòng mổ kế nhau cùng lúc với sự giúp sức của các kỹ thuật viên. Nhưng nhiều khi bệnh nhân đông, thiếu nhân lực thì một bác sĩ phải “coi” 4-5 phòng mổ. Ai cũng căng thẳng vì chỉ một động tác nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến cả một ca mổ. Hơn nữa, sau ca mổ, việc hồi sức để bệnh tỉnh táo trở lại là cả vấn đề lớn và hồi hộp đối với ê-kíp gây mê hồi sức.

Qua mỗi ca bệnh là một trải nghiệm đối với họ. Ca mổ kéo dài đồng nghĩa với việc tất cả những người tham gia vào cuộc mổ đều phải nhịn đói, thậm chí là “nhịn” đi vệ sinh. Khi bệnh nhân mổ xong, những kỹ thuật viên gây mê như anh Huy còn ở lại thu dọn, xử lý dụng cụ, làm hồ sơ… kéo dài đến lúc giao ca 7 giờ sáng vẫn chưa hết việc. Vì vậy, nhiều khi họ phải ngủ lại ngay tại bệnh viện sau giờ ra trực vì không còn đủ sức chạy xe về nhà.

BS Yên và đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai gây tê tủy sống cho bệnh nhân gù vẹo cột sống phức tạp
BS Yên và đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai gây tê tủy sống cho bệnh nhân gù vẹo cột sống phức tạp

“Có ngày cao điểm, ê-kíp của tôi gồm 2-3 bác sĩ cùng 3 kỹ thuật viên phải xử lý đến 41 ca cấp cứu trong suốt 24 giờ, từ ca đơn giản đến phức tạp. Ca nào thời gian mổ kéo càng dài thì áp lực theo dõi bệnh nhân càng cao” - anh Huy bày tỏ.

Sau mỗi ca mổ thành công, bệnh nhân hay người nhà chỉ có thể biết được bác sĩ mổ cứu sống mình. Họ gần như không thể biết ai là người đã gây mê và theo dõi từng nhịp thở của mình. Nghề của họ là phải thức canh cho bệnh nhân ngủ an toàn.

BS Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc BVĐK Thống Nhất - người từng gắn bó nhiều năm với công tác gây mê - hồi sức cho hay, ca mổ nào cho bệnh nhân cũng đầy căng thẳng và lo lắng, nhưng đối với những ca mổ cấp cứu thì căng thẳng và phức tạp hơn. Trong những lúc cấp bách như vậy, mọi thao tác của bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê phải khẩn trương, miệng nói tay làm với những động tác rất nhanh và liên tục. Đội ngũ làm công tác gây mê phải điều hành tất cả các khâu, từ việc tiêm thuốc, truyền dịch, truyền máu cho đến cả đôi mắt không lúc nào rời khỏi máy đo. Nhất là khi gặp những ca mổ cấp cứu nặng như đa chấn thương, vết thương mạch máu lớn… do bị tai nạn giao thông rất căng thẳng và đầy áp lực. Áp lực không chỉ cho những người làm công tác gây mê mà ngay cả ê-kíp phẫu thuật khác, bởi nếu chậm trễ trong tích tắc có thể gây tử vong cho người bệnh. Trong lúc khẩn cấp này phải cần sự hỗ trợ tất cả các ê-kíp như bác sĩ phẫu thuật và đội ngũ gây mê chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, thuốc men, phòng mổ để cấp cứu cho bệnh nhân.

BS Loan cho biết thêm, có 2 dạng mổ, đó là mổ chương trình và mổ cấp cứu. Đối với mổ chương trình thì đơn giản hơn, cả bệnh nhân và bác sĩ có thời gian để chuẩn bị mọi thứ, còn mổ cấp cứu rất khó khăn. “Khi nhận tin mổ cấp cứu như vết thương tim, bụng hay đa chấn thương… từ Ban giám đốc hay từ Khoa Cấp cứu là ê-kíp gây mê - hồi sức biết được cần phải chuẩn bị những gì cần thiết cho ca mổ. Có ca mổ ngắn chỉ vài chục phút hoặc vài tiếng đồng hồ nhưng cũng có ca kéo dài hàng chục tiếng mới có thể cứu sống được bệnh nhân. Dù vậy, họ vẫn lặng lẽ làm việc. Sự đóng góp của họ cũng mang tính quyết định trong thành công của ca mổ” - BS Loan nhấn mạnh.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều