Báo Đồng Nai điện tử
En

Xu hướng chọn đối tác của các nhãn hàng

08:01, 01/01/2022

Nhiều nhãn hàng lớn trên thế giới cam kết sẽ tiếp tục ưu tiên đơn hàng cho doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam, nhưng cũng đưa ra các tiêu chí ngày càng khắt khe cho sản phẩm may mặc. Do đó, DN dệt may Việt Nam muốn giữ được đơn hàng và mở rộng thị phần buộc phải đáp ứng các tiêu chí của nhãn hàng.

Nhiều nhãn hàng lớn trên thế giới cam kết sẽ tiếp tục ưu tiên đơn hàng cho doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam, nhưng cũng đưa ra các tiêu chí ngày càng khắt khe cho sản phẩm may mặc. Do đó, DN dệt may Việt Nam muốn giữ được đơn hàng và mở rộng thị phần buộc phải đáp ứng các tiêu chí của nhãn hàng.

Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại quần áo xuất khẩu vào nhiều thị trường lớn như: Liên minh châu Âu, Hàn Quốc... Ảnh: Khánh Minh
Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại quần áo xuất khẩu vào nhiều thị trường lớn như: Liên minh châu Âu, Hàn Quốc... Ảnh: Khánh Minh

Gần đây, 250 nhãn hàng thời trang nổi tiếng trên thế giới đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ là sẽ phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường. Vì thế, các nhãn hàng sẽ đòi hỏi những nhà máy sản xuất, gia công cho mình từng bước ứng dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn, dùng năng lượng tái tạo.

* Đòi hỏi ngày càng khắt khe

Dịch bệnh Covid-19, khiến cho ngành dệt may thế giới có nhiều thay đổi trong phân bổ chuỗi cung ứng và nhu cầu của người tiêu dùng. Xu hướng của người tiêu dùng trên thế giới đòi hỏi cao hơn và yêu cầu phải minh bạch từ quá trình sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm và đưa ra thị trường tới tay người sử dụng. Các sản phẩm có quá trình sản xuất thân thiện với môi trường như: sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái tạo sẽ được các nhãn hàng ưu tiên lựa chọn và đặt hàng nhiều hơn.

Bà Tiên Lê, Quản lý cấp cao hoạt động phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á của VF chia sẻ: “VF (Hoa Kỳ) được thành lập từ năm 1899 và là một trong những hãng thời trang hàng đầu thế giới mục tiêu hướng đến là phát triển bền vững. VF có những chương trình hỗ trợ nhiều nhà máy dệt may ở Việt Nam tối ưu hóa bằng cách tiết kiệm, sử dụng nguồn năng lượng sạch, giảm khí thải CO2. Những nhà máy dệt may sản xuất xanh sẽ được VF ưu tiên ký những đơn hàng lớn, lâu dài”.

Trước đây, nhiều nhãn hàng thời trang trên thế giới chỉ đòi hỏi các nhà máy phải minh bạch từ khâu sản xuất vải đến may mặc. Khoảng 3-4 năm nay, yêu cầu của nhiều nhãn hàng khắt khe hơn, bắt buộc sản phẩm may mặc phải truy xuất được nguồn gốc từ khâu sản xuất bông, kéo sợi, dệt vải, may mặc. Mỗi khâu đều có thông tin đầy đủ, chi tiết để khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nếu gặp bất trắc có thể biết lỗi do khâu sản xuất nào. Do đó, nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới đang sắp xếp lại chuỗi cung ứng từ nhà máy sợi để đảm bảo yêu cầu.

Ông Lee Sam, Giám đốc Công ty TNHH Men - Chuen Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6, H.Nhơn Trạch) cho hay: “Công ty mở 2 nhà máy sản xuất dệt nhuộm, vải cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Các đối tác trong ngành dệt may Việt Nam, thế giới ngày càng đòi hỏi cao và kiểm soát kỹ về chất lượng của từng khâu. Vì thế, công ty đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, đáp ứng đầy đủ những tiêu chí của khách hàng từ nhà xưởng, nguồn người lao động, môi trường, nguyên liệu…”.

* Chạy đua đường dài

Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh là những quốc gia nằm trong tốp đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu dệt may và đang có sự cạnh tranh gay gắt với Việt Nam trong giành thị phần. Dự tính năm 2022, ngành dệt may toàn cầu sẽ đạt 740 tỷ USD, tăng thêm 35 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, 5 thị trường lớn chiếm gần 62% nhu cầu sản phẩm dệt may của thế giới là: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư thương mại Thành Công cho rằng, năm 2020 và nửa đầu năm 2021, các nhãn hàng dịch chuyển nhiều đơn hàng dệt may về Việt Nam là do chúng ta kiểm soát tốt dịch Covid-19, có nhiều hiệp định thương mại đã ký kết hiệu lực. Tuy nhiên, các nước có ngành dệt may phát triển như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh những năm gần đây có tăng trưởng mạnh và đều đặt mục tiêu sẽ mở rộng thị phần. Đồng thời, các nước chú trọng trong phát triển nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ để chủ động trong sản xuất và hạn chế nhập khẩu. Vì thế, DN ngành dệt may Việt Nam nếu không tái cơ cấu để tăng sức cạnh tranh thì sẽ mất dần các đơn hàng.

“Dù dịch bệnh nhưng các nhãn hàng ngày càng đòi hỏi cao về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm may mặc nên DN phải đầu tư lớn cho nhiều khâu trong sản xuất. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng trong 2 năm qua, nhưng giá bán sản phẩm chỉ tăng nhẹ hoặc giữ nguyên khiến DN dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã có nhiều buổi kết nối làm việc trực tiếp, trực tuyến với các nhãn hàng đề nghị coi DN Việt Nam là đối tác lâu dài để cùng đồng hành, chia sẻ” - ông Tùng cho biết.

Theo một số thương hiệu thời trang lớn trên thế giới, họ đã giảm bớt kinh doanh tại Trung Quốc và đang dịch chuyển bớt sản xuất về các nước khu vực ASEAN. Do đó, nước nào phòng, chống dịch Covid-19 tốt, chính sách giao thương thuận lợi, DN dệt may có năng lực cao sẽ nhận được nhiều đơn hàng.

Khánh Minh

Tin xem nhiều