Thoát qua ''cửa tử'', trở về đón Xuân

Cập nhật lúc 14:57, Thứ Bảy, 22/01/2022 (GMT+7)

Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, Đồng Nai đã có hàng ngàn ca bệnh nặng. Trong những ca “thập tử nhất sinh”, nhiều bệnh nhân đã thoát “cửa tử” và trở về với người thân. Họ đã tạo thêm niềm vui cho gia đình, nhất là những ngày Tết đến, Xuân về.

Anh Nguyễn Thanh Hùng tưới cây sau giờ làm việc khi sức khỏe đã hồi phục. Ảnh: B.Nhàn
Anh Nguyễn Thanh Hùng tưới cây sau giờ làm việc khi sức khỏe đã hồi phục. Ảnh: B.Nhàn

* Lằn ranh sinh - tử

Sau khi test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, anh Nguyễn Thanh Hùng (ngụ tại P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) đã được đưa về nhà điều trị cách ly. 5 ngày đầu bị bệnh, anh Hùng hoàn toàn không có triệu chứng. Nhưng đến ngày thứ 6, anh Hùng bắt đầu chuyển nặng và phải đưa đi cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đồng Nai 2.

“Sau khi nhập viện 5 ngày, bác sĩ gọi điện thông báo chồng tôi chuyển bệnh nặng, người nhà vào chăm sóc để… gần được ngày nào hay ngày đó. Tôi nghe xong mà bàng hoàng, rụng rời tay chân vì không ngờ chồng mình bị bệnh nặng như vậy” - chị Nguyễn Thị Kiều Trinh, vợ anh Hùng kể lại.

Chị Trinh để con nhỏ ở nhà một mình rồi vào viện chăm chồng. Hình ảnh anh Hùng gầy yếu do sụt ký quá nhiều và thở máy khiến chị Trinh bàng hoàng và đau lòng. Lúc ấy, bác sĩ dự liệu anh Hùng có thể phải lọc máu vì bệnh viêm da cơ địa lâu năm và mắc Covid-19 quá nặng nề. May mắn, tình trạng đó không xảy ra nhưng anh Hùng phải thở máy liên tục suốt 1 tháng. Các bác sĩ đã sử dụng nhiều loại thuốc nhưng tình trạng của anh Hùng vẫn chưa cải thiện rõ rệt.

“Anh ấy sốt 410C liên tục, lặp đi lặp lại nhiều ngày liền nên hy vọng sống càng mong manh hơn. Bác sĩ tận tâm khai thác tiền sử viêm da cơ địa của chồng tôi để có phác đồ điều trị phù hợp hơn. Cuối cùng, bác sĩ đã cho chồng tôi uống loại thuốc rất mạnh trong 5 ngày. Nếu ngay cả loại thuốc đó không đáp ứng thì bác sĩ cũng… hết cách” - chị Trinh cho hay.

Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hùng chuẩn bị nấu cơm tối
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hùng chuẩn bị nấu cơm tối

May mắn đến với gia đình họ khi anh Hùng đáp ứng với thuốc. Và sau hơn 1 tháng, vào ngày 4-12-2021, anh Hùng xuất viện và được cách ly, dưỡng sức tại nhà. Sau đó 2 tuần, anh Hùng đã quay trở lại làm việc bình thường.

Trở về từ bệnh viện sau gần 2 tháng, cả gia đình bà Nguyễn Thị Hằng (ngụ H.Long Thành) vui mừng khôn xiết. Bà Hằng bị nhiễm SARS-CoV-2 khá nặng nề. Thời gian đầu mắc bệnh, bà được cách ly điều trị tại nhà nhưng chỉ vài ngày sau, bà Hằng đã nặng hơn và được chuyển vào điều trị tại đơn vị điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Một mình vào viện, mọi sinh hoạt, ăn uống của bà đều do các bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý đảm nhận. Ngay cả khi bệnh nặng hơn, họ cũng là những người kề cận.

Kể về hành trình điều trị của bà, BS Phan Duy Hà, Phó trưởng đơn vị điều trị Covid-19, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành cho biết: “Khi mới vào viện, bà Hằng đã trong tình trạng nặng vì nhiễm SARS-CoV-2. Hai lá phổi gần như bị tổn thương toàn bộ nên bà được cho thở oxy dòng cao (HFNC) ngay từ khi vào viện. Phải gần hơn 1 tháng thở máy HFNC liên tục, phổi của bà Hằng mới cải thiện. Bà dần được cai máy thở và tình trạng sức khỏe cũng bắt đầu tốt hơn”.

* Tết này còn đủ người thân

Ngày 16-1, bà Hằng được xuất viện. Đón vợ về, chồng bà Hằng không giấu được niềm vui: “Suốt thời gian vợ tôi nằm viện, cả nhà như “ngồi trên đống lửa” vì ngay khi nhập viện vợ tôi đã nặng rồi. Hơn nữa, thời gian nằm viện lại quá lâu nên chúng tôi càng lo hơn. Chỉ khi nghe điện thoại từ bệnh viện báo bà khỏi bệnh và được đưa về nhà, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Như vậy, Tết này gia đình tôi vẫn còn đông đủ các thành viên”.

Chị Trinh tâm sự, chị không thể quên được những ngày tháng chăm chồng tại bệnh viện vì tình trạng sức khỏe của anh Hùng lên xuống thất thường. Nhưng nhờ cán bộ, nhân viên y tế chăm sóc, tận tình tìm cách cứu sống bệnh nhân qua khai thác kỹ thông tin từ người nhà mà anh Hùng đã được “hồi sinh”.

“Nhịp tim của mình cũng thay đổi theo sức khỏe của chồng. Có lúc, niềm hy vọng chồng khỏe lại, cùng về nhà dường như rất mong manh. Nhưng cuối cùng điều đó đã thành hiện thực vì may mắn là chồng tôi gặp được bác sĩ giỏi lại có tâm nên được cứu sống ngoạn mục. Chăm chồng, cùng chồng trải qua “bước ngoặt” lớn của cuộc đời, chúng tôi càng trân quý hơn về sức khỏe cũng như những giây phút bên nhau” - chị Trinh bày tỏ.

BS Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh nhân phải thở máy tại Khu Hồi sức tích cực Covid-19 được xem như đứng giữa ranh giới sinh - tử. Vào viện, không ai quen biết ai nhưng bằng mọi giá, các y, bác sĩ vẫn cố gắng níu kéo sự sống của họ, dù có những trường hợp rất mong manh. Khi ấy, tâm trạng của người nhà “sợ nghe điện thoại” của khoa vì chỉ có 2 khả năng: Một là thông báo người thân của họ không qua khỏi, hai là thông báo xuất viện. Nhưng dù là lý do gì thì thân nhân bệnh nhân cũng rất hồi hộp, lo lắng khi thấy số điện thoại từ bệnh viện.

Bác sĩ Hùng kể: “Bản thân tôi cũng từng nhiều lần chứng kiến cảnh bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở máy vì Covid-19 và được cứu sống. Khi ra viện, không chỉ bệnh nhân khóc mà cả người nhà cũng ôm nhau khóc vì mừng. Họ không quên cảm ơn chúng tôi, còn chúng tôi vừa mừng cho bệnh nhân, vừa thấy nhẹ lòng”.

Những ngày này, nhiều bệnh nhân đã được xuất viện trở về với vòng tay của người thân để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, nhưng ở những phòng bệnh, nhiều y, bác sĩ vẫn miệt mài thay nhau chăm sóc, điều trị những người còn đang chống chọi với SARS-CoV-2…

TS-BS PHAN HUY ANH VŨ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, những ngày gần Tết Nguyên đán, số ca F0 mới và ca nặng cũng như tử vong đang giảm dần. Có ngày, toàn tỉnh không ghi nhận ca tử vong nào. Đây là tín hiệu đáng mừng sau nhiều tháng chống dịch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, người dân sẽ đón Tết Nguyên đán vui hơn, bớt lo lắng hơn. Nhưng không vì vậy mà chủ quan, người dân vẫn cần cảnh giác với biến chủng mới Omicron. Do đó, nguyên tắc 5K vẫn phải thực hiện nghiêm.

Bích Nhàn

.
.
.
.
.