Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà thơ Lê Thanh Xuân - Chỉ có đêm, lửa mới nhận ra mình

07:01, 07/01/2022

Nhà thơ Lê Thanh Xuân sinh ngày 7-2-1947, quê tại Thanh Hóa. Ông đã có 16 năm đóng góp cho Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai ở cương vị Trưởng, Phó trưởng ban Văn học; nguyên Ủy viên Ban Văn học công nhân (Hội Nhà văn Việt Nam)... Ông đã in 15 tập thơ, có nhiều giải thưởng và ghi nhiều dấu ấn đối với thơ ca.

Nhà thơ Lê Thanh Xuân sinh ngày 7-2-1947, quê tại Thanh Hóa. Ông đã có 16 năm đóng góp cho Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai ở cương vị Trưởng, Phó trưởng ban Văn học; nguyên Ủy viên Ban Văn học công nhân (Hội Nhà văn Việt Nam)... Ông đã in 15 tập thơ, có nhiều giải thưởng và ghi nhiều dấu ấn đối với thơ ca.

Xuất thân là nhà báo, ông đã đi rất nhiều nơi. Những vùng địa đầu Tổ quốc và những miệt núi rừng xa hút của Đồng Nai đi vào thơ ông bằng một sức hút mãnh liệt (Trăng sông Đà, Mai Châu, Dốc Cun, Viết từ rừng đước, Trên thảo nguyên, Cánh rừng cổ đại, Núi Tiên...). Đó là những nơi đã đánh thức tâm hồn cô đơn hoang dã của nhà thơ, nuôi dưỡng và làm cho tâm hồn ấy lớn mạnh lên, không ngừng đắp bồi khoáng chất. Hầu như đi đến đâu, trải nghiệm cảnh giới nào, nhà thơ đều nhớ đến nguồn dưỡng chất vô tận của thiên nhiên, lấy đó để hóa giải cuộc đời. Bài thơ Người S’tiêng vào thành phố tiêu biểu cho nỗi nhớ mang tính bản thể này:

Rừng hoang ta vốn tỏ từng

Về đây ta lại lạc rừng trong ta

Nơi cần ở tận núi xa

Ở nơi phố xá hóa ra mình thừa...

Nhà thơ Lê Thanh Xuân đã từng là một nhà giáo. Có lẽ công việc giúp ông có thêm sự thấu hiểu chính mình và định hình một lối thơ tư duy vừa táo bạo vừa chắt lọc. Một số nhà phê bình đã phát hiện thơ ông thiếu nhạc tính - yếu tố rất quan trọng trong thơ - nhưng vẫn hấp dẫn, cuốn hút người đọc. Đó là vì ông luôn tìm tòi cách thể hiện riêng, sâu sắc, góc cạnh. Ông chấp nhận lối đi riêng trong thi pháp và tìm tòi đến tận cùng lẽ sống; nhưng ông không lạc vào sự cực đoan nhờ “kiệm lời” trong thơ, tiết chế trong thanh âm, cảm xúc:

Tôi trồng hồn tôi vào đọt lá,
nhánh mầm

Cây của rừng, tiếng reo của bể

Tôi như bờ đá lặng lẽ âm thầm

Rồi một mai chợt nghe tiếng hót

                      (Tiếng đập cánh)

Thơ Lê Thanh Xuân không khai thác nhiều về mặt cảm xúc, mà tìm những phản đề giữa hiện thực và ước mơ. Ông thể hiện một cái Tôi trầm lặng, khiêm nhường; một cái Tôi an nhiên trong bão tố và bàng bạc nỗi buồn. Và ông tìm đến thiên nhiên (như: gió, mưa, thảo nguyên, mặt trời...) để có những bài học mang quy luật cuộc sống, lấy từ đó những an ủi, yêu thương.

Một chủ điểm lớn trong đời thơ của Lê Thanh Xuân là Tổ quốc và quê hương, trong đó mảnh đất Đồng Nai: “không phải nơi sinh ra, nhưng là nơi ủy thác”. Những năm tháng tuổi trẻ, ông viết về Tổ quốc lãng mạn và khoáng đạt; đó là vốn sống giúp ông lắng đọng những điều quý giá nhất để sống và sáng tác trên quê hương thứ hai của mình.

...Sông đi sông vẫn nhớ

Bóng buồn tênh con đò

Lòng mưa nguồn chớp bể

Khúc độc hành thăng hoa...

                                      (Sông Buông)

Sự thấu hiểu chính mình và tình yêu lớn lao dành cho cuộc đời chính là nỗi tỉnh thức lớn mà nhà thơ Lê Thanh Xuân gửi vào thơ. Ông viết cho tuổi 60: “Biết mình đã nhạt nắng trời - Một xa chưa tới. Một đời chưa qua...” Và tuổi 70: “Vui, buồn còn đọng chân mây - Giật mình bóng nắng cuối ngày dần phai”. Những câu chuyện, những kỷ niệm rất bình thường của đời người, nhưng nhà thơ đã làm cho chúng tươi đẹp, bay bổng, giải thoát. Thơ Lê Thanh Xuân đa phần là thơ tự do với cấu trúc câu dài, song ông cũng có những bài ngũ ngôn và lục bát mang đến rung động sâu xa, tận cùng của buồn vui.

Càng ngày, thơ Lê Thanh Xuân càng đạt tới sự mộc mạc như điêu khắc bằng thơ, để chính mình tan loãng vào không gian và thời gian. Song sự đậm nhạt của ngôn từ điêu luyện khiến nhiều nhà thơ trẻ coi ông là một bậc thầy. Thơ Lê Thanh Xuân có một chỗ đứng nhất định trên văn đàn, và có sức lan tỏa trong đời sống thơ ca Đồng Nai.

“Chỉ có đêm, lửa mới nhận ra mình” - câu thơ như lời tự họa của nhà thơ Lê Thanh Xuân. Còn rất nhiều điều thú vị có thể nói về thơ ông, về những ước mơ và tầm nhìn của Tổ quốc, mây trời, biển cả; của tảng đá “cứ nén vào và dâng lên quyết liệt”, và “của gió đau - sau mỗi lần làm bão”...

Trần Thu Hằng

Tin xem nhiều