Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng phát triển kỹ năng cho học sinh

07:01, 01/01/2022

Chắc hẳn đa phần phụ huynh trong quá trình giáo dục, định hướng cho con thường sẽ đưa ra lý lẽ: nếu con siêng học, học giỏi thì sau này con sẽ trở thành người tài giỏi, sẽ kiếm được công việc nhẹ nhàng, mức lương cao và có cuộc sống ổn định.

Chắc hẳn đa phần phụ huynh trong quá trình giáo dục, định hướng cho con thường sẽ đưa ra lý lẽ: nếu con siêng học, học giỏi thì sau này con sẽ trở thành người tài giỏi, sẽ kiếm được công việc nhẹ nhàng, mức lương cao và có cuộc sống ổn định.

Nhưng liệu học giỏi có đi đôi với thành công? Đó cũng là câu hỏi, là băn khoăn mà không ít trẻ đặt ra và cần có câu trả lời thuyết phục.

Trước hết, phải thấy rằng câu hỏi mà trẻ đặt ra là hoàn toàn hợp lý và là vấn đề mà chính người lớn phải suy nghĩ. Đây cũng là nhiệm vụ được đặt ra cho nhà trường và gia đình. Theo nghĩa thông thường, học giỏi nghĩa là giỏi về lý thuyết, có nhiều kiến thức. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống và công việc đòi hỏi không chỉ “lý thuyết suông”. Sự thành công của mỗi người không thể thiếu kỹ năng. Đây cũng là phần mà học sinh của chúng ta đang bị khuyết.

Tùy theo độ tuổi, học sinh cần được rèn luyện và hình thành các kỹ năng: kỹ năng sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hợp tác và chia sẻ, kỹ năng quản lý thời gian…

Tất cả những kỹ năng này sẽ trở thành hành trang để các em bước vào đời, áp dụng hiệu quả kiến thức vào trong thực tiễn. Muốn có được kỹ năng thì quá trình giáo dục không thể tách rời phương châm “học đi đôi với hành”. Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đòi hỏi việc áp dụng phương châm này ngày càng nhiều hơn bởi chỉ có như vậy thì học sinh mới phát triển được năng lực và phẩm chất theo mục tiêu của chương trình.

Trẻ cần phải được dạy để hiểu và thực hành để có thể biến kiến thức thành kỹ năng. Quá trình hình thành kỹ năng gồm 4 giai đoạn: (1) Học (làm quen) là quá trình tiếp cận kiến thức, lý thuyết, kỹ năng cần đạt; (2) Áp dụng kiến thức học được vào công việc, cuộc sống hằng ngày, là quá trình quan trọng để biến kiến thức thành kỹ năng của bản thân; (3) Rèn luyện, là quá trình để làm thuần thục kỹ năng; (4) Có thể chia sẻ và hướng dẫn lại cho người khác.

Để trẻ hình thành được kỹ năng, phụ huynh cần ủng hộ trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, tham gia các CLB ở nhà trường. Đây là môi trường tốt để trẻ được vừa học vừa hành, áp dụng kiến thức vào thực tiễn… Đa phần hoạt động ngoại khóa đều không tích điểm hoặc khó cộng điểm trực tiếp vào môn học, trong khi đó trẻ lại cần có nhiều thời gian cho hoạt động trải nghiệm. Nhiều phụ huynh lo lắng cho kết quả học tập của trẻ nên không cho phép trẻ tham gia. Đây là quan điểm không phù hợp.

Thực tế, trẻ có thể học thuộc lý thuyết mới chỉ trong 1 buổi nhưng để biến lý thuyết đó thành 1 sản phẩm thì cần nhiều thời gian hơn: hằng tuần thậm chí hằng tháng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hành, trải nghiệm đó, trẻ sẽ hình thành được nhiều kỹ năng. Khi những kỹ năng này được rèn luyện nhiều thì chắc chắn trẻ sẽ sử dụng có hiệu quả trong cuộc sống hằng ngày.

Chỉ khi có kiến thức nền tảng và giỏi kỹ năng thì con người mới có thể thành công. Đó là điều trẻ nên được biết và thực hành mỗi ngày, thay vì áp đặt suy nghĩ chỉ cần học giỏi là thành công.

Tường Vi

Tin xem nhiều