Báo Đồng Nai điện tử
En

'Tuổi trẻ là mốc son rực rỡ của cuộc đời, hãy hiên ngang và bước đi'

08:12, 04/12/2021

"Sống là không chờ đợi" hay "Một mũi tên chỉ được bắn về phía trước khi bị kéo ngược ra phía sau. Vậy nên, khi nào cuộc sống kéo bạn về sau, thì hãy nghĩ rằng nó đang khởi động để đưa bạn tiến về phía trước" - đó là chia sẻ của Tiến sĩ (TS) tâm lý học Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam với Đồng Nai cuối tuần.

“Sống là không chờ đợi” hay “Một mũi tên chỉ được bắn về phía trước khi bị kéo ngược ra phía sau. Vậy nên, khi nào cuộc sống kéo bạn về sau, thì hãy nghĩ rằng nó đang khởi động để đưa bạn tiến về phía trước” - đó là chia sẻ của Tiến sĩ (TS) tâm lý học Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam với Đồng Nai cuối tuần.

Tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An. Ảnh: Vương Thế
Tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An. Ảnh: Vương Thế

Theo TS Đào Lê Hòa An, trước ngưỡng cửa cuộc đời, học sinh, sinh viên cần mang tâm thế tự chủ, mạnh dạn khám phá những điểm mạnh của bản thân mình.

* Sống hết mình và dám theo đuổi ước mơ

* Ai là người thầy có tầm ảnh hưởng nhất đối với ông khi theo đuổi nghề tư vấn tâm lý cho học sinh?

- Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã có khoảng 15 năm làm nghề. 7 năm đầu tiên, tôi có cơ hội được đi cùng và dẫn dắt, định hướng bởi GS-TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Tôi đã học được từ thầy rất nhiều điều mà trường đại học không dạy cho mình.

* Theo ông, ở Việt Nam hiện nay, việc quan tâm đến tâm lý học đường của cả gia đình lẫn trường học đã đúng mức chưa?

- Thật lòng mà nói, dù đã có rất nhiều đổi mới nhưng việc quan tâm đến sức khỏe tinh thần chưa bao giờ được bằng như sức khỏe thể chất. Bởi vì tinh thần nó âm ỉ, nó ẩn bên trong nên khó phát hiện nếu không thực sự quan sát và lắng nghe. 

* Quan điểm nuôi dạy con của ông như thế nào?

- Cho dù có một số quan điểm còn khác biệt, nhưng tôi và vợ luôn thống nhất rằng, con chúng tôi không cần phải đạt danh hiệu học sinh giỏi hay xuất sắc, không cần phải áp lực về điểm số. Con chỉ cần không ngừng nỗ lực cố gắng hoàn thiện bản thân, xác định mục tiêu cuộc sống rõ ràng, tích cực tham gia các hoạt động, rèn luyện kỹ năng, mạnh dạn khám phá những nơi con muốn đến, hãy tích góp thật nhiều trải nghiệm thú vị và làm những điều mà con cảm thấy hạnh phúc, trở thành người mà con muốn trở thành.

* Là người gắn bó và thấu hiểu các bạn trẻ, theo ông, tuổi trẻ đang thiếu điều gì?

- Theo tôi, tuổi trẻ dư nhiều và cũng thiếu nhiều: dư sức khỏe, dư năng lượng, dư thời gian, dư cơ hội nhưng lại thiếu mục tiêu, thiếu sự bền bỉ, thiếu tầm nhìn, thiếu động lực, thiếu kỹ năng mềm, thiếu sự tự tin…

Khi đối mặt với thử thách, khó khăn, do không xác định được lý do đủ lớn để bắt đầu nên họ dễ chùn bước và bỏ cuộc, sợ không có khả năng rồi rụt rè, e thẹn, khép mình lại trong khi bản thân họ lại đang ẩn chứa nhiều thế mạnh lớn chưa được khai phá. Tuổi trẻ cũng thiếu một người thầy, một quân sư để có thể thấu hiểu và chỉ dẫn cho họ.

Nói tóm lại, tuổi trẻ thiếu định hướng và thiếu hiểu biết về chính bản thân mình, thiếu công cụ để khám phá và tìm thấy thế mạnh thực sự của họ.

* Vậy bạn trẻ phải làm gì để khắc phục những điều đó?

- Tuổi trẻ cần định vị bản thân, xác định đích đến, chọn lựa “sân chơi” phù hợp nhất với khả năng và niềm đam mê của mình. Sự dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám thất bại và dám làm lại là điều nên có.

Tuổi trẻ là mốc son rực rỡ của cuộc đời, hãy hành động và hiên ngang bước đi để khi nhìn lại ta sẽ cảm thấy tự hào chứ không phải là hối tiếc vì những hoài bão, ước mơ ta chưa từng thực hiện hết mình, hết sức.

TS Đào Lê Hòa An giao lưu cùng học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, TP.Biên Hòa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
TS Đào Lê Hòa An giao lưu cùng học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, TP.Biên Hòa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Dạy học trên môi trường mạng, giáo viên càng phải cẩn trọng ngôn từ và hành vi

* Năm 2020, ông cùng các cộng sự đã cho ra đời ứng dụng (app) tư vấn hướng nghiệp 4.0 JobWay để định hướng, giúp người trẻ chinh phục con đường nghề nghiệp của mình, ông có thể chia sẻ thêm về ứng dụng này?

- Như đã phân tích, tuổi trẻ thiếu nhất là tính định hướng, thiếu một chuyên gia luôn sẵn sàng lắng nghe, hướng dẫn và giúp họ nhận ra thế mạnh của mình để tự tin chinh phục con đường nghề nghiệp. Với khát vọng không để người trẻ đơn độc trên hành trình quan trọng ấy, tôi cùng cộng sự đã xây dựng ứng dụng JobWay (có thể tải về trên điện thoại) - hệ sinh thái hướng nghiệp toàn diện miễn phí dành cho người trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên. Trên ứng dụng này, hầu như mọi nhu cầu về định hướng, thấu hiểu bản thân, tìm ra thế mạnh, chọn nghề, chọn trường, dự báo thị trường lao động của người trẻ đều được tích hợp. Ứng dụng còn có các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục luôn túc trực để lắng nghe và trả lời các câu hỏi cho các bạn trong vòng 24-36 tiếng.

Tôi hy vọng, JobWay sẽ trở thành app định hướng “quốc dân” mà mỗi bạn trẻ đều có trên điện thoại của mình.  

* Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc học tập của học sinh, sinh viên phải chuyển qua trực tuyến, ứng dụng công nghệ giúp ích nhiều cho dạy học nhưng cũng phần nào có tác động đến môi trường văn hóa học đường. Trong hoàn cảnh ấy, giáo dục nói chung, thầy cô giáo nói riêng phải làm sao để giữ được cảm xúc của mình?

- Tôi cho rằng, trong thách thức luôn có cơ hội, việc chuyển đổi sang hình thức trực tuyến đã mở rộng không gian, thời gian và cách thức tương tác không giới hạn cho bài giảng của quý thầy cô đến với đông đảo các em học sinh.

Dạy và học online, người dạy và người học không ở cùng một nơi mà có thể ở bất cứ nơi đâu, từ nơi yên tĩnh, tới nơi có mưa rơi, tới nơi nóng bức, nơi có nhiều tiếng nhiễu… Do đó, việc thấu hiểu lẫn nhau là một trong những thách thức và khó khăn vì không cùng cảm nhận chung. Vì học ở nhà nên xuất hiện tâm lý chủ quan, xuề xòa, bên cạnh đó, yếu tố đường truyền và trang thiết bị đóng vai trò quan trọng để thông tin được truyền đạt rõ ràng và nhất quán.

Khi đã online, tất cả nội dung, hình ảnh, lời nói đều sẽ được ghi lại theo thời gian thực. Người thầy cần xác định tâm thế mình là người truyền cảm hứng, dẫn dắt và người tổ chức hướng dẫn cho người học chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, thái độ. Thầy cô duy trì kỷ luật lớp học và định hình bản sắc riêng là cần thiết nhưng cần cẩn trọng về cách sử dụng từ ngữ hoặc các biện pháp phải tuân thủ quy định của ngành Giáo dục. Người dạy cần thao tác và làm chủ công nghệ, các nền tảng số, các công cụ ứng dụng cho việc giảng dạy online, chuẩn bị chu đáo về giáo án, lường trước các tình huống phát sinh ngoài ý muốn khi tổ chức lớp học, tôn trọng người học và hãy giữ tâm thế và tinh thần thoải mái trước khi bắt đầu lớp học.

* Mạng xã hội đang góp phần làm thay đổi cuộc sống nhưng mục đích sử dụng mạng xã hội không phải ai cũng giống nhau. Làm sao để người trẻ, nhất là học sinh, sinh viên có thể sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý nhất?

- Mạng xã hội là nơi mà tất cả mọi người có thể trình diễn bản sắc cá nhân, giao lưu, kết nối, học tập, sáng tạo nội dung, giải trí… Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, khi ta sử dụng mạng xã hội, ta đang đánh đổi và “bán” đi một thứ rất quan trọng - đó chính là thông tin cá nhân: bạn là ai, bạn có sở thích gì, điều bạn quan tâm là gì, bạn đang ở đâu, bạn làm gì, làm như thế nào, với ai… đều được công khai khi bạn quyết định chia sẻ. Chính vì vậy, hãy chú ý sử dụng nó có mục đích cụ thể, bạn đăng dòng trạng thái, thích hay chia sẻ thông tin, hình ảnh ấy thì sẽ có  tác động gì, có gây ảnh hưởng như thế nào đến mình trong hiện tại và tương lai? Hãy làm chủ mạng xã hội chứ đừng để nó là “ông chủ” của mình.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

TS Đào Lê Hòa An được biết đến là diễn giả nổi tiếng và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý học đường, tâm lý xã hội và tâm lý học trên nền tảng số và tâm lý học hướng nghiệp. Ông hiện là Giám đốc Công ty Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và Hướng nghiệp Jobway, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng Việt Nam bách nghệ thực hành. TS Đào Lê Hòa An cũng đang sở hữu kênh Facebook với hơn 37 ngàn lượt theo dõi.

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều