Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành trình gặp gỡ và yêu nghề giáo

08:12, 04/12/2021

Đến với nghề giáo viên trong tâm thế không có nhiều lựa chọn nhưng chính các học trò nhỏ ở vùng sâu đã khiến cô Vũ Thị Hồng Bích dần trở nên yêu nghề. Tính đến nay, cô Bích đã có 17 năm đứng trên bục giảng.

Đến với nghề giáo viên trong tâm thế không có nhiều lựa chọn nhưng chính các học trò nhỏ ở vùng sâu đã khiến cô Vũ Thị Hồng Bích dần trở nên yêu nghề. Tính đến nay, cô Bích đã có 17 năm đứng trên bục giảng.

Cô Vũ Thị Hồng Bích, giáo viên Trường THCS Lê Thánh Tông (xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc). Ảnh: NVCC
Cô Vũ Thị Hồng Bích, giáo viên Trường THCS Lê Thánh Tông (xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc). Ảnh: NVCC

Cô Bích hiện là giáo viên Trường THCS Lê Thánh Tông (xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc) và là một trong 3 giáo viên cốt cán môn Lịch sử và Địa lý của H.Xuân Lộc.

* Chuyển hóa tình yêu

Kể về hành trình đến với nghề dạy học của mình, cô Bích tự nhận mình thuộc diện… “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Vốn yêu thích và học tốt môn Văn nên cô Bích từng có mơ ước trở thành nhà báo. Tốt nghiệp THPT, cô quyết định thi vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhưng không đủ điểm. Vì vậy, cô thi vào ngành Sư phạm Lịch sử Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai).

Tốt nghiệp năm 2004, cô giáo trẻ Hồng Bích được phân công về dạy học tại Trường THCS Nguyễn Du (xã Xuân Định, H.Xuân Lộc). Vẫn còn ôm ấp hoài bão trở thành nhà báo nên khi mới đi dạy, cô Bích chỉ xem đây là nghề để kiếm sống chứ chưa dành tâm huyết cho công việc.

“Sau 2 năm, xác định không thể thay đổi công việc nên tôi nghĩ rằng, dù yêu hay không yêu nghề thì mình vẫn phải làm công việc này vậy tại sao mình không thử yêu lấy nó. Từ đó, tôi bắt đầu tập trung cho việc dạy học. Càng đào sâu tìm hiểu và đầu tư cho bài giảng, tôi càng thấy cái hay của môn Lịch sử” - cô Bích cho biết.

Những năm đầu tiên làm công tác chủ nhiệm cũng đem đến cho cô Bích nhiều bài học quý giá về sự quan tâm, chia sẻ với học trò. Cô đã từng trách một học trò vì em liên tục đi học trễ làm ảnh hưởng đến thi đua của lớp mà không biết rằng mỗi ngày em phải mất hơn 45 phút để đi từ nhà đến trường. Sau lần đó, cô bắt đầu tìm hiểu hoàn cảnh của học trò mới biết rất nhiều em ở xa trường. Có em nhà ở gần suối, những hôm nước lớn, các em phải nhờ cha mẹ đưa qua suối rồi mới tự đi được… Chính những hoàn cảnh của học sinh như vậy đã khiến cô Bích dần yêu nghề và thực sự muốn gắn bó với nghề.

Không chỉ được tiếp thêm sức mạnh tinh thần từ học sinh, cô Bích còn được truyền ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết bởi rất nhiều thầy cô giáo tâm huyết. “Tôi may mắn được nhiều thầy cô giáo giỏi, mẫu mực. Đó là thầy Sa, thầy Công, thầy Hổ, thầy Tiến, thầy Trung, là cô Lâm, cô Nguyệt, cô Vi… Họ truyền động lực, thúc đẩy để giúp tôi tiến bộ mỗi ngày” - cô Bích bộc bạch.

* Để học sinh ngày càng yêu Lịch sử

Dạy học đến năm thứ 3, cô Bích quyết tâm đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Mục đích đi thi là để được các thầy cô giáo trong hội đồng bộ môn nhận xét nhằm rút kinh nghiệm để dạy học tốt hơn. Xác định tinh thần là vậy, nhưng khi bị phê bình “toàn dạy phương pháp cũ trong khi người ta dạy phương pháp mới”, cô Bích vô cùng buồn. Cô quyết tìm hiểu, học hỏi cặn kẽ các phương pháp dạy học mới để đáp ứng chương trình. Mấy năm sau, cô Bích lại tham gia thi giáo viên dạy giỏi và đã đoạt giải.

Hội thi Nhà sử học nhỏ tuổi do Phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc tổ chức là một trong những hoạt động giúp học sinh thêm yêu thích môn Lịch sử. Ảnh: NVCC
Hội thi Nhà sử học nhỏ tuổi do Phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc tổ chức là một trong những hoạt động giúp học sinh thêm yêu thích môn Lịch sử. Ảnh: NVCC

Những tìm tòi, học hỏi khi đó không chỉ giúp cô Bích tiến bộ vượt bậc mà còn để lại nhiều kinh nghiệm về tâm thế của người giáo viên trước những đổi mới của nền giáo dục, cụ thể là việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới và thay sách giáo khoa. Hiện nay, cô Bích đang công tác tại Trường THCS Lê Thánh Tông và là một trong 3 giáo viên cốt cán môn Lịch sử - Địa lý của H.Xuân Lộc. Cô đón nhận chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới với tâm trạng hồ hởi.

Với chương trình mới, giáo viên được chủ động hơn, học sinh không phải ghi nhớ nhiều kiến thức nữa mà được chú trong phát triển năng lực, phẩm chất. Nhờ vậy, cô và trò có thể đào sâu, tìm hiểu kỹ hơn về nội dung bài học. Chính điều này khiến học trò thấy được cái hay của môn Lịch sử. “Học Sử mà chỉ qua loa thì không thể nào cảm nhận được cái hay của nó” - cô Bích chia sẻ.

Năm học này, cô Bích phụ trách dạy phân môn Lịch sử trong môn Lịch sử - Địa lý lớp 6. Dù dạy online, cô Bích vẫn áp dụng được các phương pháp dạy học tích cực, giao nhiệm vụ để học sinh tìm hiểu, chuẩn bị bài trước khi “lên lớp”. Học sinh cũng được thuyết trình, thảo luận, phản biện nhiều hơn, còn cô chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở.

Cô còn dùng cách “tích sao” để khuyến khích học sinh chủ động trong học tập. Theo đó, với mỗi nhiệm vụ hoàn thành, hoạt động tích cực… thì học sinh được tích 1 sao, 10 sao đổi được 1 điểm. Cách này khiến học sinh phấn đấu nỗ lực mỗi ngày, tránh tình trạng chỉ cần một lần cố gắng để đạt 10 điểm rồi không đầu tư cho môn học nữa.

Có tinh thần học hỏi lại được sự cổ vũ của lãnh đạo nhà trường và hội đồng bộ môn, cô Bích đã cùng với giáo viên trong tổ dành 3 năm liền để nghiên cứu, thể nghiệm đề tài Giải pháp giúp học sinh THCS yêu thích môn Lịch sử. Trong đó, cô đã thực hiện các biện pháp như: dạy học theo hướng tích hợp liên môn, đổi mới phương pháp dạy chính khóa, chú trọng ngoại khóa Lịch sử…

Kiên trì với mục đích giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử hơn, đến nay, cô Bích đã làm khá tốt điều này. Cô Bích trải lòng: “Không phải giáo viên nào cũng có năng khiếu sư phạm để lôi cuốn học sinh ngay từ đầu. Dù vậy, bất cứ giáo viên nào cũng có thể rèn luyện được bằng cách tự học, cập nhật kiến thức, tìm kiếm các câu chuyện lịch sử hấp dẫn để minh họa cho bài học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học…”.

Cô VŨ THỊ HỒNG BÍCH bộc bạch: “Sau khi ra trường, tôi về trường cũ để dạy học. Ngồi trên bục giảng nhìn xuống thì thấy đó là cái bàn, cái ghế mình từng ngồi; quen thuộc đến từng gốc cây ở sân trường mà lớp mình từng trồng và chăm sóc. Nhìn lại các em học sinh cũng giống mình ngày xưa. Dần dần, tôi thấy mình yêu nghề hơn và quyết định gắn bó với nghề dạy học”.

Hải Yến

Tin xem nhiều