Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án càng mới mẻ thì xác suất thành công càng cao và có sức hút với nhà đầu tư

11:11, 26/11/2021

Sau nhiều năm quản lý của một quỹ đầu tư mạo hiểm có tiếng của Nhật Bản khu vực Thái Lan và Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Dũng đã quyết định sáng lập quỹ đầu tư Do Ventures tại Việt Nam và mong muốn tìm kiếm những start-up có hàm lượng công nghệ, sáng tạo để hợp tác.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, người sáng lập và điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, người sáng lập và điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures

Sau nhiều năm quản lý của một quỹ đầu tư mạo hiểm có tiếng của Nhật Bản khu vực Thái Lan và Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Dũng đã quyết định sáng lập quỹ đầu tư Do Ventures tại Việt Nam và mong muốn tìm kiếm những start-up có hàm lượng công nghệ, sáng tạo để hợp tác.

Shark Dũng là một trong những “cá mập” được yêu thích nhất Shark Tank mùa 2,mùa 3.Sự hài hước nhưng cũng rất điềm đạm, sâu sắc của ông phần nào đã truyền cảm hứng cho người trẻ cũng như các start-up. Trò chuyện cùng Đồng Nai cuối tuần, Shark Dũng đã chia sẻ những vấn đề quanh câu chuyện khởi nghiệp và những yếu tố cần thiết để gọi vốn thành công.

Học tập là yếu tố cốt lõi đầu tiên để thành công

Thưa ông, với những gì đã trải qua của mình thì khi nhìn lại, ông có lời khuyên gì với các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng của cuộc đời?

- Mỗi chúng ta ở đây ai cũng có cả một hành trình, một tuổi trẻ để đi qua. Hành trình của tôi không có gì đặc biệt cả, tuy nhiên, ở góc độ nào đó, thời chúng tôi ai cũng khó khăn cả. Gia đình, bố mẹ tôi làm rất nhiều nghề, từ làm mắm, may mặc, trồng cây... để có thể nuôi được các con.

Khó khăn nên bố tôi thường xuyên nói với chúng tôi rằng phải học, chỉ có học là con đường duy nhất để thoát nghèo. Câu nói ấy cứ vấn vương mãi trong tai tôi. Sau này, CÓ Cơ hội là tôi học bằng được, học thêm cả tiếng Anh dù nhà cách nơi học lên đến 20km và đi thi đại học, tôi thi đến tận 6 trường bởi nếu có trượt trường này thì còn trường khác.

Nói cho cùng, chỉ có học vấn và trước hết là học vấn mới là hành trang vững bền đối với tất cả mỗi

* Ông đánh giá như thế nào về khát vọng khởi nghiệp trong thanh niên trẻ hiện nay?

- Tôi nghĩ rằng khát vọng của tuổi trẻ khởi nghiệp đang ngày càng mãnh liệt hơn, nhiều cơ hội hơn. Việt Nam Có dân số trẻ, khả năng tiếp cận khoa học Công nghệ tốt hơn khi internet ngày càng phổ biến, tới tận nông thôn.

Nhìn chung, để bắt đầu, các bạn không cần phải có quá nhiều vốn và quá nhiều đòi hỏi. Tuy nhiên để làm một doanh nghiệp lớn, xây dựng ý tưởng lớn thì cần chuẩn bị rất nhiều thứ. Cạnh tranh trong các lĩnh vực, nhất là Công nghệ ngày càng nhiều, các tập đoàn lớn của thế giới cũng đang đến Việt Nam. Bắt đầu thì dễ nhưng để thành công, các bạn cần chuẩn bị kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn và những mối quan hệ, nhất là những người có thể dẫn dắt bạn đi đến thành công.

* Có nghĩa là chúng ta có quyền đặt ra tham vọng lớn nhưng phải biết bắt đầu từ những việc nhỏ?

- Điều này đúng với bất cứ lĩnh vực gì, dù các bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thống hay lĩnh vực Công nghệ. Các bạn phải bắt đầu từ những việc nhỏ, trừ trường hợp một doanh nghiệp lớn mở ra mảng kinh doanh mới.

Nói đến khởi nghiệp là chúng ta nói đến từ đầu và nên bắt đầu từ những việc nhỏ bởi mình đã có cái gì đâu mà không bắt đầu từ nhỏ (cười)!

* Vậy để tiếp cận với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), bước đầu tiên của bạn trẻ là gì, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng, cần phải hiểu rõ khởi nghiệp Công nghệ, ĐMST là như thế nào, tình hình thực tế đang diễn ra ở trên thế giới và Việt Nam. Phải xác định lĩnh vực mà mình theo đuổi đã có trên thế giới và ở Việt Nam chưa. Nếu bắt đầu thì lợi thế cạnh tranh là gì và cần những yếu tố gì cần thiết để lĩnh vực theo đuổi có được sự phát triển đột phá. .

Chừng nào các bạn còn chưa hiểu mình và chưa hiểu đối thủ xung quanh mà đã bắt đầu thì khả năng thất bại cũng rất cao.

Đầu tư cho khởi nghiệp cũng là “khởi nghiệp”

* Ở năm ngoái, vào tuổi 40, có thể nói ông cũng vừa khởi nghiệp với việc thành lập quỹ đầu tư Do Ventures. Sau nhiều năm tham gia quản lý quỹ đầu tư khác và giờ sáng lập quỹ mới ngay giữa đại dịch, ông có gặp những thách thức?

- Tôi đã bắt đầu đầu tư và hỗ trợ các Công ty khởi nghiệp về Công nghệ từ đầu năm 2008. Đến năm 2019, nhận thấy thị trường này đang có rất nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam và cơ hội cho các start-up Việt Nam mở rộng nên quyết định về việc tham gia vào thị trường. Khi ở lâu một chỗ, tôi tính toán đến việc theo con đường riêng của mình.

Còn nói về khó khăn thì có nhưng đó không phải là vấn đề quá lớn, đã có rất nhiều công ty ra đời trong thời kỳ khủng hoảng. Trong khi chúng tôi có các mối quan hệ bền vững từ trước với các quỹ đầu tư lớn, chỉ cần tình hình ổn định trở lại thì thời cơ sẽ lại tiếp tục tới. Nói một cách khác, khủng hoảng cũng là lúc thể hiện được bản lĩnh của các nhà sáng lập dự án, chính họ sẽ tìm ra lời giải cho bài toán cộng đồng thị trường. Họ sẽ là những người đi tiên phong để giúp thị trường Việt Nam có những start-up lớn mạnh trong tương lai. Chúng tôi ở đây và sẵn sàng đồng hành với các bạn.

Shark Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ tại buổi tọa đàm về khởi nghiệp Năng lượng tích cực để bứt phá do Sở KH-CN phối hợp với Tỉnh đoàn cùng Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức. Ảnh: V.THẾ
Shark Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ tại buổi tọa đàm về khởi nghiệp Năng lượng tích cực để bứt phá do Sở KH-CN phối hợp với Tỉnh đoàn cùng Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức. Ảnh: V.THẾ

* Nổi tiếng với các thương vụ đầu tư lớn ở chương trình Shark Tank Việt Nam, những tiêu chí nào là quan trọng khi ông “xuống tiền” cho một dự án?

- Tôi nghĩ rằng đầu tư ở đâu, trong lĩnh vực nào cũng thế thôi, nhà đầu tư sẽ nhìn vào một số yếu tố.

Thứ nhất là con người, tức là những nhà sáng lập bởi vì đây là cha đẻ dự án, đi theo dự án và quyết định đến sự tồn vong, phát triển.

Thứ hai là thị trường, Công ty đó phải có một thành tựu nhất định, thị trường phải đủ lớn, khi đó mình chỉ cần cưỡi sóng là đi lên. Các nhà đầu tư khi đầu tư vào dự án nào họ đều kỳ vọng vào sự phát triển, trong khi những dự án khởi nghiệp kiểu truyền thống, dễ gia nhập thị trường thì không đủ sức hấp dẫn. Dự án càng mới mẻ, thị trường càng lớn thì cơ hội gọi vốn sẽ cao hơn.

Thứ ba là lợi thế cạnh tranh bởi nó là điểm phân biệt nhóm, Công ty nào có khả năng dẫn dắt, tham gia vào thị trường hơn nhóm công ty khác.

Và cuối cùng là yếu tố mô hình kinh doanh. Các nhà đầu tư sẽ xem xét rất kỹ. Mỗi một dự án đều phải đưa ra những kế hoạch rõ ràng để có những con số nhất định về lợi nhuận, cho dù là 3 năm, 5 năm hay lâu hơn....

* Là nhà đầu tư cho doanh nghiệp trẻ nhưng quỹ đầu tư của ông cũng phải gọi vốn từ các quỹ trên thế giới, ông làm điều đó bằng cách nào?

- Nguồn vốn rất quan trọng với bất cứ doanh nghiệp nào. Đối với các quỹ đầu tư thì về cơ bản cũng là đi quản lý tiền đầu tư của các nhà đầu tư để đầu tư vào các công ty khác. Trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, chúng tôi đầu tư tiền vào các công ty khởi nghiệp, giúp họ thành công. Khi càng có nhiều dự án thành công, các nhà đầu tư sẽ tin tưởng hơn và nguồn vốn rót vào khởi nghiệp vì thế cũng được nhân lên.

Câu chuyện ở đây chính là làm sao để sự đầu tư vào các dự án khởi nghiệp của chúng tôi gặt hái được thành công, lúc đó cũng chính là tạo niềm tin để nhà đầu tư quốc tế rót vốn vào quỹ mà chúng tôi quản lý. Xin cảm ơn ông!

Shark Nguyễn Mạnh Dũng (sinh năm 1980) quê ở tỉnh Nghệ An. Shark Dũng là cựu Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent khu vực Việt Nam và Thái Lan. Tên gọi Shark Dũng của ông gắn liền với chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ - Shark TankViệt Nam mùa 2 và mùa 3 với những thương vụ đầu tư hàng tỷ đồng. Năm 2020, sau 13 năm gắn bó với CyberAgent, Shark Dũng quyết định sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures với tổng nguồn vốn quản lý là 50 triệu USD để đầu tư mạo hiểm vào các start-up công nghệ ở Việt Nam.

Vương Thế (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều