Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người vô gia cư ở bệnh viện tâm thần

08:11, 12/11/2021

Mỗi bệnh nhân tâm thần vào viện bằng những lý do, hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung một nỗi niềm là "không có nhà để về, không có người thân hỏi thăm". Bệnh viện như là ngôi nhà chính thức của bệnh nhân tâm thần vô gia cư.

Mỗi bệnh nhân tâm thần vào viện bằng những lý do, hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung một nỗi niềm là “không có nhà để về, không có người thân hỏi thăm”. Bệnh viện như là ngôi nhà chính thức của bệnh nhân tâm thần vô gia cư.

Tiêm vaccine cho bệnh nhân tâm thần vô gia cư tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Ảnh: B.Nhàn
Tiêm vaccine cho bệnh nhân tâm thần vô gia cư tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Ảnh: B.Nhàn

* Không có nơi để về

Dáng người mảnh khảnh, người đàn ông hơn 60 tuổi nhất quyết không chịu đeo khẩu trang hay ngồi theo vị trí để chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid-19 dù được các hộ lý, điều dưỡng năn nỉ.

Ông là N.V.T., đã sống gần 10 năm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa). Ông T. là một trong số 102 bệnh nhân tâm thần vô gia cư đã sống nhiều năm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Suốt những năm qua, không hề có bóng dáng người thân nào vào thăm ông T.

Là người “sống” cùng những bệnh nhân như ông T. nhiều năm, hộ lý Đặng Hồng Vân, Khoa Tâm căn, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho hay, việc chăm sóc cho ông T. không hề đơn giản, nhất là trong đợt dịch. Nguyên nhân là ông không chịu phối hợp với nhân viên y tế nên việc uống thuốc hay ăn uống cũng rất khó khăn.  Đặc biệt, ông T. không bao giờ chịu đeo khẩu trang. “Ông T. giống như trẻ mới lớn, chỉ làm theo ý mình và không muốn nghe lời ai. Nhiều khi mình phải dỗ dành may ra ông mới chịu uống thuốc” - chị Vân chia sẻ.

Theo BS Võ Thành Đông, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, bệnh nhân ở lại bệnh viện lâu nhất khoảng 20 năm, bệnh nhân ít nhất cũng đã vài năm. Nhiều trường hợp bệnh nhân đi lang thang được lực lượng công an phát hiện và đưa vào bệnh viện. Kể từ đó, bệnh viện như là ngôi nhà chính thức của họ.

Khuôn viên Khoa Mãn tính nữ (Khoa C2), nơi đang điều trị cho 102 bệnh nhân tâm thần, trong đó có 20 bệnh nhân vô gia cư. Sau cánh cổng sắt đi vào trong khoa là khuôn viên khá rộng rãi và có cả “mảng xanh”. Trước đây, mảng xanh của khoa là cây thân gỗ lớn, tán lá rộng tạo bóng mát rất tốt, nhưng nhiều bệnh nhân thay vì ngồi dưới gốc cây hóng mát thì leo lên cây và té ngã gãy tay, chân nên bệnh viện đành phải chặt cây để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Khoảnh đất trống giờ đã được tận dụng trồng rau, hoa vừa tạo khoảng xanh, vừa là nơi để bệnh nhân thư giãn. Bác sĩ Nguyễn Thị Oanh đã làm việc tại Khoa C2 hơn 10 năm. Nhưng nhiều bệnh nhân vô gia cư “nhập” khoa còn trước cả bác sĩ Oanh.

Bệnh nhân trẻ nhất của khoa là nữ bệnh nhân vô danh sinh năm 1999, không biết quê quán. Bệnh nhân được lực lượng công an chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sang Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 sau đợt điều trị bệnh thiếu máu. Vài năm nay, bệnh tâm thần của bệnh nhân đã được điều trị ổn nhưng thỉnh thoảng chị phải chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để truyền máu, điều trị các bệnh nội khoa khác.

Với bệnh nhân tâm thần, áp lực của y, bác sĩ nhiều hơn vì đa phần họ không còn khả năng nhận thức, thường xuyên la hét. “Chúng tôi không chỉ áp lực về việc điều trị, còn áp lực với người nhà và cả vấn đề bệnh nhân không ra viện được. Nhưng đây là công việc và nhiều đồng nghiệp cũng đã làm bao nhiêu năm nên không có lý do gì để mình từ chối, nhất là đối với những bệnh nhân vô gia cư”- BS Oanh cho hay.

Mỗi người vào viện bằng những lý do khác nhau, hoàn cảnh khác nhưng có chung một nỗi niềm là “không có nhà để về, không có người thân hỏi thăm”. Riêng Khoa C2 đang có 2-3 bệnh nhân rất tỉnh táo, làm được các việc như: chăm sóc cây hoa, chăm sóc bản thân… gần như người bình thường. Mỗi tháng, họ chỉ phải uống thuốc rất ít sau nhiều năm chữa trị tích cực.

* Bệnh nhân như người nhà

Theo BS Oanh, dù mắc bệnh tâm thần nhiều năm nhưng sâu thẳm trong lòng mỗi bệnh nhân vô gia cư đều muốn “về nhà”. Thực tế, họ đã không còn nơi để về từ rất nhiều năm. Suốt nhiều năm họ nằm viện, người thân không bao giờ ghé thăm.

“Chúng tôi lo toàn bộ cuộc sống cho họ, từ điều trị đến ăn uống, nghỉ ngơi… Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý khác ngoài tâm thần cần khám, chữa ở các bệnh viện đa khoa, chúng tôi cũng phải tự chi trả viện phí. Họ giống như người nhà” - BS Đông chia sẻ.

“Dù chúng tôi liên hệ thông báo tình trạng bệnh nhân đã ổn định, gia đình có thể đón về nhưng nhiều gia đình “giao phó” cho bác sĩ. Họ còn nói nếu không để lại bệnh viện được thì đưa bệnh nhân “đi thả” xuống sông. Câu nói rất vô tình, khiến tôi nghe cũng rất buồn vì họ cũng là con người nhưng lại bị chính người thân của mình từ chối, bỏ rơi không thương xót” - BS Oanh kể.

Hầu hết bệnh nhân đều muốn “về nhà” nhưng không thể nên đành phải ở lại bệnh viện. Ở bệnh viện lâu năm, nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế có sự gắn kết, thân thiết nhất định. Những bệnh nhân đã tỉnh táo thường xuyên phụ giúp nhân viên y tế, tự chăm sóc bản thân, chăm sóc người khác, trồng cây, chăm hoa…

BS Oanh nhấn mạnh: “Gắn bó lâu, chúng tôi cũng có tình cảm với bệnh nhân. Nếu thật lòng thương họ, họ vẫn cảm nhận được và sẽ không bao giờ tấn công ngược lại mình. Dù lúc lên cơn, họ cũng chỉ la hét hoặc chửi mình thôi”.

Chăm sóc bệnh nhân tâm thần vô gia cư tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2
Chăm sóc bệnh nhân tâm thần vô gia cư tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2

Điều dưỡng Phùng Thị Tuyết Nga, Khoa Tâm căn (E2), Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho hay, bệnh nhân vô gia cư ở lâu nên thường đòi về nhà. Nhiều trường hợp nhận biết được họ bị người thân không thừa nhận, không có nơi để về và phải ở lại bệnh viện suốt đời.

Điều dưỡng Nga tâm sự: “Có những người già, dường như cảm nhận được họ sắp chết nên hay dặn dò chúng tôi mua trái cây thắp nhang, cầu nguyện cho họ. Tôi đã gặp trường hợp, bệnh nhân 73 tuổi khá tỉnh táo, khỏe mạnh và hay phụ giúp chúng tôi làm việc trong những năm ở bệnh viện. Cũng như bao bệnh nhân vô gia cư khác, không ai ghé thăm, ngay cả lúc chết. Bệnh viện đã hỏa táng và thông báo cho người nhà đến lấy tro cốt của bệnh nhân. Lúc ấy, họ mới xuất hiện”.

Bệnh nhân tâm thần nhận thuốc uống hằng ngày
Bệnh nhân tâm thần nhận thuốc uống hằng ngày

Mới đây, bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức tiêm vaccine AstraZeneca cho những bệnh nhân vô gia cư để phòng ngừa Covid-19. Hầu hết bệnh nhân đều trong tình trạng mất hoặc giảm năng lực điều khiển hành vi, khó tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch thông thường như 5K hay chấp hành y lệnh của thầy thuốc. Do vậy, việc phòng dịch và điều trị cho bệnh nhân tâm thần thêm khó khăn. Bệnh viện đã tổ chức 2 đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 cho 782 bệnh nhân tâm thần, đạt tỷ lệ hơn 95% tổng số bệnh nhân tại đây. Tất cả đều ổn định sức khỏe sau tiêm.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều