Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất lượng đào tạo, tăng kết nối để phát triển nguồn nhân lực cho logistics

08:11, 06/11/2021

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics khi nằm ở trung tâm của một trong những dòng vận tải hàng hóa lớn nhất thế giới. Tốc độ phát triển ngành dịch vụ này tăng rất nhanh những năm gần đây, song so với quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics khi nằm ở trung tâm của một trong những dòng vận tải hàng hóa lớn nhất thế giới. Tốc độ phát triển ngành dịch vụ này tăng rất nhanh những năm gần đây, song so với quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp (DN).

TS Mai Xuân Thiệu. Ảnh: B.V.U
TS Mai Xuân Thiệu. Ảnh: B.V.U

Xung quanh vấn đề này, Đồng Nai cuối tuần có cuộc trò chuyện với TS Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA).

* Nhân lực vẫn là khâu yếu

* Tháng 7 vừa qua, VALOMA đã tổ chức đại hội lần thứ nhất. Được bầu làm Chủ tịch VALOMA, xin ông cho biết về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của đơn vị trong thời gian tới?

- Nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững logistiscs ở Việt nam nhưng lại thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

Nhận thấy được điều này, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong đó, việc đào tạo nhân lực phục vụ ngành được xác định rất quan trọng gồm những nội dung đẩy mạnh đào tạo logistics, nhất là ở cấp đại học, nâng cao chất lượng và số lượng giảng viên về logistics. Đào tạo cơ bản về logistics cho cán bộ quản lý DN và cán bộ quản lý nhà nước. Kết nối các tổ chức đào tạo, DN logistics Việt Nam với các tổ chức đào tạo nước ngoài.

Như vậy, VALOMA có nhiệm vụ tham gia thực hiện nhiệm vụ nói trên nhằm phát triển nhân lực logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN logistics và phát triển ngành logistics đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.

* Nhưng để có thể liên kết được các đơn vị cung ứng nhân lực với nhau không phải là điều dễ dàng?

- Trước khi VALOMA ra đời, chúng tôi đã nỗ lực kết nối và tạo nên đơn vị tiền thân là mạng lưới đào tạo logistics Việt Nam. Mạng lưới này được hình thành bởi ý tưởng của những người đam mê với việc phát triển ngành Logistics của Việt Nam.

Chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình và hoạt động bổ ích cho giảng viên, sinh viên nhằm kết nối với các DN logistics trên khắp cả nước như: Cuộc thi Tài năng trẻ logistics Việt Nam (2018, 2019, 2020), tọa đàm Khởi nghiệp cùng logistics (2019, 2020), các chuyến đi khảo sát và làm việc với các DN logistics (hơn 10 chuyến đi thực tế trong các năm 2018, 2019, 2020)…

Đây là những tiền đề để VALOMA tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, trước mắt là tổ chức thành công cuộc thi Tài năng trẻ logistics Việt Nam 2021 và những chương trình tọa đàm, kết nối thường kỳ trong năm nay.

* Bên cạnh vai trò là Chủ tịch VALOMA, hiện ông còn là Trưởng Khoa Kỹ thuật - kinh tế biển của Trường đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong những đơn vị tiên phong đào tạo ngành logistics. Ông có thể nói rõ hơn về nhiệm vụ của mình?

- Năm 2017, khi tôi về trường làm việc đã cùng các cộng sự xây dựng đề án mở ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Trường đại học Bà Rịa - Vũng Tàu (BVU) luôn tự hào là một trong những trường đại học đầu tiên ở Việt Nam được mở ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng ở bậc đại học.

Đối với việc đào tạo ngành logistics của BVU, từ lúc mở ngành tới nay, quy mô sinh viên liên tục tăng. BVU đã xác định ngành Logistics là ngành chủ lực và sẽ mở Khoa Kinh tế biển - logistics. Dự kiến số lượng sinh viên chuyên ngành logistics, kinh tế biển có trình độ đại học chất lượng cao của khoa từ năm 2021 đến năm 2024 là 3.500 em. Những khó khăn của trường về nơi để các em sinh viên thực tập, trải nghiệm nghề nghiệp tại các cảng biển, công ty logistics, công ty xuất nhập khẩu, hãng tàu biển… đang dần được giải quyết.

Bên cạnh nhân lực thì Việt Nam cần phát triển hạ tầng logistics để phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cảng Đồng Nai. Ảnh: Vương Thế
Bên cạnh nhân lực thì Việt Nam cần phát triển hạ tầng logistics để phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại Cảng Đồng Nai. Ảnh: Vương Thế

* Cần chủ động để phát triển tương xứng với tiềm năng

* Đối với một nước có độ mở của nền kinh tế lớn, logistics đóng vai trò rất quan trọng. Trong thực tế, ngành này ở Việt Nam hiện nay có mức độ phát triển ra sao?

- Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam trong ASEAN đứng thứ 3, chỉ sau Singapore và Thái lan. Tốc độ tăng trưởng ngành logistics của chúng ta những năm qua trung bình ở mức 14-16%, tuy nhiên chi phí logistics hiện nay vẫn còn cao, tương đương với khoảng 15-19% GDP. Điều đó cho thấy việc nâng cao năng lực của DN logistics và cắt giảm chi phí logistics là các yếu tố sống còn để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng DN.

* Công nghệ đóng vai trò như thế nào đối với ngành logistics, thưa ông?

- Những phát minh, ứng dụng công nghệ đã làm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngày nay, nhất là trong thời đại 4.0, logistics đã trở thành ngành kinh tế đặc biệt quan trọng góp phần phát triển kinh tế và thương mại nói chung và ngành thương mại điện tử nói riêng trở thành một ngành kinh doanh hiệu quả to lớn.

Việc ứng dụng công nghệ trong logistics đã có những bước phát triển đáng kể, thể hiện qua việc gia tăng các giải pháp ứng dụng công nghệ, nhất là sự xuất hiện các giải pháp tổng thể có tính tích hợp hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng công nghệ trong logistics giúp DN vận hành hiệu quả, cắt giảm được chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.

* Theo ông, DN phải làm gì để có thể tận dụng được những uu thế này?

- Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của DN logistics Việt Nam còn ở mức thấp, nhất là trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Đa số DN Việt Nam chỉ đóng vai trò như những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các DN logistics nước ngoài, như: đảm nhận việc khai báo hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi…

Chỉ với CNTT làm nền tảng cho dịch vụ logistics, các DN trong nước mới có thể cạnh tranh được với các DN logistics lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam.

Để có thể phát triển cùng nhịp với thế giới, DN cần nhanh chóng tìm ra và làm chủ công nghệ mới, đồng thời ứng dụng linh hoạt vào kinh doanh nhằm nâng cao sức mạnh cạnh tranh. Các DN cần xây dựng cho mình chiến lược công nghệ phù hợp, trong đó đặc biệt chú ý tới chiến lược đầu tư cho hạ tầng công nghệ và kỹ thuật hiện đại.

* Xin cảm ơn ông!

TS MAI XUÂN THIỆU (sinh năm 1951), tốt nghiệp Khoa Quan hệ kinh tế quốc, Trường Quan hệ quốc tế Matxcova; bằng tiến sĩ kinh tế tại Viện Nghiên cứu khoa học hàng hải Matxcova.

Ông nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Liên doanh Việt Nam - Ucraina - Mỹ về vận tải biển và logistics (Lotus), nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật kinh tế biển BVU.

Tháng 7-2021, ông là Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam. Hiệp hội hiện có 250 hội viên gồm các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, các công ty và cá nhân trong lĩnh vực logistics trên phạm vi toàn quốc.

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều