Báo Đồng Nai điện tử
En

Chỗ đứng cho thực phẩm an toàn vẫn hẹp

09:11, 26/11/2021

Nhu cầu của xã hội đối với thực phẩm an toàn ngày càng tăng, thế nhưng, nhiều loại thực phẩm được sản xuất và chế biến theo quy trình vẫn vất vả tìm chỗ đứng trên thị trường.

Nhu cầu của xã hội đối với thực phẩm an toàn ngày càng tăng, thế nhưng, nhiều loại thực phẩm được sản xuất và chế biến theo quy trình vẫn vất vả tìm chỗ đứng trên thị trường.

Thu hoạch nông sản an toàn ở HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường (H.Cẩm Mỹ). Ảnh: L.An
Thu hoạch nông sản an toàn ở HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường (H.Cẩm Mỹ). Ảnh: L.An

Hiện nay, những vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm là: giá cả, điểm bán, tiêu chí về mức độ an toàn.

* Chưa có đầu ra bền vững

Những năm gần đây, mô hình sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP được không ít cá nhân, đơn vị trên địa bàn Đồng Nai áp dụng. Nhờ mô hình sản xuất này, nhiều người đã bán được sản phẩm vào siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, xuất khẩu đi các nước với giá tốt. Nhưng phần lớn người nông dân vẫn phải tự sản xuất, tự tiêu thụ thông qua thương lái.

HTX Rau an toàn Lộc Tiến là đơn vị trồng rau sạch có tiếng ở H.Xuân Lộc. Cao điểm HTX này có hơn 40 thành viên, khoảng 50ha, mỗi tháng cung cấp ra thị trường vài trăm tấn rau ăn lá các loại nhưng không có ký rau nào bán cho siêu thị, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch. Xã viên phải tự bán rau cho thương lái với mức giá như các loại rau thông thường.

Ông Đỗ Văn Xuân, Phó giám đốc HTX Rau an toàn Lộc Tiến chia sẻ, nhận thấy thị trường rau sạch có nhiều lợi thế, HTX đã vận động xã viên chuyển sang chăm sóc theo quy trình sạch. Quá trình chăm sóc các thành viên tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và đầu tư nhà vòm, nhà lưới để cách ly sâu bệnh. Năm 2018, toàn hộ diện tích rau sạch của HTX đạt chứng nhận VietGAP.

“Chúng tôi chưa bán được ký rau nào cho siêu thị vì thủ tục quá rườm rà. Hiện HTX vẫn hoạt động, nông dân vẫn làm theo quy trình nhưng không ai liên kết với ai, giá và đầu ra phụ thuộc vào thương lái. Nhiều người bỏ, chuyển đổi cây trồng, công việc khác khiến diện tích rau giảm khoảng 40-50%” - ông Xuân cho hay.

Anh Minh Quang, xã Phước Khánh (H.Nhơn Trạch) duy trì mô hình trồng rau thủy canh tại nhà hơn 5 năm nay. Mặc dù việc tiêu thụ tương đối thuận lợi nhưng lợi nhuận phải chia đôi với thương lái. Anh Minh Quang cho biết, thời gian đầu, anh phải chạy xe máy đi các “chợ cóc”, sạp rau chào hàng. Thấy rau tươi ngon, giống lạ, tiểu thương rất thích, nhưng khi đề cập đến giá cả ai cũng từ chối. Sau đó, anh phải chấp nhận để tiểu thương hưởng chênh lệch 5 ngàn đồng/kg rau mới tiêu thụ được, phần rau bán không hết, héo úa anh phải chịu.

“Tôi muốn phát triển mô hình, đưa sản phẩm vào các địa chỉ bán hàng uy tín hoặc bếp ăn của công ty. Khi có đầu ra ổn định, tôi sẽ chuyên tâm làm vườn hơn, không phải chở rau ra chợ mỗi ngày” - anh Minh Quang chia sẻ.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường (H.Cẩm Mỹ) đạt chứng nhận VietGAP năm 2019. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 25 tấn rau ăn lá và dưa leo, 10 tấn dưa lưới, 10 tấn cà chua. Chi phí đầu tư cao, năng suất thấp, thời gian thu hoạch kéo dài nhưng giá bán ra chỉ hơn 1-2 ngàn đồng/kg so với rau trồng bằng phương pháp truyền thống. HTX giúp xã viên bằng cách gửi hàng theo xe khách đi TP.HCM, TP.Biên Hòa mỗi ngày theo đơn đặt hàng, bán hàng qua mạng xã hội. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, nông dân phải tự bán sản phẩm giá vài ngàn đồng/kg cho các đoàn thể làm từ thiện vì không gửi được hàng theo xe.

Ngoài các mô hình trồng rau, quả VietGAP, Đồng Nai cũng có nhiều mô hình chăn nuôi heo, gia cầm, thủy sản theo quy trình kiểm soát chất lượng nhưng ít sản phẩm có sự khác biệt về giá, đầu ra. Ông Nguyễn Huy Bình, chủ trang trại nuôi tôm xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) cho biết, nuôi tôm theo quy trình tốn công hơn, thức ăn và thuốc giá cao hơn nhưng giá bán như nhau. Điều giúp anh kiên trì là tôm khỏe mạnh, rủi ro dịch bệnh giảm.

* Còn nhiều bất cập

Lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình là thói quen mới của nhiều bà nội trợ. Tuy nhiên, giá cả và việc tìm mua thực phẩm an toàn chỗ nào là điều không dễ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Lan, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) có con nhỏ nên khá kỹ trong việc chọn mua thực phẩm. Trước đây, mỗi tuần chị nhờ người nhà ở H.Xuân Lộc gửi thực phẩm lên. Sau này, chị mua đặt hàng qua các mối quen, từ rau củ, thịt cá cho đến gạo mắm. Theo đánh giá của chị Lan, chất lượng khá ổn, giá cao hơn với hàng chợ nhưng về mức độ sạch, an toàn thì không chắc vì đa phần sản phẩm không có tem nhãn hay bất kỳ chứng nhận nào của cơ quan có thẩm quyền.

Nhiều thực phẩm an toàn vẫn loay hoay tìm đầu ra
Nhiều thực phẩm an toàn vẫn loay hoay tìm đầu ra

Chị Nguyễn Thị Nhạn, ngụ P.Tân Biên (TP.Biên Hòa) cho biết, 2 năm qua chị sử dụng gạo sạch của một HTX trong tỉnh vì lo cho sức khỏe gia đình và ủng hộ nông dân.

Bà Lê Thị Tuyết, tiểu thương chợ Biên Hòa cho rằng, người tiêu dùng rất khó tìm mua rau sạch ở chợ vì không mấy người bán. Bà Tuyết chỉ ra những bất cập khi bán rau sạch đó là phải ký hợp đồng với đơn vị cung ứng mới có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trình cho khách hàng khi có yêu cầu. Không gian trưng bày phải sạch, mát, không được để chồng các loại rau lên nhau. Giá rau sạch khá cao và rất ít người tiêu dùng ra chợ tìm mua rau sạch.

“Tôi có mối bỏ rau mỗi sáng. Trường hợp giữa buổi hết rau hoặc có khách mua nhiều gọi điện thoại họ mang đến trong khoảng 30 phút. Giá cả theo thị trường. Có đơn vị cung ứng rau sạch nào làm được việc này không?” - bà Tuyết đặt câu hỏi.

Hiện nay, hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều có bán các loại thực phẩm: được chứng nhận an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ), có nguồn gốc xuất xứ và 100% tươi sống. Mỗi loại có mức độ an toàn, giá cả khác nhau. Người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn các khái niệm này nên phần đông vẫn chọn ra chợ cho dễ mua. Chính điều này làm cho thực phẩm sạch càng gian nan hơn trong việc tìm chỗ đứng.

Sản xuất, chế biến gặp khó khăn về đầu ra, trong khi người tiêu dùng, tiểu thương không tìm được nguồn hàng sạch như ý - đó là thực tế của nhiều mặt hàng thực phẩm an toàn. Người nông dân không thể tự sản xuất, tự tiêu thụ sản phẩm làm theo quy trình mãi bởi chi phí đầu tư cao nhưng giá cả thấp. Trong khi đó, đơn vị kinh doanh, tiểu thương không thể nhập sản phẩm an toàn về bán vì giá cao hơn mặt hàng cùng loại ở chợ, nguồn cung không ổn định. Nhưng nếu người sản xuất, đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng cùng có trách nhiệm với thực phẩm an toàn thì số lượng, giá cả dần cân bằng và vượt thực phẩm không an toàn.

Lê An

Tin xem nhiều