Báo Đồng Nai điện tử
En

Trợ lực cho hàng Việt

10:10, 15/10/2021

Một sự thật đã được nhiều nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đề cập là trong những giai đoạn cao điểm khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 gây ra, những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong nước mới là những doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại và tổn thương nhất. T

Một sự thật đã được nhiều nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đề cập là trong những giai đoạn cao điểm khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 gây ra, những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong nước mới là những doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại và tổn thương nhất. Trong đó, có một tỷ lệ lớn doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải ngừng sản xuất hoặc tệ hơn, phá sản do không thể duy trì hoạt động. Nhưng có vẻ như đó cũng là những đối tượng doanh nghiệp ít được quan tâm lắng nghe, ít nhất là không được lắng nghe và tháo gỡ khó khăn trực tiếp nhiều bằng các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này như quy mô các doanh nghiệp FDI lớn nên sự ảnh hưởng rộng hơn về nhiều mặt và những người làm chính sách buộc phải quan tâm hơn.
 

Ngoài ra, phải thừa nhận, về mặt ứng phó với khủng hoảng, các doanh nghiệp FDI dày dạn hơn doanh nghiệp Việt Nam. Họ có bộ phận truyền thông, có các hiệp hội, có nhiều kênh để phản ánh... Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước thường ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động của các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp cũng chưa mạnh. Vậy nên dù khó khăn là khó khăn chung, song phải nói rằng, tiếng nói của doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ và dù là những đối tượng cần hỗ trợ đặc biệt, song chính sách vẫn chưa “sát sườn” với họ.

Năm 2021 là một năm rất khó khăn với các doanh nghiệp trong nước. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, hơn 95 ngàn doanh nghiệp (phần lớn là doanh nghiệp Việt Nam) đã phải rời bỏ thị trường, cao vọt lên so với cùng kỳ các năm trước. Về tiêu thụ hàng hóa, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng của năm 2021 giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, một mức giảm khá sâu.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế, trong đó có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt. “Mùa” mua sắm lớn nhất năm đang đến gần, song chưa ai dự đoán được sức mua của thị trường sau nhiều tháng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Trong bối cảnh này, có 2 điều mà doanh nghiệp trong nước rất cần “trợ lực”: một là nhanh chóng đánh giá lại hiệu quả và bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất và hai là hết sức ưu tiên phân phối và tiêu dùng hàng hóa trong nước.

Về yếu tố chính sách, thời gian qua đã có nhiều chính sách hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là về lãi suất, thuế… song hiệu quả đến đâu và có cần bổ sung, chỉnh sửa gì không, lại cần đến những đánh giá khách quan, trung thực để có sự điều chỉnh. Còn về việc ưu tiên hàng Việt trên các kệ hàng, nhiều hệ thống bán lẻ đang làm khá tốt, song sự “đứt gãy” sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang làm yếu đi lợi thế cạnh tranh của hàng Việt. Do đó, để phục hồi và phát triển từ sau những “đổ vỡ” do dịch bệnh gây ra, cần những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, từ góc nhìn chính sách, từ nỗ lực tự thân của doanh nghiệp sản xuất, sự sẻ chia của các nhà bán lẻ và các kênh phân phối và nhất là sự lựa chọn ưu tiên hàng Việt từ phía người tiêu dùng.

 Vi Lâm

Tin xem nhiều