Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp vượt khó

09:10, 29/10/2021

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 406/NQ/UBTVQH15 về chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 (gọi tắt là Nghị quyết 406).

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 406/NQ/UBTVQH15 về chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 (gọi tắt là Nghị quyết 406).

Doanh nghiệp mong sớm tiếp cận các chính sách hỗ trợ miễn giảm một số loại thuế để giảm bớt khó khăn, tập trung phục hồi sản xuất. Trong ảnh: Công ty TNHH Nam Long đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Ảnh: Kim Liễu
Doanh nghiệp mong sớm tiếp cận các chính sách hỗ trợ miễn giảm một số loại thuế để giảm bớt khó khăn, tập trung phục hồi sản xuất. Trong ảnh: Công ty TNHH Nam Long đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Ảnh: Kim Liễu

Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết 406 được ban hành trong thời điểm hiện nay rất kịp thời, sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân giải quyết khó khăn do dịch bệnh gây ra và từng bước khôi phục lại sản xuất.

* Miễn, giảm nhiều loại thuế

Theo Nghị quyết 406, sẽ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021. Doanh nghiệp đủ điều kiện giảm thuế phải có doanh thu không quá 200 tỷ đồng trong cả năm 2021 và mức doanh thu này không được cao hơn doanh thu cả năm 2019, là năm chưa chịu tác động từ đại dịch Covid-19.

Việc miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV-2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.

Thuế giá trị gia tăng được giảm kể từ ngày 1-11-2021 đến hết ngày 31-12-2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ: dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí… Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức thuế giá trị gia tăng được giảm 30%.

Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong 2 năm 2020 và 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Không áp dụng quy định tại khoản này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.

* Người dân, doanh nghiệp phấn khởi

Khi biết tin doanh nghiệp mình thuộc đối tượng được miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, ông Lê Văn Huy (Công ty TNHH Vận tải Gia Hân, H.Thống Nhất) rất phấn khởi vì với mức hỗ trợ như trên, doanh nghiệp của ông có thể giảm được một khoản tiền thuế tuy không lớn nhưng sẽ hỗ trợ một phần để doanh nghiệp khôi phục hoạt động.

“Hiện nay, việc đi lại giữa các tỉnh đã dễ dàng hơn. Các đầu xe của doanh nghiệp đang vận hành tối đa để bù đắp doanh số. Dù thời gian hỗ trợ không được nhiều nhưng được hỗ trợ là mừng rồi, chỉ mong được hướng dẫn làm các thủ tục miễn, giảm một cách nhanh chóng” - ông Huy chia sẻ.

Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, Nghị quyết 406 chính là sự tiếp nối kịp thời của các chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến đời sống xã hội, làm suy yếu nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc làm, thu nhập của người lao động. Thời gian qua, thị trường bị gián đoạn, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm. Hơn lúc nào hết doanh nghiệp đang cần sự tiếp sức của Nhà nước bằng các chính sách cụ thể, thiết thực để hoạt động trở lại, tạo việc làm cho người lao động.

“Ngoài chính sách miễn, giảm thuế nên có các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn, vì các nguồn lực của doanh nghiệp hầu như cạn kiệt. Cần có giải pháp hỗ trợ để duy trì hoạt động và khôi phục lại sản xuất như: mở rộng zoom tín dụng (hiện cho vay khoảng 70% giá trị tài sản, cần điều chỉnh tăng lên 80-85%); xem xét có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để vay tín dụng với mức lãi suất khoảng 4-5 %/năm. Giúp doanh nghiệp đủ nguồn lực khôi phục hoạt động, thị trường lao động kết nối sẽ tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ người dân” - ông Nguyện kiến nghị.

Đánh giá cao nội dung của Nghị quyết 406, bà Nguyễn Ngọc Thiên Nga, kế toán một doanh nghiệp trên địa bàn H.Vĩnh Cửu cho rằng, việc miễn, giảm thuế không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp, mà còn tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Khi thuế giá trị gia tăng giảm sẽ ít nhiều tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ giảm, giúp người tiêu dùng giảm một phần áp lực về tài chính; đồng thời khuyến khích người dân mua sắm nhiều hơn, kích thích sản xuất phát triển, tạo việc làm cho xã hội.

Kim Liễu


Ông CHÂU MINH NGUYỆN, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai:

Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận chính sách

Thời gian qua ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Để tồn tại, doanh nghiệp không còn cách nào khác buộc phải tìm mọi cách khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Một số doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động ở mức 40-50% công suất do không đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” dẫn tới việc doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng. 

Hiện nay, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang giai đoạn khôi phục sản xuất kinh doanh. Nhưng do thời gian giãn cách kéo dài hơn 3 tháng nên để khôi phục dần sản xuất kinh doanh bình thường cần có thời gian để khắc phục dần, do đó doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần sự tiếp sức của Nhà nước. Nếu được hỗ trợ miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 406 trong thời điểm này rất cần thiết. Để doanh nghiệp sớm tiếp cận được chính sách này, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 406. Tôi đánh giá cao sự kịp thời này, chính sách cần sớm được triển khai trên cơ sở tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, người dân sớm khôi phục sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Ông LÊ BẠCH LONG, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành):

Mong sớm được miễn giảm thuế

Trước những khó khăn hiện tại thì chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 406 mang tính động viên, chưa có đột phá lớn. Bởi việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% thực sự là không nhiều, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất. Song song đó các chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển… đều tăng nên các công ty lãi rất thấp.

Tuy nhiên việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cộng với mức giảm thuế giá trị gia tăng cũng hỗ trợ phần nào chi phí cho doanh nghiệp. Chúng tôi mong các cơ quan có hướng dẫn thực hiện nghị quyết này rõ ràng, đồng bộ để việc làm thủ tục nhanh gọn, doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian chờ đợi xét duyệt.

Ông NGUYỄN DUY HƯNG, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai:

Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Doanh nghiệp vừa và nhỏ là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19. Trong khi Nghị quyết 406 chỉ đề cập đến những doanh nghiệp còn hoạt động, có doanh thu, chưa đề cập đến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Trong khi đối tượng này rất cần sự tiếp sức từ những chính sách hỗ trợ.

Trong thời gian tới, để vực dậy những doanh nghiệp khó khăn nhà nước cần cần tính đến chuyện hỗ trợ theo đặc thù từng doanh nghiệp vì mỗi doanh nghiệp bị tác động khác nhau. Để làm được điều này mỗi địa phương nên có các tổ công tác trực tiếp để nằm bắt tình hình của từng doanh nghiệp hoạt động ở từng lĩnh vực. Từ đó, xây dựng thêm những chính sách hỗ trợ cụ thể, trọng tâm hơn nữa. 

Gia An (ghi)


 

Tin xem nhiều