Báo Đồng Nai điện tử
En

Tác giả Đàm Hà Phú: Sống lành mạnh, hướng tương lai

06:10, 01/10/2021

Là tác giả quyển sách Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ (2021) được độc giả yêu thích qua sự ghi nhận, phản ánh tinh tế, hồn hậu nhịp sống thị dân, những câu chuyện đời thường giàu ý nghĩa nhân ái, Đàm Hà Phú còn là người tích cực làm thiện nguyện trong thời dịch Covid-19.

Là tác giả quyển sách Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ (2021) được độc giả yêu thích qua sự ghi nhận, phản ánh tinh tế, hồn hậu nhịp sống thị dân, những câu chuyện đời thường giàu ý nghĩa nhân ái, Đàm Hà Phú còn là người tích cực làm thiện nguyện trong thời dịch Covid-19.

Đàm Hà Phú thường tham gia các cuộc thi chạy marathon cùng bà xã để rèn luyện sức khỏe lẫn tinh thần
Đàm Hà Phú thường tham gia các cuộc thi chạy marathon cùng bà xã để rèn luyện sức khỏe lẫn tinh thần

Trong quá trình cùng anh chị em nhóm thiện nguyện Sài Gòn Chợ Lạc Xoong đi tặng trang thiết bị cho y, bác sĩ ở bệnh viện, giúp đỡ thực phẩm cho bà con khó khăn, người vô gia cư trong những tháng vừa qua, tác giả Đàm Hà Phú tăng cường năng lượng tích cực cho bản thân lẫn lan tỏa với mọi người và cả nhiều độc giả yêu mến sách của anh trong buổi giao lưu trực tuyến qua mạng.

* Nghĩ điều tốt lành

Chia sẻ với bạn đọc, Đàm Hà Phú nói: “Nếu chúng ta cứ nặng lòng về tình hình nhiều khó khăn thì sẽ cảm thấy thêm phần u ám. Việc thường xuyên nghĩ đến những điều tốt đẹp trong tương lai là động lực để mình vượt qua thử thách hiện tại. Chúng ta nên hình dung về thời điểm hậu đại dịch, hết giãn cách sẽ có những kế hoạch gặp lại người thân bạn bè, đồng nghiệp, đi làm việc trở lại để có thu nhập tốt, đi chơi bù đắp khuây khỏa... để có thể vượt qua được những ngày “bó chân bó tay”. Sự nhẫn nại chịu đựng của bạn trước đây và hiện tại sẽ được đền đáp bởi tương lai tươi sáng hơn”.

* Chúng ta hay nói đến “ăn sạch, uống sạch”, vậy còn để có “tâm trí sạch” trong thời dịch bùng nổ quá nhiều thông tin hư - thực, tốt - xấu đan xen thì sao?

Tác phẩm Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ (2021)
Tác phẩm Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ (2021)
“Tâm lý lo âu, sợ hãi, buồn phiền cũng không giúp ích gì được, thì mình chọn lạc quan. Lạc quan không phải là bàng quan, thờ ơ mọi sự hay chối bỏ sự thật, mà chính là động thái lan tỏa năng lượng tích cực đến cho mọi người để cùng bên nhau vượt qua thời điểm khó khăn” - tác giả ĐÀM HÀ PHÚ chia sẻ.

- Quả là nếu như với ăn uống, chúng ta có thể chọn lựa những gì mình dung nạp vào bao tử, còn trong cuộc sống, mình khó thể toàn quyền chọn lựa mọi thứ mà mình tiếp xúc, mọi người mình gặp gỡ, mọi thông tin có ích mình muốn hay phù hợp... Nhưng mình có thể giữ được tâm lý ổn định, ý chí vững vàng một chút thì sẽ có cách chọn lọc thông tin tốt. Cho dù có tiếp nhận chuyện gì không thích, không ưa thì mình cũng lướt qua, bỏ qua được.

* Anh có kinh nghiệm hỗ trợ bạn bè, người thân nếu lỡ may họ bị nhiễm virus SARS-CoV-2?

- Chủ yếu là bạn cần động viên bằng lời nói, dù online, điện thoại hay trực tiếp, giúp người thân cảm thấy yên tâm, vượt qua khó khăn đang đối diện về cả mặt tâm lý lẫn sức khỏe thể chất.

* Yêu đời, yêu người hơn

* Việc đến với thể thao, ví dụ chạy bộ có phải là một cách tăng cường tinh thần không?

- Đúng. Chơi thể thao rất tốt cho không chỉ thể chất mà còn cho tinh thần của bạn. Chạy bộ giúp tôi lên tinh thần rất nhiều. Thời giãn cách không ra đường thì tôi tập sức bền, duy trì vận động qua máy chạy tại gia. Bạn chạy 1-2km thì là ở mức vận động, tập thể dục. Còn tập chạy các cự ly dài như 15-70km thì nó trở thành sự luyện tập nghiêm túc. Một khi bạn có mục tiêu hướng đến, có luyện tập đều đặn thì sẽ trở thành rèn luyện ý chí bên bên cạnh rèn luyện cơ thể.

Tôi thấy nếu mọi việc trong đời mình đều chuẩn bị tốt, có ý chí, kiên trì luyện tập thì đều thực hiện được hết. Điều này không chỉ riêng trong chạy bộ hay thể thao nói chung, mà nó cũng đúng cho công việc, các kế hoạch - mục tiêu khác của bản thân trong đời sống.

* Cơn bão nào cũng sẽ đi qua, hẳn ta “chỉ nên nhớ những điều cần nhớ”. Vậy thì với “cơn bão Covid-19” rồi sẽ qua này, sau đó chúng ta nên nhớ những điều gì?

- Đại dịch toàn cầu Covid-19 rồi sẽ qua đi, song chắc chắn giai đoạn 2020-2021 rất đáng nhớ trong đời mỗi người chúng ta. Với tôi, đáng nhớ nhất sẽ là tinh thần đoàn kết, tình người tương trợ lẫn nhau, lòng bao dung tử tế, sự hợp tác tốt lành của mọi người trong giai đoạn dịch bệnh. Chúng ta đã thấy các phương tiện truyền thông, báo đài phản ánh rất nhiều tinh thần tích cực ấy. Bản thân tôi cũng trực tiếp chứng kiến rất nhiều trong những tháng ngày qua.

Sự ảnh hưởng mà Covid-19 tác động, cũng như tinh thần và ý chí vượt qua của mọi người trong cuộc sẽ là một động lực rất lớn cho chúng ta ở thời hậu đại dịch và cuộc sống trở lại bình thường mới. Từ đây và về sau này, chúng ta sẽ trân quý cuộc sống của mình hơn, quan tâm đến người thân, bạn bè và cả những người khó khăn trong xã hội hơn. Bởi có những người thân, bạn hữu mà bạn sẽ không gặp lại được nữa vì họ đã ra đi mãi mãi.

Qua những tổn thất, mất mát và khó nhọc, chúng ta sẽ yêu đời, yêu người hơn. Chúng ta quý những thời khắc bên nhau, không nỡ đối xử tệ với nhau. Được thì hãy dành cho nhau những những điều tốt đẹp.

Thiện tâm tiếp nối thời Covid-19

* Trong quá trình làm thiện nguyện ở thời Covid-19, hẳn anh chứng kiến nhiều nhân vật, câu chuyện đặt biệt, gây ấn tượng khó quên?

- Tôi nhớ câu chuyện về một bạn tình nguyện viên trẻ trong nhóm từ thiện Sài Gòn Chợ Lạc Xoong. Trong một chiều mưa, sau khi phát quà cho bà con trở về nhà, bạn bị sốt và các triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tác giả Đàm Hà Phú tặng quà, thực phẩm... cho người khó khăn thời Covid-19
Tác giả Đàm Hà Phú tặng quà, thực phẩm... cho người khó khăn thời Covid-19

Hẻm bạn trú cũng có nhiều người dân bị bệnh. Bạn ở một thân một mình, song cuối cùng cũng đã vượt qua, chiến thắng Covid-19 nhờ vào quá trình nỗ lực bản thân cùng với sự động viên của mọi người, hàng xóm, bạn bè và cả những người không quen biết. Họ nấu đồ ăn treo trước cửa nhà bạn, gửi lời thăm hỏi, động viên tinh thần... Những tình cảm và nghĩa cử quý giá đó đã tiếp thêm động lực cho bạn, giúp bạn hồi phục sức khỏe dù rằng tình trạng bệnh của bạn cũng không nhẹ.

Chuyện chưa hết, vì sau khi âm tính, khỏi bệnh, bạn tình nguyện viên này lại hăng hái xin vào bệnh viện dã chiến để phục vụ, giúp đỡ các bệnh nhân F0 khác. Tôi cho rằng “tinh thần Sài Gòn” đã thể hiện qua việc mọi người đã giúp bạn trẻ này chiến thắng Covid-19, song tinh thần ấy còn quý hơn ở chỗ đã được tiếp nối và lan truyền khi bạn lại tiếp tục đi giúp đỡ người khác.

Ở đại dịch này, ai cũng có thể là bệnh nhân, nạn nhân của virus. Mọi người chúng ta cần giúp nhau để vượt qua, và khi vượt qua rồi ta sẽ có sức mạnh để giúp người khác nữa.

Hồng Hạnh (ghi)

Tin xem nhiều