Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi vui mừng vì Hyosung trở thành nhà đầu tư lớn nhất Đồng Nai

09:10, 15/10/2021

Năm 2007, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã chọn Đồng Nai là nơi đầu tiên ở Việt Nam để đặt nhà máy sản xuất. Theo ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5), tập đoàn đã "kể được một câu chuyện thành công" khi trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đầu tư vào Đồng Nai với tổng vốn lên đến 1,8 tỷ USD.

Ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam
Ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam

Năm 2007, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã chọn Đồng Nai là nơi đầu tiên ở Việt Nam để đặt nhà máy sản xuất. Theo ông Kim Chi Hyung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5), tập đoàn đã “kể được một câu chuyện thành công” khi trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đầu tư vào Đồng Nai với tổng vốn lên đến 1,8 tỷ USD.

Hiện nay, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 3,24 tỷ USD. Trong đó, Đồng Nai là 1,8 tỷ USD, Bà Rịa - Vũng Tàu 1,2 tỷ USD và Quảng Nam 240 triệu USD. Ước tính năm 2021, doanh thu của Hyosung ở Đồng Nai là 2,7 tỷ USD. Trong hơn 14 năm qua, Hyosung đã liên tục mở rộng đầu tư vào tỉnh và nguồn vốn đã tăng gấp nhiều lần so với đăng ký ban đầu.

“Trụ vững” trong đại dịch

* Sau hơn một thập niên đầu tư vào Đồng Nai, ông có những những nhận xét gì về môi trường đầu tư của tỉnh?

- Năm 2007, Tập đoàn Hyosung đã chính thức có mặt ở Đồng Nai và thành lập Công ty TNHH Hyosung Việt Nam để đầu tư nhà máy sản xuất các loại sợi xuất khẩu và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Đến năm 2015, thành lập thêm Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai và những năm qua, Hyosung đã không ngừng tăng vốn mở rộng sản xuất, điều này cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh khá thuận lợi.

Từ khi đầu tư vào Đồng Nai, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, mọi khó khăn vướng mắc được kịp thời tháo gỡ, giúp cho hoạt động của công ty luôn thuận lợi. Đợt dịch lần thứ tư ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, nhưng nhờ có sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và tỉnh nên cả hai công ty của Hyosung tại Đồng Nai vẫn duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” cho gần 5,6 ngàn người lao động (đạt hơn 80% lao động của công ty). Dù có số lao động lưu trú và làm việc tại công ty đông nhưng Hyosung vẫn đảm bảo an toàn, không để dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan.

“Theo tôi, để thu hút được dòng vốn nước ngoài lớn vào các khu công nghiệp, tỉnh nên đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục đầu tư để giảm chi phí, đi lại cho DN, nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, tỉnh có thể căn cứ vào các lĩnh vực, ngành nghề sẽ thu hút đầu tư, đào tạo nguồn lao động có tay nghề để DN đầu tư mới, mở rộng sản xuất không gặp khó trong tuyển dụng lao động vào các vị trí”.

* Công ty từng xuất hiện một số ca F0, nhờ có những giải pháp nào để có thể duy trì sản xuất với số lượng lao động khá lớn mà vẫn đảm bảo an toàn, thưa ông?

- Từ ngày 22-7-2021, công ty bắt đầu thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” để đảm bảo sản xuất, giữ chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Hyosung thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế để tránh dịch bệnh bùng phát và lây lan.

Thực tế, trước và trong khi thực hiện 2 phương án trên tại công ty đã xuất hiện 4 ca F0 lây nhiễm từ nơi ở là khu nhà trọ thuộc xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch), từ người nhà ở TP.HCM, tài xế của nhà thầu. Trước đó, công ty đã yêu cầu người lao động thực hiện tốt 5K nên hạn chế được dịch bệnh lây lan và kịp thời truy vết F1, F2 để cách ly.

Đồng thời, để người lao động an tâm tạm trú tại nhà máy để làm việc, ngoài lương, đài thọ các bữa ăn, vật dụng cá nhân, công ty còn hỗ trợ thêm cho người lao động 200 ngàn đồng/người/ngày. Có được kinh nghiệm thực tế trong phòng, chống dịch Covid-19, công ty đã đảm bảo sản xuất và sức khỏe cho người lao động.

Hiện Hyosung đang từng bước đưa hơn 1.260 người lao động đang nghỉ chờ việc trở lại công ty để phục hồi 100% công suất của các nhà máy, đáp ứng các đơn hàng của đối tác nước ngoài.

“Từ góc độ của nhà đầu tư, tôi thấy tỉnh có lợi thế rất lớn từ vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật, tập trung nhiều DN sản xuất các ngành nghề khác nhau, có công nghiệp hỗ trợ phát triển. Vì thế, DN đặt nhà máy sản xuất ở Đồng Nai rất dễ dàng trong liên kết cung ứng sản phẩm đầu vào, đầu ra cho nhau. Đồng thời, vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành khác hoặc xuất khẩu tương đối thuận lợi, rút ngắn được thời gian, chi phí. Bên cạnh đó, chính quyền Đồng Nai luôn đồng hành cùng DN, những vướng mắc được tháo gỡ nhanh”.

* Ngoài Đồng Nai, Hyosung còn mở rộng đầu tư vào một số tỉnh khác, ông có sự so sánh giữa các tỉnh?

- Thời gian qua, Hyosung cũng muốn tiếp tục mở rộng đầu tư vào tỉnh nhưng đất công nghiệp của tỉnh không còn nhiều, muốn tìm diện tích đất lớn trong các khu công nghiệp để thuê rất khó khăn. Do đó, Hyosung đầu tư ra các tỉnh khác, nhưng không có nghĩa là sẽ dừng mở rộng đầu tư ở Đồng Nai. Chúng tôi mở rộng đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu là vì khu vực đó gần cảng biển, còn Quảng Nam là vì Hyosung có dự tính sẽ mở rộng đầu tư ra miền Trung và miền Bắc. Theo tôi, không chỉ Hyosung mà các tập đoàn khác cũng vậy, khi muốn phát triển nhanh và bền vững sẽ chọn nhiều khu vực khác nhau để đầu tư, như vậy sẽ thuận lợi hơn trong việc lưu chuyển hàng hóa, tuyển dụng lao động.

 Cơ hội luôn đi kèm thách thức

* Trong 5 năm tới, Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm kết nối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản, du lịch... sẽ rất phát triển. Hyosung có dự tính sẽ đầu tư thêm các lĩnh vực khác ở Đồng Nai? 

- Tập đoàn Hyosung đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Đồng Nai, Hyosung đang tập trung vào sản xuất công nghiệp, nhưng cũng có khảo sát, tìm hiểu thêm các lĩnh vực khác, nếu phù hợp sẽ xem xét mở rộng đầu tư thêm một số ngành nghề nữa. Vì trong tương lai khi cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương... được xây dựng và đưa vào khai thác sẽ giúp Đồng Nai trở thành trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, có nhiều tiềm năng để DN rót vốn vào phát triển các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa phải) đến thăm và làm việc với Công ty TNHH Hyosung Việt Nam. Ảnh: H.Giang
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa phải) đến thăm và làm việc với Công ty TNHH Hyosung Việt Nam. Ảnh: H.Giang

* Hiện nay, Chính phủ, tỉnh đang khuyến khích các DN sử dụng nhiều lao động nên đầu tư xây dựng nhà ở công nhân để đảm bảo nơi lưu trú cho công nhân, như vậy sẽ giúp ổn định sản xuất lâu dài. Hyosung có hơn 6.850 người lao động làm việc, vậy công ty có quan tâm đến vấn đề này?

- Trước đây, Hyosung có mua đất xây dựng khu ký túc xá cho người lao động nhưng khi đó rất ít công nhân muốn vào ở cho nên công ty phải cho các tài xế ở. Gần đó, cũng có ký túc xá của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa rất lớn song nhiều phòng bỏ trống do người lao động không đến ở. Vì vậy, thời gian tới, Hyosung có đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân hay không còn phải khảo sát xem sau dịch bệnh Covid-19, xu hướng của người lao động có thay đổi và muốn vào ký túc xá để ở hay không. Nếu nhiều người lao động có nhu cầu vào sinh sống trong các ký túc xá của công ty thì Hyosung có thể sẽ đầu tư xây dựng thêm các khu nhà ở cho công nhân.

* Xin cảm ơn ông!

“Tuy nhiên, đầu tư vào tỉnh có hai điểm khó khiến DN cũng phải cân nhắc, tính toán kỹ là nếu ngành nghề sản xuất sử dụng nhiều lao động sẽ rất khó khăn trong tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, giá thuê đất ở các khu công nghiệp của Đồng Nai đang cao gấp 3-5 lần so với các tỉnh miền Trung, miền Bắc, đây cũng là áp lực cho DN cần thuê diện tích đất lớn để sản xuất, kinh doanhh. Do đó, một số DN sau khi so sánh có thể sẽ chọn những khu vực có tiền thuê đất rẻ và dễ tìm kiếm lao động”.

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều