Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác tiềm năng sản phẩm du lịch thể thao

08:10, 23/10/2021

Du lịch kết hợp với các hoạt động thể thao là một trong những sản phẩm du lịch được đánh giá có nhiều tiềm năng mà Đồng Nai đang hướng đến khai thác và phát triển.

Du lịch kết hợp với các hoạt động thể thao là một trong những sản phẩm du lịch được đánh giá có nhiều tiềm năng mà Đồng Nai đang hướng đến khai thác và phát triển.

Vận động viên tham gia Giải đua xe mở rộng trên địa bàn H.Vĩnh Cửu năm 2021
Vận động viên tham gia Giải đua xe mở rộng trên địa bàn H.Vĩnh Cửu năm 2021

Trong đó, một số giải thể thao như: đua xe đạp truyền thống về chiến khu (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, H.Vĩnh Cửu), môn dù lượn (núi Chứa Chan, H.Xuân Lộc)… là những tiềm năng đã và đang được khai thác, góp phần quảng bá cho du lịch địa phương.

* “Đường đua” xuyên rừng

Là một trong những địa phương có thế mạnh về du lịch sinh thái rừng, thác, hồ và du lịch nông nghiệp, thời gian qua, H.Vĩnh Cửu đã tận dụng tốt thế mạnh này để khơi dậy tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện, góp phần đa dạng sản phẩm, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, CLB thể thao chuyên và không chuyên trong cả nước.

Lâu nay, H.Vĩnh Cửu nổi tiếng với thế mạnh du lịch sinh thái khám phá rừng, thác, hồ và du lịch nông nghiệp. Nhiều sản phẩm du lịch được doanh nghiệp du lịch địa phương cũng như doanh nghiệp ngoài tỉnh khai thác, phát triển như: các tour đạp xe khám phá rừng; tham quan các di tích, căn cứ cách mạng Trung ương Cục miền Nam, Chiến khu Đ, địa đạo suối Linh… hay các sản phẩm du lịch sinh thái vườn tại làng bưởi Tân Triều, vườn trái cây Hiếu Liêm, Mã Đà...

Để kích cầu cho du lịch địa phương phát triển, ngoài những ưu thế nội tại, Vĩnh Cửu còn gắn các phong trào hoạt động thể thao để phát triển du lịch địa phương, trong đó, giải đua xe đạp truyền thống về Chiến khu Đ được duy trì tổ chức nhiều năm nay, thu hút đông đảo các tay đua chuyên nghiệp và phong trào trong cả nước.

Kết thúc và trao giải đua xe đạp truyền thống tại căn cứ cách mạng Chiến khu Đ mang lại nhiều ý nghĩa cho các phong trào thể thao địa phương. Ảnh: Thủy Mộc
Kết thúc và trao giải đua xe đạp truyền thống tại căn cứ cách mạng Chiến khu Đ mang lại nhiều ý nghĩa cho các phong trào thể thao địa phương. Ảnh: Thủy Mộc

Đến từ CLB Lâm VeLo (Hà Nội), tham gia ở hệ đội tuyển 41-55 tuổi tại Giải đua xe đạp truyền thống “Về chiến khu” mở rộng H.Vĩnh Cửu lần thứ XVI năm 2021, vận động viên Lê Tấn Lai cho biết, ông đã từng tham gia giải đua xe thể thao nhiều năm nay, trong đợt đua này, ông về ở vị trí thứ 4. Chia sẻ cảm nhận khi đua xe trên tuyến đường rừng, ông Lai nói: “Đây là cung đường độc đáo nhất trong rất nhiều cung đường mà tôi từng tham gia tại những địa phương khác. Có lẽ do đây là một cung đường đẹp và có độ khó hơn những nơi khác nên thu hút vận động viên tham gia giải ngày càng nhiều”.

Lần đầu tiên xuất quân tham gia giải đấu thể thao ở hệ phong trào, các vận động viên của Đội năng khiếu đến từ Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Bình Dương đã có trải nghiệm thú vị với đường đua hoàn toàn khác so với thời gian tập luyện trên đường bằng trước đó. Với sức trẻ của tuổi 16 và mong muốn đạt thành tích ở giải đua đầu tiên trong đời, Nguyễn Thị  Thùy Linh cùng các đồng đội đã đạt thành tích cao khi về đích ở cả 3 vị trí nhất, nhì, ba.

Nói về giải đua đầu tiên và thành tích của đội mình, Thùy linh cho biết, khó khăn nhất là địa hình đường rừng nhiều dốc khác hoàn toàn các bài tập. Tuy nhiên, điều này đã không thể làm khó các vận động viên trẻ. Lần đầu tiên được đua trên những cung đường rừng, Thùy Linh rất ấn tượng với cảnh đẹp, không gian mát mẻ, nhất là đoạn đường vào khu căn cứ cách mạng Chiến khu Đ có nhiều loại cây lớn và lạ sừng sững hai bên đường.

Thùy Linh cho hay: “Em rất muốn quay lại nơi này thi đấu. Nếu có cơ hội em sẽ dành thời gian để tham quan rừng, khám phá những cung đường ven hồ, chụp hình và ngắm cảnh cùng bạn bè, sẽ rất thú vị”.

* Khám phá cảnh đẹp thiên nhiên

Cũng là một trong những CLB tham gia giải đua xe đạp mở rộng tại H.Vĩnh Cửu từ nhiều năm nay, CLB Đường Emaus (H.Trảng Bom) gồm những lão tướng có độ tuổi từ trên 60 đã trở thành niềm động viên tinh thần lớn cho phong trào của giải đấu. Ông Phạm Khương, 74 tuổi, thành viên đội lão tướng cho biết, năm nay ông đã về đích ở vị trí thứ 2 toàn hệ lão tướng. Dù đã thi đấu nhiều năm nhưng vào những ngày thường, ông Khương vẫn duy trì đạp xe hàng chục km từ ngã ba Trị An vào rừng để tận hưởng không gian thiên nhiên, ngắm cảnh đẹp của rừng qua các cung đường, đường ven hồ…

Giải đua xe ngày càng đa dạng về đối tượng, độ tuổi, giới tính vận động viên tham gia
Giải đua xe ngày càng đa dạng về đối tượng, độ tuổi, giới tính vận động viên tham gia

Nói về giải đua xe mở rộng hằng năm, ông Khương cho hay, đây là phong trào thể thao rất có ý nghĩa và nên mở rộng quy mô giải hơn nữa để thu hút vận động viên tham gia, góp phần cổ vũ tinh thần cho những người đam mê đua xe đạp thể thao. “Mỗi lần đạp xe vào rừng, tôi thấy có nhiều khách du lịch đến cắm trại theo nhóm hoặc gia đình. Nếu phong trào thể thao được tổ chức thường xuyên và mở rộng nhiều hơn, tôi tin Vĩnh Cửu sẽ là nơi lý tưởng để du khách từ nơi khác có thể tham gia các hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe, vừa tham quan du lịch, khám phá cảnh đẹp thiên nhiên của rừng, rất ý nghĩa” - ông Khương chia sẻ. 

Không chỉ phát triển các giải đấu thể thao, các hoạt động dã ngoại, đi bộ, đạp xe và tìm hiểu về đa dạng sinh học trong rừng đang là sản phẩm thu hút khách du lịch từ khắp nơi. Đặc biệt, từ sau những đợt dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu du lịch nhóm nhỏ, gắn kết thiên nhiên đang trở thành xu hướng chung của ngành Du lịch Việt Nam cũng như thế giới.

Một số doanh nghiệp du lịch cho biết, để thích ứng với nhu cầu du khách hiện nay, các doanh nghiệp đang nghiên cứu các sản phẩm du lịch nội địa để phục vụ khách hàng của mình. Đặc biệt, những doanh nghiệp trước đây chuyên phục vụ đoàn khách lớn cũng đang chuẩn bị các sản phẩm phục vụ khách có giới hạn, tour đi gần với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

Trong kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh cũng xác định một trong những sản phẩm đặc trưng của du lịch Đồng Nai là phát triển loại hình du lịch thể thao gắn với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, núi Chứa Chan (đua xe đạp thể thao, các môn thể thao phối hợp, thuyền buồm, dù lượn...). Theo đó, các ngành chức năng cần tổ chức và phối hợp tổ chức các sự kiện thể thao lớn với kế hoạch cụ thể để tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Cùng với các sự kiện thể thao cần có sự gắn kết quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử truyền thống. Song song đó là đẩy mạnh phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch nghỉ dưỡng trung và cao cấp, gắn và phù hợp với hệ sinh thái rừng, hồ, sông để giữ chân du khách.

Tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu NGUYỄN VĂN THUỘC cho biết, Vĩnh Cửu có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Từ năm 2016, huyện đã xây dựng nhiều kế hoạch phát triển thế mạnh du lịch, đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đây cũng là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Huyện có khoảng 11 điểm, tuyến du lịch, trong đó lợi thế chính vẫn dựa trên hồ Trị An, Chiến khu Đ, khu du lịch thế giới hoang dã. Vào dịp cuối tuần, Vĩnh Cửu thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục rà soát, phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch địa phương.

Thủy Mộc

Tin xem nhiều