Báo Đồng Nai điện tử
En

Cửa hàng thời trang, mỹ phẩm giảm giá mạnh vẫn… ế

08:10, 23/10/2021

Để kích cầu thị trường tiêu dùng dịp 20-10 và mở cửa phục vụ trở lại, nhiều cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đồng loạt giảm giá, xả hàng nhưng sức mua vẫn kém.

Để kích cầu thị trường tiêu dùng dịp 20-10 và mở cửa phục vụ trở lại, nhiều cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đồng loạt giảm giá, xả hàng nhưng sức mua vẫn kém.

Cửa hàng thời trang treo biển giảm giá “khủng”. Ảnh: Hoàng Lộc
Cửa hàng thời trang treo biển giảm giá “khủng”. Ảnh: Hoàng Lộc

Phần lớn người tiêu dùng còn dè dặt trong mua sắm. Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử, các hình thức mua bán trực tuyến tác động mạnh đến các cửa hàng kinh doanh theo phương thức truyền thống.

* Đồng loạt giảm giá sâu

Thời gian này, nhiều cửa hàng quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm treo biển sale off (giảm giá) 30-70%, xả kho thanh lý, mua 1 tặng 1 thậm chí tặng 2-3 hoặc đồng giá 49K, 99K, 149K, 199K/sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Dũng, nhân viên cửa hàng thời trang, gia dụng Nhật trên đường Phạm Văn Thuận (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho biết, nhân dịp 20-10 cửa hàng giảm giá lên đến 70% các sản phẩm quần áo. Các mặt hàng khác như: ba lô, túi xách, mỹ phẩm, giày dép, phụ kiện giảm từ 10-50% hoặc mua 1 tặng 1. Khác với các đợt giảm giá trước, lần này lượng khách đến mua hàng khá ít, mỗi khách chỉ mua 1-2 món hàng. Doanh số giảm nhiều so với trước lúc đóng cửa.

Cách đó không xa là cửa thời trang công sở Phong cách trẻ. Đại diện cửa hàng này cho hay, từ ngày 9-10 đã mở cửa phục vụ trở lại. Để đón nhu cầu mua sắm của dân văn phòng khi đi làm trở lại, cửa hàng đã nhập về nhiều sản phẩm mới, bố trí ít nhất 2 nhân viên phục vụ mỗi ca. Thế nhưng, những ngày cuối tuần khách chỉ lai rai, nhiều khách đến rồi đi ngay.

Cửa hàng thời trang treo biển giảm giá “khủng”. Ảnh: Hoàng Lộc
Cửa hàng thời trang treo biển giảm giá “khủng”. Ảnh: Hoàng Lộc

Không chỉ cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, nhiều cửa hàng thời trang, trang sức là chi nhánh của các nhãn hiệu có tên tuổi cũng giảm giá sâu để thu hút khách hàng và cạnh tranh. Chẳng hạn cửa hàng thời trang Nem có chương trình mua 1 tặng 3 hoặc giảm giá 50%; cửa hàng thời trang Elise đồng giá 99K, 199K một số mặt hàng; thời trang Elly, Eva, John Henry giảm giá 50%; giày dép, túi xách Mochardo đồng giá 200K; trang sức PNJ giảm giá 10-40%; FPT giảm giá đồng hồ hiệu đến 50%...

Chị Lê Thị Linh, shop Hoàng Linh, đường Phạm Văn Thuận (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, dù giảm giá nhưng lượng khách đến mua sắm không nhiều. Các mặt hàng son, phấn, kem nền… hầu như không bán được.

“Trước đây tôi mở cửa lúc 9 giờ và đóng cửa lúc 21 giờ. Giờ thì 11 giờ mới mở cửa khoảng 19 giờ đã đóng cửa. 2 nhân viên phụ bán hàng vẫn nghỉ vì không có nhiều khách” - chị Linh cho hay.

Nhân dịp mở cửa phục vụ trở lại và chào đón Ngày Phụ nữ Việt Nam, cửa hàng nước hoa, giày dép, đồng hồ Authentic, đường Nguyễn Ái Quốc (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) giảm giá 10% cho hóa đơn mua hàng trên 1 triệu đồng. Anh Bùi Duy Tân, chủ cửa hàng cho biết, đa phần các sản phẩm do anh “săn” sale từ các nhãn hàng lớn ở nước ngoài về bán cho khách nên ít khi giảm giá. Dịp này vừa mừng cửa hàng được mở cửa trở lại sau 3 tháng vừa 20-10 anh giảm giá để tri ân và thu hút khách hàng. Tuy nhiên, những ngày qua không có nhiều người ghé cửa hàng mua sắm, chỉ có ít khách quen nhắn tin, gọi điện đặt hàng qua mạng xã hội.

* Kênh mua sắm hiện đại chi phối

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang, mỹ phẩm thực hiện giảm giá sâu nhưng sức mua không nhiều. Nguyên nhân được cho là người tiêu dùng vẫn còn e dè khi đi mua sắm; thu nhập giảm nên phải cắt giảm chi tiêu. Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử, các kênh mua bán trực tuyến phát triển rầm rộ đã tác động đến cửa hàng kinh doanh theo phương thức truyền thống.

Nhân viên một cửa hàng thời trang, gia dụng kiểm tra thông tin sản phẩm giảm giá. Ảnh: Hoàng Lộc
Nhân viên một cửa hàng thời trang, gia dụng kiểm tra thông tin sản phẩm giảm giá. Ảnh: Hoàng Lộc

Đại diện một cửa hàng kinh doanh thời trang trên đường Phạm Văn Thuận (P.Tân Tiến) cho rằng, thời gian này cửa hàng sale “sập sàn” nhưng người tiêu dùng không mấy mặn mà vì các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Sendo… cũng có nhiều chương trình ưu đãi “khủng” như: giảm giá tới 70% một số mã hàng, miễn phí giao hàng…

“Hàng thời trang ở các sàn thương mại điện tử đa dạng mẫu mã, kiểu dáng đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Trong khi chúng tôi chỉ chuyên sản phẩm của 1 nhãn hàng. Thêm vào đó, dịch bệnh đã tác động đến thói quen mua sắm của nhiều người khiến cửa hàng kinh doanh bị ảnh hưởng” - đại diện cửa hàng này chia sẻ.

Chủ cửa hàng mỹ phẩm Hoàng Linh giới thiệu sản phẩm cho khách. Ảnh: Hoàng Lộc
Chủ cửa hàng mỹ phẩm Hoàng Linh giới thiệu sản phẩm cho khách. Ảnh: Hoàng Lộc

Chị Linh, chủ cửa hàng mỹ phẩm Hoàng Linh cho biết, 2 năm trở lại đây việc kinh doanh tại cửa hàng không còn thuận lợi như trước vì người tiêu dùng có nhiều kênh mua sắm tiện lợi như: các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, website... Ví dụ mạng xã hội Facebook, chỉ cần gõ từ khóa quần áo mặc nhà, đồ tập thể thao hoặc son môi trên công cụ tìm kiếm là lập tức các kênh, shop bán hàng theo nhu cầu của người tìm kiếm hiện lên, người dùng thoải mái lựa chọn mẫu mã, kiểu dáng, so sánh giá cả. Do đó, để thích ứng với thị trường, chị lập fanpage bán hàng qua mạng, xin số điện thoại của khách hàng để nhắn tin thông báo chương trình khuyến mại, giảm giá.

Có mặt tại một cửa hàng thời trang, chị Nguyễn Thị Lan, P.Tân Tiến cho biết, thời gian qua chị hay mua hàng trên mạng để đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Đợt này nhiều cửa hàng giảm giá và cũng cần quần áo, dép đi làm vào đầu tuần tới nên chị tìm đến cửa hàng. Thế nhưng nhìn qua các sản phẩm giảm giá đều là hàng cũ, lỗi mốt nên chị chưa mua được.

“Đến cửa hàng có lợi thế là mình cầm nắm, thử được đồ cần mua. Nhưng việc phải đi nhiều cửa hàng khác nhau để tìm sản phẩm cùng loại cũng hơi mệt” - chị Lan cho hay.

Chị Phạm Thị Như Hoa, P.Thống Nhất cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát chị đã thay đổi nhiều thói quen trong mua sắm. Chị không hay mua đồ giảm giá như trước mà chỉ mua những món đồ thực sự cần thiết. Bên cạnh việc đến cửa hàng mua sắm, chị làm quen với việc đặt hàng thông qua website của nhà sản xuất và kênh bán hàng trực tuyến. Thời gian này, chị hạn chế mua sắm phần vì kinh tế khó khăn và phần vì đang giao mùa chưa có nhiều sản phẩm mới.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích