Báo Đồng Nai điện tử
En

'Thiết kế' mô hình phát triển cho Đồng Nai

09:09, 03/09/2021

Đồng Nai cùng với các địa phương khác trong cả nước đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lập quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên, quy hoạch tỉnh được triển khai thực hiện theo Luật Quy hoạch.

Đồng Nai cùng với các địa phương khác trong cả nước đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lập quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên, quy hoạch tỉnh được triển khai thực hiện theo Luật Quy hoạch.

 Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển
Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển. Ảnh: P.Tùng

Quy hoạch tỉnh - vì vậy cũng được xem là khung định hướng phát triển, sắp xếp không gian, phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong thời gian tới.

* “Bản vẽ” định hình phát triển kinh tế - xã hội

Luật Quy hoạch được Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 24-11-2017. Luật này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Theo Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đối với cấp tỉnh chỉ có quy hoạch tỉnh, các quy hoạch khác sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Việc tích hợp các quy hoạch khác vào quy hoạch chung kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ giúp xóa bỏ được nhiều quy hoạch chồng chéo, kém chất lượng. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. “Trong quy hoạch tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành được phân chia thành các nội dung cụ thể để tích hợp” - Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết.

Theo Sở KH-ĐT, thông qua việc tiếp nhận ý kiến đóng góp, đồng thời, căn cứ vào điều kiện tiềm năng và bối cảnh phát triển của tỉnh, Sở KH-ĐT đã đề xuất bổ sung 48 nội dung tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Trong số này có 47 nội dung xác định rõ nhiệm vụ và một nội dung mở sẽ được xác định trong thời gian lập quy hoạch tỉnh. Việc để thêm một nội dung mở là dự phòng trường hợp trong quá trình rà soát để lập quy hoạch tỉnh sẽ có thêm nội dung cần tích hợp thêm.

Quy hoạch tỉnh lần đầu tiên được thực hiện cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đó đây chính là “bản vẽ” định hình phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai trong một giai đoạn kéo dài ít nhất trong một thập kỷ tới. Do đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, ngoài mục tiêu vạch ra đường hướng phát triển kinh tế còn phải tập trung cho việc phát triển văn hóa, xã hội nhằm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, quy hoạch tỉnh cũng phải tạo ra được bản sắc riêng của Đồng Nai. Bởi, nhiều năm qua, Đồng Nai chưa thực sự tạo được bản sắc, nét riêng về văn hóa, xã hội. Chính vì vậy, quy hoạch tỉnh cần nghiên cứu kỹ, đưa ra các giải pháp phát triển văn hóa - xã hội để tạo được dấu ấn, bản sắc riêng của Đồng Nai. “Cái đọng lại, cái tạo nên bản sắc giữa địa phương này, địa phương kia là văn hóa” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực kinh tế, một trong những yêu cầu đặt ra đối với quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phải nghiên cứu kỹ, quy hoạch kỹ các vùng tiềm năng phát triển, trong đó có khu vực xung quanh cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành. Theo dự kiến, cuối năm 2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Dự án này sẽ tạo ra một động lực phát triển rất lớn về kinh tế cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung cũng như Đồng Nai nói riêng. Do đó, việc quy hoạch kỹ khu vực xung quanh trung tâm “động lực” phát triển này để phát huy tối đa lợi thế là rất cần thiết.

Cùng với đó, để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, những khu vực giàu giá trị sinh thái như vùng đầu nguồn sông Đồng Nai, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên cũng được UBND tỉnh yêu cầu quy hoạch kỹ, hướng đến mô hình phát triển du lịch sinh thái. Tương tự, các khu vực ven sông Đồng Nai vốn mang nhiều lợi thế về phát triển đô thị, tạo cảnh quan cũng cần được quy hoạch bám sát với thực tiễn để phát huy tối đa tiềm năng.

* Đẩy nhanh tiến độ để phát huy tiềm năng, nguồn lực

Ngày 14-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng Nai là một trong 61 tỉnh, thành trên cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch đến thời điểm này.

Theo quy định, thời gian hoàn thành lập quy hoạch được quy định tối đa là 24 tháng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phải rút ngắn thời gian hoàn thành lập quy hoạch.

Khu vực xung quanh sân bay Long Thành sẽ được quy hoạch kỹ để phát huy  tối đa lợi thế từ “siêu” dự án này
Khu vực xung quanh sân bay Long Thành sẽ được quy hoạch kỹ để phát huy tối đa lợi thế từ “siêu” dự án này

Do đó, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, Đồng Nai đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập đồ án quy hoạch. Theo đó, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự toán quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng dự toán kinh phí thực hiện là hơn 75 tỷ đồng. Ngày 19-8-2021, UBND tỉnh cũng đã có quyết định về việc thành lập Hội đồng Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng thẩm định sẽ tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về đầu tư công, về quy hoạch và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2021 của tỉnh là đẩy nhanh việc hoàn thành lập quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế và hoạch định không gian phát triển hợp lý, hiệu quả, kết nối với sự phát triển vùng và quốc gia. Đây cũng là một trong những giải pháp để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong 6 tháng cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều