Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp địa phương nhọc nhằn bán hàng thời Covid-19

09:09, 03/09/2021

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương bị ảnh hưởng, gián đoạn hoặc tạm ngưng tổ chức để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương bị ảnh hưởng, gián đoạn hoặc tạm ngưng tổ chức để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sản xuất các loại trái cây sấy tại một công ty chế biến nông sản ở H.Định Quán. Ảnh: C.T.V
Sản xuất các loại trái cây sấy tại một công ty chế biến nông sản ở H.Định Quán. Ảnh: C.T.V

Trong bối cảnh đó, nhiều hoạt động, chương trình kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại được các ngành chức năng linh động tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

* Khó khăn do dịch bệnh

Nhiều doanh nghiệp, HTX ở các địa phương trong tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn về sản xuất, cung ứng hàng hóa trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó có việc kết nối, tìm các kênh tiêu thụ, vận chuyển...

Bà Liu Thị Yến, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) cho biết, lượng hàng tiêu thụ đợt này khá chậm nên công ty cân đối số lượng công nhân và công suất sản xuất phù hợp, vừa đủ để duy trì sản xuất “3 tại chỗ”. Một trong những khó khăn lớn trong thời gian qua là việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Các đơn hàng truyền thống giảm nhiều, trong khi hoạt động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử bị gián đoạn.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên chương trình ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai vẫn chưa được tổ chức, dự kiến sẽ được ra mắt theo hình thức và thời điểm phù hợp khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Nhiều doanh nghiệp, HTX, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh mong muốn trong thời gian tới khi sàn giao dịch thương mại điện tử này đi vào hoạt động sẽ được tích hợp nhiều tiện ích như: dễ đặt hàng, giao nhận hàng hóa, đẩy mạnh áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như đáp ứng các hoạt động kết nối, bán hàng, quảng bá sản phẩm trên toàn quốc…

“Cách đây vài tháng, công ty đã kết nối và đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn như: Lazada, Shopee… nhưng từ khi dịch bệnh phức tạp, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội thì phần lớn đơn hàng trực tuyến bị ngưng trệ do đội ngũ shipper tạm ngưng vận chuyển hàng” - bà Yến chia sẻ thêm.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch), một trong 3 đơn vị của tỉnh có sản phẩm vừa được Bộ Công thương công nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 bày tỏ, tình hình dịch bệnh phức tạp khiến cho phần lớn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như quảng bá sản phẩm của HTX phải tạm ngừng. Nhiều khách hàng muốn đặt mua sản phẩm nhưng HTX đành từ chối vì những khó khăn về khâu sản xuất, vận chuyển hàng hóa…

Không những các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, các kênh vận chuyển, phân phối hàng hóa mà nhiều hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại chịu tác động mạnh vì tình hình dịch bệnh. Nhiều chương trình kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng nội địa đã phải hủy hoặc tạm hoãn trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Đơn cử, mới đây Bộ Công thương đã quyết định tiếp tục lùi thời gian tổ chức Tháng Khuyến mãi tập trung quốc gia 2021 - Vietnam Grand Sale 2021. Theo đó, chương trình này dự kiến sẽ được triển khai từ ngày 1-12-2021 đến 1-1-2022 thay vì tổ chức từ ngày 1-9-2021 đến 30-9-2021 như kế hoạch trước đây. Đây là lần thứ 2 trong năm nay Bộ Công thương điều chỉnh thời gian tổ chức chương trình này do những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

* Tăng các kênh kết nối trực tuyến

Trong thời gian qua, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều phương án kết nối đầu ra, hỗ trợ tiêu thụ cho các sản phẩm địa phương, nhất là các loại nông sản. Trong đó, có triển khai các kênh bán hàng bình ổn giá cố định và lưu động vừa hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, vừa giúp người dân có thêm địa chỉ mua sắm các mặt hàng thiết yếu.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) trong hơn 1 tháng triển khai các chuyến xe lưu động bán hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá, đã có hơn 300 chuyến xe của các doanh nghiệp thực hiện bán hàng nhu yếu phẩm lưu động với giá bình ổn phục vụ người dân ở nhiều phường tại TP.Biên Hòa. Tổng số lượng hàng hóa cung ứng đạt khoảng 340 tấn rau củ, trái cây các loại…

Người dân chọn mua các loại nông sản địa phương tại điểm bán hàng bình ổn giá ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa)
Người dân chọn mua các loại nông sản địa phương tại điểm bán hàng bình ổn giá ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa)

Sở Công thương đã kết nối với các đơn vị: Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) và Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và các doanh nghiệp, trang trại, HTX trên địa bàn để tiêu thụ những mặt hàng nông sản, thực phẩm tại các điểm bán hàng bình ổn giá trong tỉnh.

Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ kết nối nhiều doanh nghiệp, HTX, cán bộ ở địa phương… tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến như: chương trình kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam bộ và Tây nguyên do Bộ Công thương tổ chức (hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021); hội thảo Nâng cấp chiến lược - thay đổi doanh thu do Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp với chương trình Bệ phóng Việt Nam digital 4.0 cùng với Sở Công thương của các tỉnh, thành trên cả nước triển khai trên nền tảng trực tuyến YouTube…

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), trong thời gian tới, tùy vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, đơn vị sẽ đề xuất phương án lựa chọn, tổ chức triển khai một số chương trình xúc tiến thương mại phù hợp, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị, sở, ngành, địa phương, các hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường kết nối các hoạt động giao thương, các hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại… theo hình thức trực tuyến.

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc chia sẻ, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương để chủ động các phương án cung ứng các mặt hàng nông sản của địa phương vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất), các điểm bán hàng bình ổn giá, điểm bán hàng lưu động tại các địa phương, cũng như hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản địa phương với các tỉnh, thành lân cận. Sở sẽ tiếp tục linh động các hình thức xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trực tuyến để hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp địa phương tìm kiếm các kênh tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Hải Hà

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích