Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồ công nghệ giá rẻ "cháy hàng" vì học online

07:09, 25/09/2021

Do nhu cầu học online của trẻ em nên nhiều gia đình phải mua thêm thiết bị công nghệ như: máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, webcam... Nhưng vì thời điểm hiện tại, phần lớn các siêu thị, cửa hàng công nghệ vẫn đóng cửa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và thiếu hụt nên việc mua bán mặt hàng này gặp khó khăn.

Do nhu cầu học online của trẻ em nên nhiều gia đình phải mua thêm thiết bị công nghệ như: máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, webcam... Nhưng vì thời điểm hiện tại, phần lớn các siêu thị, cửa hàng công nghệ vẫn đóng cửa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và thiếu hụt nên việc mua bán mặt hàng này gặp khó khăn.

Anh Bùi Văn Đạt (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) mua điện thoại thông minh cho con học online
Anh Bùi Văn Đạt (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) mua điện thoại thông minh cho con học online

Ưu tiên của các bậc phụ huynh hiện nay là mua sản phẩm đã qua sử dụng hoặc dòng máy mới giá rẻ cho con học online.

* Khó mua sản phẩm công nghệ phân khúc giá rẻ

Cảm thấy việc con dùng điện thoại di động của mình học online hằng ngày rất bất tiện bởi màn hình nhỏ, quá trình học nếu có cuộc gọi đến con bị “out” ra khỏi lớp, anh Bùi Văn Đạt (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) quyết định mua laptop hoặc máy tính bảng. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, anh Đạt phải mua điện thoại thông minh với giá 6,4 triệu đồng cho con học.

“Vợ chồng tôi là công nhân, thu nhập không cao nên muốn tìm mua laptop hoặc máy tính bảng cũ cỡ 3-5 triệu đồng, nhưng tìm mãi không được. Đắn đo lắm mới dám đến cửa hàng Điện máy xanh gần nhà mua laptop nhưng không còn hàng. Nhân viên nói phải đặt hàng trên website, phải thanh toán tiền trước 100% nhưng khi nào được nhận hàng thì chưa biết. Tôi mua chiếc điện thoại trả góp này cho con học vậy” - anh Đạt chia sẻ.

Gia đình có 2 con học online đợt này nên chị Nguyễn Thị Hà (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) phải mua thêm 2 thiết bị công nghệ. Tìm mãi chị cũng mua được 1 laptop cũ giá 5,5 triệu đồng.

“Nhà tôi có 2 con học online cùng giờ. Tôi đã đặt hàng qua mạng, gọi điện đến một số nơi bán hàng uy tín ở Biên Hòa nhưng không còn laptop cỡ 10-12 triệu đồng, chỉ còn loại trên 20 triệu đồng. Giá này hơi quá sức với tôi. Tôi nhờ người quen mua được 1 laptop cũ trên chợ online. Tôi tìm mua thêm 1 máy tính hoặc điện thoại nữa mà chưa được” - chị Hà chia sẻ.

Tương tự, chị Lương Thị Hoài (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết, những ngày qua chị đã đăng thông tin cần mua laptop, máy tính bảng, điện thoại lên nhóm Zalo chung cư, nhóm Zalo lớp, fanpage Chợ tốt Biên Hòa nhưng đáp lại là câu trả lời đại loại: “phải đặt cọc trước”, “chờ ít ngày báo lại” hoặc “mua máy đời mới giá cao có sẵn hàng”. Chị Hoài cho rằng nếu mua sản phẩm mới, đắt tiền vẫn có nhưng để tìm loại giá rẻ rất khó và thời điểm hiện tại chị vẫn chưa mua được thiết bị học cho con.

Ông Phạm Văn Hoàng (TP.Long Khánh) chia sẻ, do trên địa bàn có nhiều học sinh tiểu học và THCS khó khăn cần phương tiện học online nên ông đăng tải thông tin cần mua khoảng 1,2 ngàn điện thoại thông minh giá rẻ lên mạng xã hội. Thế nhưng, không có nhiều người liên hệ để bán hàng số lượng lớn. Cũng may, một số mạnh thường quân là cá nhân, doanh nghiệp đã gửi tặng thành phố 700 chiếc điện thoại để tặng lại cho các con học tập.

“Đỏ mắt” tìm thiết bị cho con học online là tình trạng chung của nhiều bậc phụ huynh. Do nhiều phụ huynh vẫn ở nhà tránh dịch nên hiện có máy tính, điện thoại cho con học. Tới đây, khi cha mẹ đi làm, con vẫn học online, thì nhu cầu mua sắm mặt hàng này tiếp tục tăng.

* Nguồn cung không đủ

Từ cuối tháng 8 đến nay, thị trường máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh ở hầu hết các tỉnh, thành đều trở nên sôi động bởi nhu cầu tăng cao, nguồn cung hạn chế, vận chuyển khó khăn.

Thị trường thiết bị công nghệ phục vụ học online trên mạng
Thị trường thiết bị công nghệ phục vụ học online trên mạng

Mặc dù vẫn đóng cửa để phòng dịch nhưng thời gian qua cửa hàng camera - máy tính Tiến Thịnh của anh Bùi Công Thịnh ở đường Phạm Văn Thuận, P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) đắt hàng hơn hẳn. Nhiều laptop, tablet đã qua sử dụng nằm kho lâu ngày cũng được khôi phục, sửa chữa bán cho người có nhu cầu.

Anh Bùi Công Thịnh chia sẻ, do học sinh học online nên nhiều gia đình phải mua sắm thiết bị công nghệ. Hiện phần lớn các cửa hàng, siêu thị công nghệ vẫn đóng cửa nên người tiêu dùng tìm cách liên hệ cửa hàng nhỏ hơn ở gần nhà. Anh đăng tải thông tin lên Zalo, Facebook và các chợ online để nhận đơn hàng, cài đặt chương trình xong nhờ người giao cho khách.

“Có ngày, tôi bán được 3-4 sản phẩm, hơn cả tháng trước đó. Chủ yếu bán cho người quen trong phường, bạn bè giới thiệu nhau. Hiện tại vẫn bán nhưng trong tình trạng nhận đơn chờ hàng về” - anh Thịnh chia sẻ.

Anh Dũng, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ công nghệ số CNS, P.Hóa An (TP.Biên Hòa) cho biết, những ngày qua laptop luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Về được lô nào hết sạch lô hàng đó, không còn máy để trưng bày. Anh Dũng cho biết, người mua không phải đặt cọc nhưng ưu tiên những người đặt hàng trước. Công ty nhận đơn hàng qua điện thoại và website, khi có hàng shipper giao đến tận nhà, khách kiểm tra đồng ý mua mới thanh toán tiền.

Anh Ngô Linh, thành viên nhóm Chợ tốt Biên Hòa cho hay, do nhu cầu tăng cao đột biến trong khi vận chuyển gặp khó khăn nên hầu hết các cửa hàng kinh doanh thiết bị công nghệ thông minh trong tỉnh đều hết hàng, anh phải đặt ngoài Hà Nội chuyển vào.

“Tôi bán laptop đã qua sử dụng nhưng phải mới trên 90%. Hiện nhu cầu mặt hàng này rất lớn nên tôi phải đặt hàng ở TP.HCM, Hà Nội nhưng cũng không đủ phục vụ khách. Thông thường người mua phải đặt 1 tuần mới có” - anh Linh cho hay.

Chị Nguyễn Thu Trang, nhân viên kinh doanh Điện máy xanh P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho biết, những ngày qua, cửa hàng đóng cửa nhưng các nhân viên vẫn nhận đơn hàng online và đã bán được rất nhiều máy tính, điện thoại. Thời điểm hiện tại, laptop và máy tính bảng đều hết sạch, chỉ còn ít điện thoại thông minh.

Chị Trang cho rằng, laptop đang rất “hot” nhưng lại không có hàng để bán. Chị hướng dẫn người mua đặt hàng trực tiếp trên website của hệ thống nhưng do phải thanh toán trước, không có sẵn hàng nên người tiêu dùng chuyển sang mua điện thoại thông minh.

Đại diện cửa hàng máy tính trên đường Phan Đình Phùng, P.Trung Dũng, (TP.Biên Hòa) cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, khách liên hệ mua hàng rất nhiều nhưng cửa hàng không nhận đơn do máy tính đã hết, không có hàng để nhập về, đặt mãi mới được đơn hàng thì bị tắc nhiều ngày ở cảng.

Sau thời dài trầm lắng do dịch bệnh, thị trường điện máy, điện tử trở nên sôi động với sức mua tăng cao. Tuy nhiên, do nguồn cung thiếu hụt, vận chuyển khó khăn nên người mua lẫn người bán đều phải than phiền.

“Thông thường đầu năm học mới chúng tôi bán được rất nhiều máy tính. Cửa hàng giảm giá bán, tặng quà khuyến mãi cho người mua. Nhưng năm nay, hàng bán không có giảm giá” - đại diện một cửa hàng ở đường Phan Đình Phùng, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa chia sẻ.

Ban Mai

Tin xem nhiều