Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa dễ kinh doanh đồ handmade

09:07, 23/07/2021

Từ những món đồ tưởng chừng vứt đi như: gỗ vụn, rễ cây, bao bì nhựa, giấy, vải... qua bàn tay của con người chúng được "hô biến" thành những món đồ hữu dụng, thậm chí xuất khẩu.

Từ những món đồ tưởng chừng vứt đi như: gỗ vụn, rễ cây, bao bì nhựa, giấy, vải... qua bàn tay của con người chúng được “hô biến” thành những món đồ hữu dụng, thậm chí xuất khẩu.

Sản phẩm handmade làm từ vật liệu tái chế của CLB Rừng Xanh (xã Mã Đà. H.Vĩnh Cửu). Ảnh: L.An
Sản phẩm handmade làm từ vật liệu tái chế của CLB Rừng Xanh (xã Mã Đà. H.Vĩnh Cửu). Ảnh: L.An

Tuy vậy, việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng handmade vẫn chưa dễ do quy mô nhỏ, chi phí sản xuất cao, hàng hóa chưa đa dạng và có kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả.

* Sản phẩm thân thiện và hữu ích

Hơn 3 năm qua, các thành viên CLB Rừng Xanh (xã Mã Đà. H.Vĩnh Cửu) tích cực tìm kiếm từ vỏ mì gói, chai lọ bằng nhựa hoặc kim loại, vải vụn để làm ra các sản phẩm thủ công như túi xách, giỏ hoa, chậu cây cảnh sử dụng và bán.

Bà Lê Thị Thu Nguyệt, Phó chủ nhiệm CLB Rừng Xanh cho biết, để tạo ra sản phẩm tái chế vừa hữu dụng, vừa góp phần tuyên truyền bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa các thành viên trong CLB phải liên hệ với nhiều nơi như: cửa hàng tạp hóa, căn tin trường học, quán ăn, chợ để xin nguyên liệu. Nguyên liệu được rửa sạch, phơi khô, rồi chế tác thành những món đồ gia dụng cho chị em sử dụng và bán cho khách du lịch.

Sản phẩm handmade là những món đồ được làm thủ công hoàn toàn hoặc một phần. Đó có thể là đồ gia dụng, đồ dùng cá nhân, đồ trang trí được làm từ các vật liệu (giấy, vải, sợi, thân hoặc rễ cây, nhựa, kim loại, vỏ giáp xác…) đã qua sử dụng hoặc vật liệu mới. Sản phẩm handmade có ưu điểm là độc đáo, không hoặc ít đụng hàng, có lao động sáng tạo cao. Người làm đồ handmade kinh doanh ngoài năng khiếu, sự khéo tay, còn phải thực sự đam mê và yêu thích để liên tục sáng tạo ra những mẫu mã mới thể đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Thời gian đầu, các thành viên rất hồ hởi vì ai cũng muốn sở hữu món đồ handmade độc đáo do mình làm ra, mua tặng người thân. Nhiều du khách nước ngoài đến Chiến khu Đ cũng mua sản phẩm làm quà lưu niệm.

Tuy nhiên, gần đây việc làm và kinh doanh sản phẩm handmade của nhóm không được như trước do không còn xin được nhiều nguyên liệu nữa, thay vào đó phải bỏ tiền mua. Bên cạnh đó, mẫu mã sản phẩm chưa thực sự đa dạng. Hơn nữa, lúc này khách du lịch không có nên không bán được hàng.  

Nhiều năm nay, anh Trần Văn Hùng (xã Thanh Sơn, H.Tân Phú) bén duyên với nghề điêu khắc mỹ nghệ từ rễ, gốc cây. Các mặt hàng anh Hùng làm ra gồm đồ gia dụng: thau rửa mặt, chậu rửa lavabo, ly, chén, cốc; đồ trang trí: bình hoa, tượng nhân vật, con giáp và các món hàng khác như xe đạp, bàn ghế…

Anh Hùng chia sẻ, quá trình làm rẫy thấy các gốc, rễ cây có hình thù kỳ lạ còn sót lại dưới đất anh đào về sáng chế ra thành những đồ vật trang trí. Người dân thấy anh sưu tầm loại này gọi anh đến ruộng, rẫy của họ lấy. Có nguyên liệu trong nhà, anh Hùng chế tạo ra nhiều loại vật dụng. Người này giới thiệu người kia, anh có khách TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Có tác phẩm anh làm ra bán được ngay, giá bán lên đến vài chục triệu đồng, nhưng cũng có tác phẩm làm ra chỉ để ngắm.

Theo Hùng, việc tìm kiếm gốc, rễ cây có hình dạng độc đáo ngày càng khó; quá trình tạo hình rất công phu; gần như không thể nhân bản 2 sản phẩm y hệt nhau, không dám nhận đơn đặt hàng vì không biết khi nào có nguyên liệu phù hợp.

Chị Phạm Thị Thúy Hạnh (TP.Biên Hòa) giới thiệu hoa cài áo handmade
Chị Phạm Thị Thúy Hạnh (TP.Biên Hòa) giới thiệu hoa cài áo handmade

Chị Phạm Thị Thúy Hạnh, người làm và kinh doanh “thương hiệu” hoa cài áo handmade Thỏ Yuki (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) thì cho rằng, làm hoa cài áo handmade bên cạnh việc dành nhiều thời gian thì đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ từng chi tiết. Cái khó nhất trong làm hoa cài áo thủ công là sáng tạo không ngừng để không mẫu nào giống mẫu nào. Việc chọn màu và phối màu cho hoa cũng phải phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Các sản phẩm hoa cài áo do chị Hạnh làm có nhiều kích cỡ và kiểu dáng khác nhau, vì thế mà giá thành cũng tùy thuộc vào từng sản phẩm. Đối với các mẫu thông thường có giá từ 50-150 ngàn đồng/sản phẩm. Những sản phẩm đặt hàng có chi tiết phức tạp, đặt trưng, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức tìm nguyên vật liệu có giá từ 200-300 ngàn đồng/sản phẩm.

* Chưa dễ nhân rộng

Mặc dù có cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, có fanpage bán online trên mạng xã hội hoạt động được 6-7 năm nay, tuy nhiên theo chị Hạnh việc duy trì và phát triển kinh doanh không đơn giản. Bởi phải sáng tạo mẫu mã không ngừng để hạn chế việc người khác bắt chước làm theo trên chất liệu vải khác, kiểu dáng hơi khác và bán với giá cạnh tranh. Không có người chung đam mê, cùng sở thích và chịu kiên nhẫn để làm ra các sản phẩm hoa vải thủ công.

“Phải những người thực sự hiểu, đam mê đồ handmade mới tìm kiếm, chấp nhận bỏ ra số tiền cao hơn để mua phụ kiện trang trí “không đụng hàng”. Tôi muốn bắt đầu từ bản thân mình, đồng nghiệp và bạn bè của mình rồi nhân rộng ra nhiều người hơn. Tôi tạo ra hiệu ứng lan tỏa bằng cách chia sẻ video trên mạng xã hội, nhận dạy học sinh làm hoa thủ công tại nhà và cả trên lớp” - chị Hạnh chia sẻ.

Sản phẩm làm từ rễ, gốc cây khô của anh Trần Văn Hùng (xã Thanh Sơn, H.Tân Phú)
Sản phẩm làm từ rễ, gốc cây khô của anh Trần Văn Hùng (xã Thanh Sơn, H.Tân Phú)

2 năm trở lại đây, dịch bệnh Covid-19 khiến người tiêu dùng phải hạn chế chi tiêu, nhiều người làm hoa vải thủ công đã không trụ nổi, nhưng chị Hạnh vẫn ngày ngày thiết kế, giới thiệu cách làm hoa online đến mọi người. Chị hy vọng, mọi người đều có thể làm sản phẩm trang trí hữu ích bằng các chất liệu thân thiện với môi trường.

Chị Phạm Thị Phương Nhi (TP.HCM), thành viên nhóm Cộng đồng handmade Việt Nam trên mạng xã hội Facebook chia sẻ, vài năm trở lại đây có rất nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo và mới lạ trên thị trường, trong đó có kinh doanh đồ handmade. Các sản phẩm này được giới trẻ quan tâm vì khác biệt và có thể tự làm theo. Tuy vậy, nhiều người kinh doanh cũng thất bại do xác định sai đối tượng khách hàng, không có kế hoạch cụ thể về sản phẩm và mặt hàng mà mình kinh doanh. Bên cạnh đó, sản phẩm handmade chưa đa dạng, chưa đồng đều về chất lượng. Phần đông người tiêu dùng chưa hiểu giá trị, sức sáng tạo ở những món đồ thủ công.

Bà Quan Ngọc Liên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, để làm ra sản phẩm từ những món đồ tưởng như vô dụng là vỏ sò, vỏ nghêu, vỏ ốc bà phải bỏ rất nhiều công sức học hỏi, sáng tạo và tìm kiếm khách hàng. Thời gian đầu làm thủ công hình thức chưa đẹp, giá thành cao nên bị nhiều công ty may mặc trong nước từ chối. Đã có lúc bà phải tính chuyện đóng cửa vì khó khăn và áp lực. Tuy nhiên, bằng lòng đam mê, sự kiên trì, bà đã thành lập được công ty, sản phẩm được doanh nghiệp may mặc trong và ngoài nước đặt hàng.

Theo bà Liên, để các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tự nhiên, nguyên liệu tái chế trở nên có giá trị và được người dùng đón nhận khâu chọn nguyên liệu là khâu vô cùng quan trọng. Cùng với đó là chịu khó học hỏi và bắt kịp xu hướng. Sản phẩm có mẫu mã riêng, độc quyền càng tốt.         

         Lê An

Tin xem nhiều