Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành bán lẻ vẫn sống khỏe

10:06, 05/06/2021

Trước tình hình dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến khó lường, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống đã tăng cường triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch Covid-19 và chủ động chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, tránh tình trạng khan hàng, "sốt giá"…

Trước tình hình dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến khó lường, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống đã tăng cường triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch Covid-19 và chủ động chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, tránh tình trạng khan hàng, “sốt giá”…

Người dân chọn mua các sản phẩm hàng tiêu dùng tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương
Người dân chọn mua các sản phẩm hàng tiêu dùng tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương

* Triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch bệnh

Mới đây, Sở Công thương đã ban hành Công văn số 2671/SCT-TM về tăng cường công tác phòng, chống dịch và chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Sở đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn giá trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung như: sẵn sàng thực hiện kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh Covid-19 ngay khi nhận được thông báo từ cơ quan quản lý nhà nước; tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại cho biết sẽ thực hiện nghiêm túc việc yêu cầu nhân viên, khách hàng mua sắm đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào, hoặc/và ở trong khu vực kinh doanh; đóng cửa các khu vực dịch vụ không thiết yếu theo đúng quy định.

Nhiều đơn vị chủ động kiểm tra thân nhiệt, bố trí khu rửa tay sát khuẩn cho khách hàng trước khi vào mua sắm; tiến hành vệ sinh khử khuẩn thường xuyên tại các khu dịch vụ; đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức phù hợp như: phát loa, treo băng-rôn, cờ phướn, dán bảng thông báo, cảnh báo… để khách hàng mua sắm biết và chấp hành nghiêm túc.

Bà Mai Thị Hương Lan, Trưởng phòng Marketing của Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, siêu thị đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch như yêu cầu người dân: đeo khẩu trang, khử khuẩn tay khi vào mua sắm, giữ khoảng cách an toàn… Siêu thị cũng đề nghị khách hàng khai báo y tế nhanh trước khi vào mua sắm.

Tương tự, theo ông Nguyễn Lê Cao Tuấn, Giám đốc Lotte Mart Đồng Nai, siêu thị hiện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như: triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bố trí khu vực rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân tại lối vào siêu thị; yêu cầu nhân viên và khách hàng bắt buộc đeo khẩu trang khi vào trung tâm thương mại, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19... Đối với các gian hàng dịch vụ, ăn uống, không phục vụ quá 10 khách trong cùng một thời điểm, bố trí các bàn ghế phục vụ, khu vực tính tiền… đảm bảo khoảng cách 2m.

Đối với các chợ truyền thống, nhiều chợ thường xuyên tiến hành khử khuẩn, vệ sinh tại khu vực chợ, cũng như bố trí các điểm rửa tay sát khuẩn cho khách hàng tại các cửa ra vào chợ, các bảng thông báo bắt buộc đeo khẩu trang khi vào chợ...

Ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Phương Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ Phương Lâm (H.Tân Phú) cho biết, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19, chợ còn tiến hành kiểm tra đối với phương tiện cơ giới trước khi vào chợ, nhất là phương tiện từ địa phương khác về, theo đó, sẽ tiến hành kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế đối với những người ở trong các phương tiện này. Chợ cũng tiến hành khử khuẩn các khu vực dịch vụ, kinh doanh với tần suất 2 ngày/lần, bố trí các khu vực sát khuẩn tay ở các lối đi vào chợ cho tiểu thương và người dân đến mua sắm.

* Sẵn sàng các kịch bản ứng phó

Theo Sở Công thương, Sở đã xây dựng phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu, ứng phó diễn biến dịch Covid-19 theo 5 cấp độ tùy vào mức độ, diễn biến của dịch bệnh.

Nhân viên của Ban quản lý chợ Phương Lâm (H.Tân Phú) kiểm tra thân nhiệt của người dân trên các phương tiện cơ giới từ địa phương khác đến trước khi vào chợ. Ảnh: C.T.V
Nhân viên của Ban quản lý chợ Phương Lâm (H.Tân Phú) kiểm tra thân nhiệt của người dân trên các phương tiện cơ giới từ địa phương khác đến trước khi vào chợ. Ảnh: C.T.V

Theo đó, Sở đề nghị UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh sẵn sàng thực hiện kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn và chuẩn bị hàng hóa phục vụ các khu cách ly trên địa bàn theo Kế hoạch số 1393/KH ngày 1-4-2020 của Sở Công thương về đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân trong tình huống bị cách ly (1 tổ, 1 khu phố/ấp hoặc 1 thị trấn/phường/xã) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, Sở Công thương đề nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các trung tâm thương mại, siêu thị… xây dựng kế hoạch nhằm dự trữ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, sẵn sàng cung ứng cho thị trường với giá hợp lý khi dịch bệnh bùng phát.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc BigC Đồng Nai chia sẻ, đơn vị đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh phức tạp, đảm bảo nguồn hàng cung ứng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Đơn vị vẫn tiếp tục triển khai nhiều hoạt động khuyến mãi định kỳ dành cho khách hàng.

Tương tự, ông Nguyễn Lê Cao Tuấn chia sẻ thêm, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, hiện Lotte Mart Đồng Nai vẫn đảm bảo lượng hàng hóa dự trữ, cung ứng ổn định nhất là các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm, thực phẩm…

Sở Công thương cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tăng lượng dự trữ hàng hóa hợp lý, đặc biệt vào các ngày cuối tuần; bố trí nhân viên điều phối hàng hóa kịp thời từ kho lên các kệ hàng, các điểm bán để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tránh tình trạng bỏ trống kệ hàng, gây hoang mang trong tâm lý người tiêu dùng.

Các đơn vị kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… có thể đưa ra một số chính sách hạn chế số lượng mua sắm hợp lý đối với một số mặt hàng có nhu cầu mua cao nhằm đảm bảo tất cả người tiêu dùng đều mua được sản phẩm thiết yếu và/hoặc cần thiết, tránh tình trạng thu gom của một số đối tượng dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa, “sốt giá” ảo...

Theo Công văn số 2671/SCT-TM ngày 31-5-2021 của Sở Công thương, đối với các doanh nghiệp đang cam kết tham gia chương trình bình ổn giá của tỉnh, Sở yêu cầu đảm bảo nguồn hàng đã đăng ký với Sở Công thương, sẵn sàng cung ứng cho thị trường khi có biến động về tăng giá, khan hiếm hàng hóa, đồng thời xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ người dân trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đối với các HTX, các đơn vị đang tham gia bán hàng bình ổn giá đã được địa phương thẩm định vay vốn thực hiện chương trình: đảm bảo nguồn hàng dự trữ phục vụ công tác bình ổn giá theo kế hoạch, phát triển mạng lưới bán hàng, sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn khi có bệnh dịch xảy ra, niêm yết giá đúng quy định và bán đúng giá niêm yết.

Lam Phương

Tin xem nhiều