Báo Đồng Nai điện tử
En

Các trạm thu phí tạm dừng hoạt động: Còn đó nỗi lo mất an toàn giao thông

10:06, 05/06/2021

Tại Đồng Nai, có 3 trạm thu phí BOT gồm cầu Đồng Nai (quốc lộ 1, P.An Bình, TP.Biên Hòa), quốc lộ 1K (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) và quốc lộ 20 (H.Tân Phú) đang tạm dừng thu phí. Trong thời gian qua, mặc dù báo chí liên tục phản ánh tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) tại các trạm thu phí nói trên nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Tại Đồng Nai, có 3 trạm thu phí BOT gồm cầu Đồng Nai (quốc lộ 1, P.An Bình, TP.Biên Hòa), quốc lộ 1K (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) và quốc lộ 20 (H.Tân Phú) đang tạm dừng thu phí. Trong thời gian qua, mặc dù báo chí liên tục phản ánh tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) tại các trạm thu phí nói trên nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Lực lượng chức năng hướng dẫn phương tiện lưu thông qua khu vực Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai (quốc lộ 1, TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải
Lực lượng chức năng hướng dẫn phương tiện lưu thông qua khu vực Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai (quốc lộ 1, TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải

Đến nay, 3 trạm thu phí này tuy không còn sử dụng nhưng chưa được tháo dỡ, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho các phương tiện khi đi vào làn đường trong khu vực thu phí. Ngoài ra, một số chủ đầu tư không thực hiện công tác bảo trì khiến hạ tầng giao thông khu vực trạm thu phí tiếp tục xuống cấp, thiếu các biện pháp cảnh báo an toàn càng tăng nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).

* Nhiều nguy cơ mất an toàn

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày cuối tháng 5-2021, nhiều vị trí mặt đường quốc lộ 1K bị bong tróc, đọng nước; hệ thống cống rãnh hai bên đường đều bị đất vùi lấp và rác thải tồn đọng; hệ thống đèn tín hiệu tại một số giao lộ hoạt động chập chờn… Trong khi đó, dọc tuyến quốc lộ 1K (chạy qua 3 địa phương TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai) tập trung nhiều mỏ đá, mật độ xe ben lưu thông thường xuyên càng khiến tuyến đường ngày càng xuống cấp.

Vào tháng 10-2020, ngay tại thời điểm tạm dừng hoạt động Trạm BOT thu phí quốc lộ 1K, nhà đầu tư đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ sẽ không chịu trách nhiệm đối với công tác đảm bảo ATGT, công tác duy tu, bảo trì, điện chiếu sáng cho tất cả các hạng mục thuộc dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1K. Từ đó đến nay, công tác bảo dưỡng tại tuyến đường này bị bỏ ngỏ.

Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Não Thiên Anh Minh cho biết, kể từ thời điểm 3 trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh tạm dừng thu phí, lưu lượng và mật độ phương tiện tăng cao, khiến tình hình trật tự ATGT tại các trạm này diễn biến phức tạp hơn. Bên cạnh đó, mặt đường tại một số vị trí thuộc phạm vi các trạm này cũng đã hư hỏng, vạch sơn mòn, mờ mất tác dụng chưa kịp thời khắc phục, đất cát trên mặt đường cũng như tại các chân dải phân cách chưa được thu dọn, vệ sinh thường xuyên. Trên thực tế đã xảy ra một số vụ TNGT tại khu vực các trạm thu phí tạm dừng hoạt động này.

Do đó trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, tăng cường hệ thống chiếu sáng vào ban đêm, thường xuyên duy tu, sửa chữa hư hỏng mặt đường, hệ thống biển báo, vạch sơn cũng như thực hiện đầy đủ công tác vệ sinh môi trường thuộc phạm vi các trạm thu phí nói trên.

* Cần tăng cường kiểm tra, giám sát

Trước nguy cơ mất ATGT khi đi qua khu vực các trạm thu phí tạm dừng hoạt động, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không hoạt động thu phí nữa thì cơ quan chức năng nên có biện pháp tháo dỡ, trả lại cảnh quan và đảm bảo ATGT trên tuyến. Trường hợp chưa tháo dỡ được thì phải bổ sung hệ thống cảnh báo tai nạn từ xa như: đèn chớp vào ban đêm, vạch sơn, biển báo để lái xe chủ động phòng tránh.

Quốc lộ 1K đoạn qua P.Hóa An (TP.Biên Hòa) kể từ khi tạm dừng thu phí, hạ tầng xuống cấp, đất đá từ các xe tải ben chở vật liệu xây dựng phủ kín xuống mặt đường. Ảnh: Thanh Hải
Quốc lộ 1K đoạn qua P.Hóa An (TP.Biên Hòa) kể từ khi tạm dừng thu phí, hạ tầng xuống cấp, đất đá từ các xe tải ben chở vật liệu xây dựng phủ kín xuống mặt đường. Ảnh: Thanh Hải

Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV Nguyễn Đình Dũng cho biết, sau khi tuyến quốc lộ 1K tạm dừng thu phí, đơn vị BOT đã dừng luôn việc duy tu bảo dưỡng tuyến. Để đảm bảo ATGT, Cục phải đề nghị Công ty 676 tạm ứng vốn duy tu nhưng chỉ là vệ sinh đường, dặm vá ổ gà. Đáng lo ngại hệ thống chiếu sáng trên tuyến đường này đã hư hỏng, đến nay chưa thể thay thế đèn chiếu sáng do không bố trí được nguồn vốn.

Theo ông Dũng, hiện các dự án BOT đang tạm dừng thu để quyết toán tài chính. Đối với công tác duy tu, Cục Quản lý đường bộ IV vẫn chờ hướng dẫn và chỉ đạo từ cơ quan cấp trên để thực hiện.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, các trạm thu phí nói trên nằm trong số 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí chờ xác lập quyền sở hữu toàn dân. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ IV tiếp nhận bảo quản các dự án sau khi dừng thu phí do nhà đầu tư BOT đã không làm công tác quản lý bảo trì tuyến đường.

Nguyên nhân theo ông Cường là các dự án này đang gặp vướng mắc về cơ chế bảo trì các dự án BOT bị dừng thu phí. Trong đó, vướng mắc lớn nhất về thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân. Khi chưa xác lập được quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao tài sản từ nhà đầu tư BOT về cho Nhà nước quản lý thì không thể bố trí vốn ngân sách để làm công tác bảo trì.

“Bộ GT-VT đã có văn bản giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện công tác tiếp nhận, bảo quản các dự án theo đúng quy định. Về lâu dài, Bộ GT-VT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn tháo gỡ vấn đề này” - ông Cường nói.

Để đường hỏng, dự án BOT phải dừng thu phí

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các cục quản lý đường bộ, Sở GT-VT, nhà đầu tư BOT và Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chỉ đạo nhà thầu tăng cường thực hiện bảo dưỡng thường xuyên, kịp thời sửa chữa hư hỏng nhỏ trên đường, đặc biệt là công tác tuần đường, tuần kiểm, vá “ổ gà”. Bên cạnh đó, quét dọn mặt đường sạch sẽ, sơn dặm kẻ đường, không để phát sinh hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Mỗi công tác bảo dưỡng phải thực hiện đúng quy định theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ và tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường cao tốc. Đối với các dự án sửa chữa trên tuyến đang triển khai, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chỉ đạo nhà thầu thi công huy động nhân lực, máy móc, tập trung thi công đẩy nhanh tiến độ. Với các dự án BOT đang thu phí, nếu để hư hỏng mất ATGT mà không sửa chữa, các cục quản lý đường bộ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định tạm dừng thu phí.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích