Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa trẻ bị dụ dỗ, lừa đảo qua mạng

10:04, 16/04/2021

Vụ việc một học sinh lớp 5 ở TP.Biên Hòa bị một người lạ tự xưng là "trung tá công an" dụ dỗ tặng trà sữa miễn phí để học sinh này quay clip nhạy cảm gửi cho đối tượng vừa xảy ra đã dấy lên những lo ngại cho các phụ huynh về hiểm họa khi trẻ được sử dụng điện thoại tham gia mạng xã hội (MXH) nhưng thiếu sự kiểm soát của người lớn…

Vụ việc một học sinh lớp 5 ở TP.Biên Hòa bị một người lạ tự xưng là “trung tá công an” dụ dỗ tặng trà sữa miễn phí để học sinh này quay clip nhạy cảm gửi cho đối tượng vừa xảy ra đã dấy lên những lo ngại cho các phụ huynh về hiểm họa khi trẻ được sử dụng điện thoại tham gia mạng xã hội (MXH) nhưng thiếu sự kiểm soát của người lớn…

Không nên “thả nổi” cho trẻ sử dụng mạng xã hội mà thiếu sự kiểm soát, định hướng của người lớn. Trong ảnh: Nhóm học sinh một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa sử dụng điện thoại trước cổng trường sau giờ tan học. Ảnh: K.Liễu
Không nên “thả nổi” cho trẻ sử dụng mạng xã hội mà thiếu sự kiểm soát, định hướng của người lớn. Trong ảnh: Nhóm học sinh một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa sử dụng điện thoại trước cổng trường sau giờ tan học. Ảnh: K.Liễu

Bên cạnh những ý kiến đề nghị công an nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, nhiều bạn đọc cũng lên tiếng cảnh báo về hậu họa khôn lường nếu người lớn thiếu sự quan tâm định hướng cho trẻ khi tham gia vào môi trường mạng.

* Xử lý nghiêm đối tượng vi phạm

Thông tin về việc dụ dỗ học sinh quay clip nhạy cảm đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. đa số các ý kiến bày tỏ sự bất bình trước hành vi dụ dỗ trẻ em của đối tượng trên và đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm để làm gương. “Mong cơ quan công an nhanh chóng điều tra, làm rõ việc người phụ nữ trên dụ dỗ các em làm quay clip nhạy cảm để làm gì. Hành vi lạm dụng trẻ của người này cần được xử lý nghiêm để răn đe” - bà Nguyễn Thùy Trang (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đề xuất ý kiến.

Một số ý kiến nhận định, hành vi dụ dỗ học sinh quay clip nhạy cảm chắc chắn là có mục đích xấu. Trên thực tế, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra vụ việc dụ dỗ học sinh cho xem hình khỏa thân, rồi sử dụng hình này để khống chế, cưỡng ép trẻ quan hệ tình dục, cưỡng đoạt tài sản.

Cụ thể, ngày 13-4, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Khanh (24 tuổi, ngụ xã Đức Hạnh, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) 12 năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và 3 năm về tội cưỡng đoạt tài sản (tổng hình phạt 15 năm tù). Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, sau khi quen biết từ MXH, Khanh dụ dỗ bé M.T. (sinh năm 2007, ngụ H.Xuân Lộc) cho xem hình khỏa thân của bé và lưu lại vào điện thoại. Trong khoảng thời gian từ tháng
12-2019 đến tháng 7-2020, Khanh đã dùng hình khỏa thân của bé T. để khống chế, buộc bé T. cho quan hệ tình dục và yêu cầu bé T. đưa tài sản nhiều lần.

Bà Nguyễn Ngọc Nga (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho rằng:“Hành vi dụ dỗ trẻ em quay clip, chụp hình nhạy cảm trên MXH rất đáng lên án, xử lý, nghiêm khắc. Người lớn cần cảnh báo con em mình để không xảy ra các trường hợp tương tự bằng cách quan tâm, hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng phòng chống bị xâm hại, lạm dụng không chỉ ở ngoài đời thật mà còn ở trên môi trường mạng”.

* Bảo vệ trẻ trên môi trường mạng

Nhiều ý kiến cho rằng, các vụ việc nêu trên chính là hồi chuông cảnh báo đối với phụ huynh, nhất là những người cho con tiếp cận điện thoại thông minh quá sớm. Thực tế, có nhiều người chủ quan “thả nổi” để con thoải mái tham gia MXH mà không lường trước được những hiểm họa có thể xảy ra.

Các em còn nhỏ khó phát hiện được những ý đồ xấu, lại thích tò mò nên dễ bị kẻ xấu lôi cuốn, dụ dỗ… Đáng lo ngại là trên các trang MXH còn tồn tại nhiều clip phản cảm, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến các em, rất khó có thể kiểm soát hết bởi không gian mạng quá rộng lớn.

Do đó, đa phần các ý kiến cho rằng, cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng là cha mẹ, thầy cô hoặc những người gần gũi với trẻ nên quan tâm, chia sẻ, định hướng cho con em các kỹ năng cần thiết, tốt nhất đừng để các em sử dụng điện thoại thông minh hoặc các thiết bị số để truy cập vào MXH khi tuổi còn quá nhỏ. Chỉ nên cho trẻ tiếp cận nội dung trên YouTube, TikTok, Facebook, Zalo…  khi có sự giám sát, kiểm duyệt của người lớn.

Chia sẻ về kinh nghiệm bảo vệ con trong môi trường mạng, ông Trần Quang Điệu (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) cho hay, gia đình ông quy định giới hạn thời gian để con sử dụng smartphone truy cập mạng, chủ yếu lên mạng tìm kiếm các thông tin liên quan đến việc học, các thông tin giải trí có chọn lọc. Vợ chồng ông thường xuyên chia sẻ, cởi mở với các con về cách giao tiếp trên MXH. Qua đó, hướng dẫn con không kết bạn, không giao tiếp với người lạ trên mạng; không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại của mình và người thân cho ai, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ quen qua mạng; từ chối hò hẹn với những người quen trên mạng, dù là người cùng giới. Đặc biệt, không được cho người khác biết vị trí đang ở một mình, không nên để lộ tâm trạng cô đơn, buồn chán... để đối tượng xấu lợi dụng dụ dỗ.          

Kim Liễu


Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch:

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em

Sở GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường biện pháp tuyên truyền về phòng, chống xâm hại và lạm dụng học sinh. Theo đó, Sở chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền hỗ trợ, phòng ngừa, can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục bậc THCS, tiểu học và trẻ mầm non theo kế hoạch đã được Sở GD-ĐT ban hành triển khai cho giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, Sở cũng  yêu cầu các cơ sở giáo dục phải tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại, lạm dụng học sinh, hướng dẫn sử dụng MXH an toàn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong trường học; thực hiện nhắn tin hoặc thông qua buổi họp phụ huynh để nhắc nhở phụ huynh tăng cường bảo vệ môi trường sống an toàn cho học sinh ngay trong gia đình. Cảnh giác khi giao tiếp với người lạ qua tin nhắn, MXH, nhóm chat, chương trình hay trò chơi bí mật nhằm tránh bị lạm dụng, lợi dụng. Khi phát hiện bất thường ở trẻ, cần báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ.

Chị Lê Mỹ Chi, xã Sông Thao (H.Trảng Bom):

Tạo “lá chắn” để bảo vệ trẻ trong môi trường mạng

Mặt trái của MXH rất phức tạp với nhiều nguy cơ khó lường, nếu hình ảnh nhạy cảm của trẻ bị kẻ xấu đưa lên môi trường mạng sẽ gây ảnh hưởng lớn, lâu dài đến các em. Bị xâm hại ở ngoài đời đã khổ mà nếu bị xâm hại trên mạng còn khổ hơn gấp nhiều lần bởi những hình ảnh bị xâm hại khi đã bị đưa lên MXH sẽ còn mãi trên hệ thống số, trở thành nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời các em. Ngoài việc dạy các em cách phòng vệ, định hướng, nâng cao kỹ năng xử lý, nhận dạng tính chất hai mặt của internet, hơn ai hết người lớn phải là “lá chắn” để bảo vệ con em mình không để trẻ bị sa vào “cạm bẫy” của MXH.

TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM):

Cần có chiến lược định hướng cho trẻ các kỹ năng về sử dụng MXH

Nhiều báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra việc trẻ sử dụng MXH ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Tình trạng trẻ nghiện MXH hiện nay là có và đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các em.  Do nhận thức còn hạn chế nên các em rất dễ bị ảnh hưởng, nhận thức sai lệch về các vấn đề trên mạng, trong đó có các nội dung tiêu cực như: bạo lực, phim ảnh không lành mạnh… Từ đó rất dễ bị người xấu lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí bắt nạt để cung cấp các hình ảnh cá nhân như trường hợp các em học sinh lớp 5 ở TP.Biên Hòa mà báo chí phản ảnh gần đây.

Bên cạnh những tiện ích MXH mang lại thì MXH cũng tiềm ẩn những rủi ro, tiêu cực và mức độ ảnh hưởng tiêu cực có thể kéo dài. Vì vậy, người lớn cần có sự giám sát, không để trẻ tự do sử dụng MXH mà không có sự kiểm soát về nội dung. Để bảo vệ an toàn cho trẻ gia đình và nhà trường cần có chiến lược lâu dài trong việc định hướng cho học sinh các kỹ năng về sử dụng MXH sao cho an toàn, hiệu quả. Song song đó, cần tạo nhiều sân chơi lành mạnh, xây dựng môi trường sống thực tế phong phú.

Gia An (ghi)

Tin xem nhiều