Báo Đồng Nai điện tử
En

Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Phạm Thị Bích Huệ: Khi khủng hoảng, chủ doanh nghiệp trở thành điểm tựa cho nhân viên

11:04, 16/04/2021

Chị Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý và vận hành cảng quốc tế Long An kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam.

Doanh nhân Phạm Thị Bích Huệ. Ảnh: V.Thế
Doanh nhân Phạm Thị Bích Huệ. Ảnh: V.Thế

Chị Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý và vận hành cảng quốc tế Long An kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam.

Được đánh giá là “bông hồng thép” trong một ngành đặc thù vốn phù hợp hơn với nam giới, đằng  sau vẻ can trường, mạnh mẽ của một nữ CEO vẫn là những khoảng lặng, thậm chí phải đối mặt với thảm họa sống còn của doanh nghiệp (DN) tưởng chừng như không vực lại được.

Trước sóng cả, phải vững tay chèo

* Nhiều người đánh giá chị là một trong những nữ tướng thành công của ngành logistics. Công việc này đã gắn bó với chị bao lâu?

- Tôi có 20 năm theo đuổi và tham gia vào dịch vụ logistics. Hiện chúng tôi đang có nhiều trung tâm logistics từ Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An đến Bắc Ninh, Hà Nam. Ở mỗi giai đoạn, chúng tôi đều xây dựng chiến lược phát triển của mình dựa trên sự đoàn kết của đội ngũ nhân viên.

Với ngành logistics cũng như các lĩnh vực khác, để tiếp cận với tốc độ phát triển của thị trường, đòi hỏi quản lý phải mở rộng quy mô và hướng đến bền vững hóa DN nhằm dẫn đầu thị trường. Phát triển bền vững là đích đến cuối cùng mà mọi doanh nhân đều mong muốn khi bắt đầu vận hành DN của mình. Nhân sự phù hợp với DN, chiến lược khác biệt, và quản trị đặc thù là những điều mà người chủ cần nắm vững.

Kinh doanh là con đường đầy sóng gió và phải đánh đổi nhiều thứ để theo đuổi nghề, nghiệp của mình. Trước dịch Covid-19 bùng phát, chị đã từng lâm vào cú sốc, thậm chí là khủng hoảng theo cách tồi tệ nhất có thể nhưng rồi vẫn vực lại được. Chị đã làm điều đó ra sao?

- Đối mặt và giải quyết, đó là giải pháp duy nhất. Đúng vào cách đây 2 năm, DN chúng tôi lâm vào hoàn cảnh bi đát hơn ảnh hưởng của dịch bệnh rất nhiều. Kho bảo quản trữ hàng lớn 30 ngàn m2 cho đối tác của chúng tôi xảy ra hỏa hoạn làm hàng hóa bị thiêu rụi trị giá hơn 70 triệu USD. Lúc đó, tất cả khủng hoảng dồn đến. Nếu lựa chọn con đường doanh nhân, những khó khăn như dịch bệnh chỉ là một trong các vấn đề mà chúng ta buộc phải đối mặt, xử lý.

Một mặt, tay trái mình vẫn phải là trưởng ban xử lý khủng hoảng, tay phải là trưởng ban phát triển kinh doanh, phải phân thân ra để làm. Tôi đã mất 7 ngày để chỉ nghĩ là làm sao thoát được ra khỏi khủng hoảng để rồi tiếp tục gầy dựng lại.

* Đối mặt với khó khăn như vậy, cần có tâm thế ra sao?

- Khủng hoảng xảy ra, mình phải dẹp bỏ cái tôi để đối diện với nó.

Sau vụ cháy, ngay lập tức chúng tôi tổ chức họp báo để xin lỗi khách hàng, xin lỗi do chúng tôi đã làm cho chuỗi cung ứng hàng hóa của khách bị đình trệ. Bạn đối mặt và chấp nhận sự thật, vai trò của người đứng đầu là ngay thời điểm sống còn khi xảy ra khủng hoảng, đối diện sự thật, xử lý và trở thành điểm tựa cho đội ngũ nhân viên của DN mình. Nếu không giữ được lửa, niềm tin vào sự tồn tại ngay từ chính bản thân chủ DN thì hiệu ứng domino sẽ xảy ra và lúc đó rất khó để vãn hồi.

Tôi đối mặt với nó và nghĩ rằng, biết đâu khó khăn, biến cố này là sự sắp đặt để chúng tôi chuyển mình, để đón nhận những cơ hội khác vì trong nguy thường có cơ.

* Với cảm nhận chủ quan, chị có nhận xét gì về môi trường kinh doanh, khởi nghiệp ở Việt Nam, khu vực Đông Nam bộ hay cụ thể hơn là Đồng Nai, sự đóng góp của DN, nhất là đội ngũ doanh nhân trẻ?

- Rất tốt. Đồng Nai và các địa phương lân cận là khu vực tiềm năng cho DN, doanh nhân phát triển, định hình được sức mạnh của nền kinh tế đất nước. Thực tế đây là một trong 2 khu vực đầu tàu, đóng góp GDP và ngân sách lớn nhất cho đất nước.

Sản phẩm của hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai giới thiệu tại một sự kiện
Sản phẩm của hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai giới thiệu tại một sự kiện

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế thì việc DN, các tổ chức hội thành viên, hội ngành nghề liên kết lại với nhau để vượt qua khó khăn là điều rất cần thiết. Đơn cử như đối với Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, chúng tôi đánh giá đây là một tập thể rất năng động. Hội đã có nhiều chương trình kết nối hội viên, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và tổ chức được những cuộc đối thoại với lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành để tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thân thiện.

Nhà nước, doanh nghiệp cần phối hợp để nâng cao hiệu quả logistics

* Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu về dịch vụ logistics rõ ràng là rất lớn nhưng trình độ trên lĩnh vực này của chúng ta còn thấp so với thế giới. Theo chị, cần có sự tiếp cận về chính sách của Nhà nước đối với vấn đề này như thế nào?

- Chi phí cao kèm theo những hạn chế về chất lượng dịch vụ logistics xuất phát từ thực tế là phần lớn các DN Việt Nam hiện nay là DN nhỏ chỉ hoạt động manh mún ở từng công đoạn riêng lẻ như: vận chuyển, cho thuê kho hoặc đăng ký hải quan. Hệ thống hạ tầng hậu cần phục vụ logistics lại rời rạc, thiếu tính liên kết, khoảng cách từ các depot đến ICD, cảng biển quá xa, khiến gia tăng chi phí và thời gian lưu thông hàng hóa.

Muốn cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics, các cơ quan quản lý cần phối hợp trong việc quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hợp lý hơn để rút ngắn khoảng cách vận chuyển. Chính phủ cần có các chính sách để kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics. Cụ thể như ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp...

* Còn đối với DN, họ cần chú trọng điều gì?      

- Đổi mới và công nghệ hóa để theo kịp xu hướng thế giới. DN logistics cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, đào tạo chuỗi cung ứng logistics, tích hợp các dịch vụ logistics với các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực quản trị và chất lượng dịch vụ.

Cộng đồng DN cùng ngành nghề  phải tăng cường liên kết để tận dụng tốt mọi nguồn lực, thế mạnh của từng đơn vị để tạo ra môi trường bình đẳng cho phát triển, phát triển các dịch vụ trọn gói mới có thể cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng và khẳng định uy tín đối với khách hàng.

* Nhiều DN thời gian gần đây đã tiến mạnh ra thị trường phía Bắc, chị có thể nói rõ hơn về điều này?

- Chúng tôi đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và kinh doanh kết cầu hạ tầng Khu công nghiệp Yên Phong II-A, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và xây dựng Cụm cảng Yên Lệnh, Hà Nam.

Với riêng cụm cảng Yên Lệnh khi đi vào hoạt động sẽ là cụm cảng phức hợp, cung cấp các dịch vụ logistics trọn gói, phục vụ nhu cầu giao nhận, xếp dỡ, lưu kho và phân phối hàng hóa, thông quan hàng hóa nội địa và xuất, nhập khẩu; là đầu mối giao thông, giao nhận vận tải đa phương thức quan trọng của khu vực.

Hy vọng các đối tác, khách hàng sẽ tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các dự án mới của chúng tôi như suốt bao năm qua.

Xin cảm ơn chị!

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều