Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nén hương lòng về mẹ và quê hương

08:04, 16/04/2021

Anh Dương Bá Thông là cán bộ của Nhà thiếu nhi Đồng Nai. Duyên nợ đã đưa anh đến nghề phụ trách Đội - một kênh cùng với gia đình, nhà trường, dìu dắt và rèn luyện lứa tuổi măng non từng bước trưởng thành.

Anh Dương Bá Thông là cán bộ của Nhà thiếu nhi Đồng Nai. Duyên nợ đã đưa anh đến nghề phụ trách Đội - một kênh cùng với gia đình, nhà trường, dìu dắt và rèn luyện lứa tuổi măng non từng bước trưởng thành. Người thực lòng chăm trẻ, vui chơi với trẻ ắt có tâm hồn thánh thiện, trong trẻo. Sinh ra ở vùng đất ắp đầy phù sa cổ Long Thành, tuổi thơ lớn lên cùng ngọn gió đồng, hương lúa, bắp, hương sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, chan hòa với thiên nhiên, bên gia đình đầm ấm và hạnh phúc, tâm hồn Dương Bá Thông đầy ắp yêu thương, thánh thiện. Và chúng ta có trên tay tập thơ Mẹ và Miền xa vắng (NXB Hội Nhà văn 2021) - tập thơ đầu tay của anh.

Anh Dương Bá Thông tâm sự: “Mẹ là nỗi nhớ luôn thảng thốt, ắp đầy trong tôi. Từ ngày mẹ mất đi, không lúc nào tôi nguôi thương nhớ mẹ, một phần đời của tôi đã ở bên mẹ. Tập thơ này là những nỗi niềm tôi muốn dâng lên mẹ, để mẹ luôn ở bên tôi đến suốt đời”.

Tràn ngập và hòa quyện trong tập thơ là tình cảm, tình yêu của tác giả với mẹ và quê hương. Câu đề từ: “Con về thăm lại quê xưa/ Còn đây khúc hát giữa mùa yêu thương” giới thiệu, gợi mở và dẫn dắt cảm xúc của người đọc. Khúc hát ấy lần theo tái hiện những hình ảnh, kỷ niệm về người mẹ kính yêu. Đó là những kỷ niệm ấm áp về mẹ, về thời nghèo khó, đơn sơ, đạm bạc mà đầm ấm tình mẹ con, làng xóm: “Vài con cá sặc kho nước mắm/ Mẹ nấu cơm chiều cho các con/ Gạo cũ mẹ vo nước thứ ba/ Cơm khô hương níu vị đậm đà/ Bần thần gạo trắng đêm giáp hạt/ Đợi hết đông tàn lúa tháng ba”; “Mẹ ngồi gói bánh bên gian bếp/ Chờ rước ông bà đêm ba mươi”; “Mẹ làm cá lóc nướng trui/ Khói thơm rơm rạ bồi hồi vấn vương”; “Mẹ ngồi vá áo cho con/ Mũi đơn mũi kép, áo sờn nâng niu”...

Không gian của gia đình là không gian mẹ, tràn ngập hình bóng mẹ, chạm mắt vào đâu cũng gặp mẹ, nhớ về mẹ đến cắt cứa, đớn đau: “Đong đưa chiếc võng ta nằm/ Yêu thương ngày cũ âm thầm khó quên/ Chiều đông dừng bước qua thềm/ Đâu đây tiếng hát ru mềm, mẹ tôi...” (Chiếc võng cũ).

Hạnh phúc là có một tuổi thơ bên mẹ: “Sống vô lo chẳng biết u sầu/ Thả ước mơ vào cánh diều bay bổng/ Chiều hôm khúc khích bên cầu/ Lấm bùn đất bên sông cất vó”. Có bên cha mẹ mới có những thời khắc bình yên thư thái thần tiên: “Dõi xem chim hót chuyền cành/ Bình yên nghe gió ru lành giấc ngoan”.

Tình thương cha mẹ theo con đi suốt cuộc đời. Ngay cả khi chúng ta đã lớn, đã trưởng thành, người lo lắng, bao bọc, chăm sóc (về tinh thần) cho chúng ta nhiều nhất vẫn là cha mẹ: “Bão xa, gió đã gần rồi/ Nơi quê cha mẹ đứng ngồi không yên/ Đời viễn xứ kiếp tha phương/ Chén cơm manh áo dặm trường thân con”.

Cha mẹ mất rồi, khoảng trống vắng ấy khôn cùng và mãi mãi: “Mẹ về bên ấy xa xôi/ Trần gian con trẻ lẻ loi một mình/ Đường đời lắm nỗi gian truân/ Hoàng hôn dần xuống trầm luân
kiếp người...”.

Phần 2 của tập thơ lấy tên là “Miền xa vắng” nhắc nhớ nhiều về quê hương: “Nồng nàn mùi rơm rạ. Khói lam chiều gợi nhớ...” nhưng suốt cả phần thơ vẫn thấp thoáng hình bóng mẹ: “Gió chiều con nước hiu hiu/ Xa xa quang gánh liêu xiêu dáng người (Chiều quê). “Đồng chiều dáng mẹ xa xa/ Khói thơm rơm rạ là là mắt cay (Dáng mẹ). Quê hương chính là mẹ và những người thân yêu nhất. Cảm giác bơ vơ trên quê hương khi không còn mẹ, không còn người thân yêu nhất: “Nơi đâu đó có người con xa xứ/ Mẹ có còn mỏi mắt đứng trông/ Căn nhà cũ đâu còn người trông đợi/ Còn gì nữa đâu mà vội.../ Nước mưa lăn dài trên má/ Lẫn một dòng nước mắt tuôn rơi...”.

Thời gian đi từng bước lon ton tuổi thơ trên quê hương bên mẹ. Thuở ấy hoa cỏ, nắng gió đều bừng hương, nao nức: “Hạt nắng trên vai mẹ/ Vui ca suốt cả ngày/ Nắng ôm hôn tóc mẹ/ Thơm thơm mùi cỏ hoa/ Mẹ đưa nắng đi học/ Vui vui em đến trường” (Hạt nắng).

Quê hương là không gian sống, không gian lớn lên của tuổi thơ. Những kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào, dung dị mà đằm thắm: “Trời cao trong xanh/ Cánh diều no gió/ Đôi bạn nhỏ cười khúc khích/ Tan trường nhảy chân sáo đường đê/ Quà tặng nhau là chú dế, trái nhãn lồng thơm mùi mật ngọt/ Ô cửa nhỏ nhà bên chưa bao giờ khép/ Đôi mắt xoe tròn nhìn trộm học bài khuya...”

Miền quê Long Thành thấm đẫm trong từng nhịp đập trái tim tác giả: “Trên cây mận quả hồng hồng chen lá/ Về đi em có vườn rau của má/ Lá xanh non ôm ấp bữa cơm chiều/ Cơm gạo mùa thơm biết bao nhiêu/ Vài con cá ba làm đồng bắt vội” (Về đi em).

Anh Dương Bá Thông không có ý định làm nghệ thuật nhưng hơn 60 bài thơ trong tập thơ đầu tay của anh chính là tiếng lòng chân chất cất thành lời, thành ngôn ngữ văn chương và nhiều bài đã chạm tới cái thảng thốt, sâu xa của ý tứ, trau chuốt của nghệ thuật ngôn từ: “Trăm năm ru giấc ngủ ngoan/ Đong đưa nhịp võng mãi còn tiếng ru/ Mơ màng một kiếp phù du/ Lắng nghe trong cõi nghìn thu vọng về...” (Giấc ngoan).

Xin chúc mừng tác giả với tập thơ nhiều đằm thắm, đậm đà - những nén hương lòng kính cẩn dâng lên hương hồn Mẹ kính yêu và quê hương yêu dấu.                

Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều