Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngỡ ngàng bưởi đỏ "tiến vua"

03:04, 09/04/2021

Biết tôi đến từ xứ bưởi Biên Hòa, ông Nguyễn Ngọc Hải, 68 tuổi, chủ một vườn bưởi đỏ bên bờ sông Mã ngay trong làng cổ Luận Văn (nay là thôn Luận Văn, xã Thọ Xương, H.Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) tỏ ra rất hào hứng.

Biết tôi đến từ xứ bưởi Biên Hòa, ông Nguyễn Ngọc Hải, 68 tuổi, chủ một vườn bưởi đỏ bên bờ sông Mã ngay trong làng cổ Luận Văn (nay là thôn Luận Văn, xã Thọ Xương, H.Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) tỏ ra rất hào hứng.

Ông Nguyễn Ngọc Hải bên vườn bưởi đỏ  ở xã Thọ Vương (H.Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)
Ông Nguyễn Ngọc Hải bên vườn bưởi đỏ ở xã Thọ Vương (H.Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)

Là người dân chính gốc Luận Văn và đã từng vào Nam chiến đấu trên vùng đất miền Đông Nam bộ nên ông khá rành về bưởi Biên Hòa, cụ thể là bưởi Tân Triều. ông còn biết nhiều về bưởi Năm Roi, bưởi Rubi Thái, nhất là bưởi da xanh ruột hồng đang phát triển mạnh ở các tỉnh phía Nam.

* Giống bưởi được chọn trồng bên lăng Bác

Ông Hải rất vui và không giấu sự tự hào khi nói và đưa tôi đi thăm vườn bưởi chỉ 0,65ha đất trồng đúng 150 cây bưởi đỏ đã được 4 năm tuổi của gia đình ông. Vườn bưởi không sai trái lắm vì đã có đợt thu hoạch trái vụ vào tháng 6, số bưởi còn lại trên cây là bưởi có màu vỏ đã chuyển sang vàng.

Với vỏ bưởi màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc; lại chín tỏa mùi hương thơm ngát vào dịp Tết Nguyên đán, bưởi Luận Văn còn có thêm giá trị tâm linh được dùng chưng cúng trên bệ thờ gia tiên, bưởi tiến vua ngày nào giờ đã “lên ngôi” và trở thành “vua của các loại bưởi”.

Ông Hải cho biết, bưởi Luận Văn có đặc điểm là ra hoa vào tháng Giêng, đến tháng 9-10 âm lịch thì bưởi bắt đầu chín, vỏ từ màu xanh chuyển qua vàng và từ tháng 11 kéo dài đến Tết Nguyên đán, từ vàng chuyển sang màu đỏ gấc và dậy mùi thơm. Nhờ đặc điểm này mà vào thời Hậu Lê, bưởi Luận Văn là vật phẩm được tiến vua vào mỗi dịp Tết tại cố đô Lam Kinh. Năm 1979, đã có 4 cây bưởi Luận Văn được mang ra Hà Nội trồng bên lăng Bác Hồ.

Không chỉ ông Hải mà nhiều người lớn tuổi khác ở Thọ Xương đều không biết cây bưởi Luận Văn có từ bao giờ. Các nhà nghiên cứu căn cứ vào việc loại bưởi đỏ có hương thơm được tiến vua vào thời Hậu Lê nên đoán định là nó có mặt ở xứ Thanh vào đầu thế kỷ XV. Và chắc là loại sản vật độc đáo, quý hiếm này cũng từng được nâng niu, phát triển trên đất Thọ Xương.

Nhưng trải qua hai cuộc chiến tranh và một thời hậu chiến gian nan, nghèo đói, cây bưởi tiến vua gần như bị lãng quên.  Vào những năm 1960 của thế kỷ XX, xã Thọ Xương có xây dựng một vườn bưởi đỏ tập trung giao cho các phụ lão xã quản lý, chăm sóc. Cũng chỉ được một thời gian, khu vườn rộng đến 2ha chỉ còn lèo tèo vài gốc bưởi đang đi dần vào thế suy thoái. Năng suất đã thấp mà chất lượng lại cũng kém thơm ngon.

Thực hiện Chương trình khôi phục và phát triển cây ăn quả đặc sản của tỉnh Thanh Hóa, UBND H.Thọ Xuân kết hợp cùng Sở Khoa học công nghệ, Viện Nghiên cứu rau quả của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam về làng Luận Văn tập trung tìm hiểu về giống bưởi đỏ độc đáo này. Qua đó, đã phát hiện ra 2 cây bưởi đỏ đầu dòng còn lưu giữ được trong vườn nhà cụ Nguyễn Văn Khãm. 4 trái bưởi đạt chuẩn và 10 nhánh bưởi giống được đưa ra Hà Nội để thực hiện việc nhân giống.

Lứa bưởi Luận Văn đầu tiên ra đời bằng kỹ thuât cấy mô (FO) chỉ có 37 cây, nhưng đã mở ra một tương lai rất lớn cho Thọ Xuân một giống bưởi đặc sản tưởng chừng như đã thất truyền. Cả H.Thọ Xuân cùng xã Thọ Xương cùng xắn tay vào dự án khôi phục và phát triển bưởi Luận Văn.

* Nhân rộng loài bưởi quý           

Được hỗ trợ xây nhà lưới ươm cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp vật tư, phân bón…, một số nông dân canh tác mía, lúa năng suất kém hưởng ứng việc chuyển sang trồng bưởi. Ông Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí ô tô Hải Đăng trồng 8ha bưởi đỏ được áp dụng kỹ thuật ghép mắt cây chín sớm với cây chín muộn để cho ra loại cây chín vào đúng dịp Tết, đồng thời sử dụng biện pháp trồng xen ổi Đài Loan có tác dụng xua đuổi rầy phá hoại bưởi và nuôi trùn quế lấy phân bón cho bưởi… rất thành công, nên ông tiếp tục đầu tư trồng thêm 5ha bưởi Luận Văn.

Hiện nay, gần như cả trên 300 hộ ở thôn Luận Văn nhà nào cũng có trồng bưởi, chí ít là vài ba cây. Riêng đồi Văn Chỉ, được xem là trung tâm của làng bưởi Luận Văn, thì phủ kín bởi một rừng bưởi.

Để đáp ứng nhu cầu chưng bưởi đỏ trong ngày Tết, làm quà tặng..., một số công ty thương mại đã làm đầu mối cung cấp, mở chi nhánh ra các tỉnh phía Bắc và TP.HCM hoạt động kinh doanh khá “rôm rả”. Đáng nói là sau khi bưởi đỏ Luận Văn hồi phục và được người tiêu dùng ưa chuộng, thì trên thị trường lại xuất hiện thêm mấy loại… bưởi đỏ. Trong đó, đáng chú ý có bưởi đỏ Tân Lạc (còn gọi là bưởi đào Tân Lạc) gốc gác Ba Vì, mới được phục tráng trồng trên đất mới Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) đạt năng suất rất cao, bình quân 300 quả/cây (gấp 5-6 lần bưởi Luận Văn) nhưng vỏ chín màu vàng, chỉ có ruột màu đỏ hồng. Đặc biệt còn có bưởi đỏ Phúc Kiến có đặc điểm trái to, có vỏ màu đỏ hồng ruột đỏ sẫm, ít hạt, ngọt giòn, nhưng không có mùi thơm như bưởi Luận Văn.

Cũng trong thời điểm bưởi đỏ Luận Văn hồi sinh và đang trên đà phát triển; ngoài những giống bưởi nội địa có tiếng lâu nay như: bưởi Diễn, Đoan Hùng, Phúc Trạch… còn xuất hiện thêm các giống bưởi mới như: bưởi Đào Chuyên, bưởi Quế Dương, bưởi Lã Hoàng, bưởi Bằng Luân, bưởi Sửu Chí Đàm... đặc biệt là bưởi Vàng, cũng chín vào dịp Tết, từ vỏ đến ruột đều một màu vàng cam. Thế nhưng, bưởi đỏ Luận Văn vẫn có giá trị riêng của mình và đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Các chuyên gia cho rằng sở dĩ bưởi Luận Văn có màu đỏ đặc trưng từ vỏ đến ruột và có vị ngọt nhẹ, chua thanh là do hàm lượng caroten cao; nhờ được trồng trên đất có điều kiện thổ nhưỡng đặc thù là “đất đỏ vàng trên đá sét, đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng.”   

Bùi Thuận

Tin xem nhiều