Báo Đồng Nai điện tử
En

Muốn có "món ăn" sáng tạo, doanh nghiệp cần xác định "nguyên liệu" cốt lõi để chế biến

11:04, 25/04/2021

Bà Trương Lý Hoàng Phi là một chuyên gia về đổi mới sáng tạo. Bà hiện là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Công ty CP Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp IBP (TP.HCM), nhà sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM.

Bà Trương Lý Hoàng Phi là một chuyên gia về đổi mới sáng tạo. Bà hiện là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Công ty CP Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp IBP (TP.HCM), nhà sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM.

Bà Trương Lý Hoàng Phi
Bà Trương Lý Hoàng Phi

Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, bà Hoàng Phi đã trải qua nhiều vai trò như: xây dựng hệ sinh thái, vận hành tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; đầu tư cá nhân, thành lập và vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng; cố vấn, đầu tư cho nhiều dự án đổi mới sáng tạo của Việt Nam và quốc tế. Bà từng được biết với vai trò là một nữ “cá mập” (shark) trong chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank).

* Trong “nguy” luôn có “cơ”

* Thưa bà, những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 trong hơn 1 năm qua đã tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng? Vậy theo bà, trong bối cảnh “tiền vaccine” như hiện nay, các start-up, doanh nghiệp trẻ cần chuẩn bị những gì để tìm cách vượt qua khó khăn, thách thức?

- Covid-19 là đại dịch ảnh hưởng toàn cầu, có nhiều mức độ khác nhau nhưng nói chung Việt Nam đang chịu những ảnh hưởng lớn. Mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp đều phải chuẩn bị trước những kịch bản, những kế hoạch ứng phó rủi ro.

Trong “nguy” luôn có “cơ”, giai đoạn dịch Covid-19 cũng là thời điểm để các start-up, doanh nghiệp tự nhìn nhận lại “trong nhà mình thực sự có gì?”, đánh giá nội tại của doanh nghiệp có những “tài sản”, giá trị nào là thực chất. để từ đó, các chủ doanh nghiệp, start-up sẽ trở về đúng giá trị thật của mình, đánh giá đúng bản chất và quy mô của doanh nghiệp mình để tìm đường vượt qua những khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Có thể ví các chủ doanh nghiệp, start-up như là các “đầu bếp”; nội tại về nhân lực, nguồn vốn, thiết bị, công nghệ… của doanh nghiệp hiện nay là các loại “nguyên liệu” còn lại sau khi “cơn lũ” Covid-19 tạm đi qua. Nhiệm vụ trước mắt của các “đầu bếp” này là cần xem lại trong “tủ lạnh” của doanh nghiệp mình còn lại những loại “nguyên liệu” nào để có thể sáng tạo, chế biến ra các “món ăn” là những sản phẩm, dịch vụ.

Các “món ăn” này phải đủ “ngon”, “hợp khẩu vị” mới đáp ứng được xu thế, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời tạo nên sự khác biệt trong bối cảnh “bình thường mới” và xu thế hội nhập như hiện nay.

* “Nguyên liệu” nào là quan trọng nhất đối với các “đầu bếp” nói trên?

- Theo tôi, “nguyên liệu” cốt lõi nhất là các thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Trước đây, khi nhắc đến giá trị lõi thì các doanh nghiệp thường sẽ trả lời một cách chung chung, thì nay trước những khó khăn, thử thách từ dịch bệnh, các doanh nghiệp cần có câu trả lời cụ thể về giá trị cốt lõi, thế mạnh cạnh tranh của mình. Có như vậy mới có thể định hướng, xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, “đúng và trúng” với xu thế của thị trường.

Bà Trương Lý Hoàng Phi trao đổi, chia sẻ thông tin với các doanh nhân trẻ của Đồng Nai bên lề tọa đàm Khởi nghiệp trong giai đoạn “tiền vaccine” do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai và Tỉnh đoàn Đồng Nai tổ chức vào đầu tháng 4-2021. Ảnh: H.Quân
Bà Trương Lý Hoàng Phi trao đổi, chia sẻ thông tin với các doanh nhân trẻ của Đồng Nai bên lề tọa đàm Khởi nghiệp trong giai đoạn “tiền vaccine” do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai và Tỉnh đoàn Đồng Nai tổ chức vào đầu tháng 4-2021. Ảnh: H.Quân

Như tôi đã nói ở trên, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp, start-up cần tĩnh tâm để tập trung nguồn lực tìm kiếm, phát huy nội tại của doanh nghiệp. Trong đó, phải xác định hướng vực dậy doanh nghiệp, tạo sự đổi mới, đột phá theo hướng nào. Đồng thời, phải xác định rõ yếu tố nền tảng mà doanh nghiệp cần tạo ra đột biến nhất, có thể đột biến bằng công nghệ, đột biến bằng thị trường hay dịch vụ mới… tùy thuộc vào thế mạnh và tiềm lực của doanh nghiệp. Chỉ khi tự trả lời câu hỏi về giá trị lõi đó, doanh nghiệp mới có thể định hướng và xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, hay thay đổi mô hình hoạt động dựa trên những yếu tố nền tảng, thế mạnh của doanh nghiệp.

Hơn thế nữa, lửa thử vàng, gian nan thử sức, chính trong giai đoạn với nhiều khó khăn này, các nhà đầu tư sẽ có điều kiện đánh giá đúng thực lực, tiềm năng của doanh nghiệp, start-up.

Do vậy, để thu hút đầu tư, người đồng hành thì các doanh nghiệp, nhất là các start-up hơn lúc nào hết cần phải xác định rõ mục tiêu, thế mạnh và real value (giá trị thật) của mình mới có thể có thêm điểm cộng, tranh thủ được nhiều sự hỗ trợ, đồng hành từ phía các nhà đầu tư tiềm năng.

* Công nghệ là công cụ hữu hiệu, nhưng đừng để bị công nghệ dẫn dắt

* Trong giai đoạn này, tầm quan trọng của yếu tố công nghệ đối với các start-up, doanh nghiệp được thể hiện ra sao?

- Dịch Covid-19 còn mở ra gợi ý về các kênh tiếp cận khách hàng, cũng như là dịp để các doanh nghiệp, start-up phân tích kỹ hơn những việc cần làm trong xu hướng công nghệ, chuyển đổi số ngày càng phát triển.

Yếu tố công nghệ là công cụ, phương tiện giúp sức để doanh nghiệp đi nhanh hơn trong quá trình hướng đến mục tiêu phục hồi, phát triển hay tái khởi nghiệp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp, start-up quá lạm dụng, bị dẫn dắt bởi công nghệ mà trước hết các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp phải xác định được chiến lược kinh doanh, tái khởi nghiệp, định vị về thế mạnh, lộ trình phát triển cụ thể, rõ ràng rồi từ đó mới chọn phương tiện, công cụ, công nghệ nào phù hợp để áp dụng và triển khai.

* Dịch Covid-19 đã tác động tới xu thế đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp như thế nào?

- Chưa bao giờ yếu tố đổi mới sáng tạo lại được nâng tầm như hiện nay. Có thể, cụm từ “đổi mới sáng tạo” chưa chắc đã được nhiều doanh nghiệp hiểu đúng về ý nghĩa của nó, nhưng ít nhất, trong bối cảnh thị trường chịu nhiều khó khăn, thách thức vì Covid-19, mỗi doanh nghiệp đã ý thức hơn về đổi mới sáng tạo.

Trong hoàn cảnh khó khăn, mỗi doanh nghiệp đều sẽ “thử nghiệm” nhiều giải pháp vì sự sống còn để tồn tại và cạnh tranh. Điều này thúc đẩy mỗi start-up tích cực tìm kiếm nhiều kênh giao tiếp để tiếp cận, giữ mối liên hệ với khách hàng. Doanh nghiệp muốn tăng trưởng đột biến thì không thể nào chỉ dựa trên cách làm cũ.

Dịch Covid-19 đã buộc doanh nghiệp vốn chậm thay đổi, ít muốn thay đổi trước kia phải đổi mới sáng tạo hay nói đúng hơn là “phải làm khác đi”, nếu không sẽ bị chậm lại phía sau và mất dần sức cạnh tranh.

* Nhiều doanh nghiệp nhắc về chuyển đổi số, nhưng khi vận dụng vào thực tế thì lại gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn bị áp lực bởi quan điểm “chuyển đổi số sẽ tốn nhiều chi phí nhưng lợi ích thì chưa biết đem lại tới đâu”. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

- Trên thực tế có trường hợp doanh nghiệp hoang mang, bị áp lực bởi những quan điểm như trên. Do đó, để doanh nghiệp cảm thấy có động lực hơn, thấy được hiệu quả nhiều hơn trong quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp, start-up cần xác định được đích đến phù hợp và đánh giá chuyển đổi số sẽ giúp ích cho doanh nghiệp về mặt nào: chi phí, vận hành hay làm thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh của doanh nghiệp...

* Xin cảm ơn bà!

Hải Quân (thực hiện)

Tin xem nhiều