Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển vùng dược liệu quý ở Đồng Nai

07:03, 27/03/2021

Với hơn 130 ngàn cây đang phát triển, trung bình mỗi năm nhân thành công khoảng 50 ngàn cây giống, ông Nguyễn Văn Khôn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ (xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) đang sở hữu vườn dược liệu xáo tam phân lớn nhất cả nước.

Với hơn 130 ngàn cây đang phát triển, trung bình mỗi năm nhân thành công khoảng 50 ngàn cây giống, ông Nguyễn Văn Khôn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ (xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) đang sở hữu vườn dược liệu xáo tam phân lớn nhất cả nước.

Ông Nguyễn Văn Khôn (trái), Giám đốc Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ (H.Trảng Bom) chia sẻ kỹ thuật cắt giâm cành cây xáo tam phân
Ông Nguyễn Văn Khôn (trái), Giám đốc Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ (H.Trảng Bom) chia sẻ kỹ thuật cắt giâm cành cây xáo tam phân

Ngoài số lượng cây nói trên, ông Khôn còn hợp tác với nông dân ở H.Thống Nhất, H.Cẩm Mỹ cung ứng giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho loại cây trồng này với diện tích gần 3ha.

* “Bí mật” trồng dược liệu

Ông Khôn gắn bó với cây xáo tam phân từ năm 2012, nhưng phải đến 6 năm sau, khi tiến hành làm các thủ tục liên quan đến kiểm định chất lượng, định danh, định tính, xác định giá trị, thành lập công ty thì người dân địa phương và chính quyền mới biết. 

Theo Viện Dược liệu Việt Nam, xáo tam phân là cây tự nhiên, phân bố ở vùng đồi núi khô hạn. Trong cây có các nhóm chất quý hiếm như: flavonoid, saponin, alcaoid và courmarin và triterpenoid. Kết quả làm thí nghiệm trên chuột cho thấy cây xáo tam phân có thành phần có tác dụng ức chế viêm gan cấp, ức chế tế bào ung thư: gan, đại tràng, vú, buồng trứng và cổ tử cung.

Theo ông Khôn, trước năm 2010, rất nhiều người lùng sục khắp nơi tìm mua cây xáo tam phân bán cho các nhà thuốc nam, cơ sở bào chế thảo dược trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước nguy cơ tuyệt chủng của loại cây này, nhiều người bỏ tiền tỷ mua giống về trồng nhưng thất bại do loại cây này khó nhân giống và rất kén đất. Sau khi được một người thân trong gia đình chia sẻ thông tin, ông Khôn quyết định bỏ việc nhà nước tại TP.HCM để chuyên tâm trồng cây xáo tam phân. “Lúc đó tôi chỉ mong làm sao cây sống được trên đất mình. Đến khi cây sống rồi tôi lại lo bị kẻ xấu tìm cách phá” - ông Khôn nhớ lại.

Cũng chính vì sợ kẻ xấu phá vườn, ông khôn phải di chuyển toàn bộ cây được trồng trong vườn ven quốc lộ 1 vào ấp Hưng Bình để tiện chăm sóc và trông coi. Thấy cây sinh trưởng được, ông Khôn mạnh dạn lái ô tô tải ra tận Khánh Hòa và di chuyển 1,4 ngàn cây giống về Đồng Nai trồng.

Trong suốt thời gian chờ ngày thu hoạch, ông Khôn chạy xe tải kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thời gian rảnh rỗi, ông Khôn tập nhân giống cây xáo tam phân bằng phương pháp giâm cành vô tính. Ông Khôn lựa những cây to đẹp nhất vườn đưa về khu riêng biệt, hạn chế sử sụng phân bón, thuốc trừ sâu và chỉ phục vụ mục đích nhân giống chứ không khai thác lá, thân, rễ. Số lượng cây trong vườn tăng lên 15 ngàn, 20 ngàn rồi 50 ngàn cây.

Vườn xáo tam phân đang tươi tốt bỗng lá vàng, thân héo, rễ thối từng khoảnh. Gần 10 ngàn cây xáo tam phân bị chết. Nghi ngờ cây bị nhiễm bệnh, ông Khôn lấy mẫu đất, nước, lá đưa đi kiểm nghiệm ở Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, kết quả do phân bón kém chất lượng, thành phần một số chất vượt ngưỡng. Sau lần đó, ông Khôn không mua phân bón trên thị trường mà ký hợp đồng trực tiếp với công ty sản xuất phân bón để sử dụng một loại phân.

Hiện tại, trên diện tích hơn 4,6ha đất của gia đình, ông Khôn phát triển được hơn 130 ngàn cây xáo tam phân. Trong đó, vườn cây lớn tuổi nhất đã bước sang năm thứ 8, gần 1/2 diện tích vườn đang cho thu hoạch lá. Không chỉ cung ứng giống, kỹ thuật, bao tiêu đầu ra, ông Khôn còn là cổ đông, được chia lợi nhuận trên các vườn cây này. “Trang trại của tôi hiện dẫn đầu cả nước về số lượng cây, số lượng cây lâu năm, số lượng cây nhân giống hằng năm” - ông Khôn chia sẻ.

* Chuẩn hóa vùng dược liệu

Ông Khôn cho rằng, hiện nay có nhiều người trồng cây xáo tam phân nhưng làm theo quy trình khép kín từ nhân giống, trồng, chế biến ra rất ít sản phẩm. Nhiều đơn vị đặt vấn đề mua giống để trồng nhưng ông không bán mà ưu tiên giống cây cho nông dân hợp tác trồng, tiêu thụ sản phẩm với công ty. “Mỗi năm tôi phát triển khoảng 50 ngàn cây giống, riêng chặt cành giâm bán cũng có tiền. Nhưng nhân giống ồ ạt sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cành giâm, làm suy kiệt cây giống. Tôi bán giống cho nông dân chỉ 50 ngàn đồng/cây, bằng 1/10 so với thời điểm mua năm 2012” - ông Khôn chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Khôn giới thiệu sản phẩm trà túi lọc từ cây dược liệu xáo tam phân
Ông Nguyễn Văn Khôn giới thiệu sản phẩm trà túi lọc từ cây dược liệu xáo tam phân

Giữa năm 2020, sản phẩm trà túi lọc xáo tam phân được ông Khôn đưa đi chào hàng ở các siêu thị, nhà thuốc, khu du lịch, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hội Nông dân tỉnh và được thị trường đón nhận khá tốt. Một số đơn vị yêu cầu hợp tác tiêu thụ nguyên liệu, chế tạo sản phẩm nhưng ông từ chối bởi vườn cây khai thác hiện mới khoảng 4ha, công suất chế biến của nhà máy mới khoảng 9 tấn sản phẩm tươi/tháng. Bên cạnh đó, ông cũng đang hợp tác với Trung tâm Sâm và dược liệu TP.HCM (thuộc Viện Dược liệu Việt Nam, Bộ Y tế) phát triển dòng sản phẩm cao xáo tam phân, với Trường đại học Y dược TP.HCM chiết xuất dược liệu bào chế viên nén.

Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Khôn là người trồng và phát triển cây xáo tam phân theo quy mô trang trại lớn nhất hiện nay. Theo ông Khôn, nếu chăm sóc tốt, sau khoảng 3 năm có thể thu hoạch lá, khoảng 6 năm được thu hoạch thân, rễ. Hiện mỗi ký thân và lá xáo tam phân khô có giá trên 500 ngàn đồng, rễ có giá từ 3-10 triệu đồng, tùy theo hàm lượng giá trị các chất được kiểm định. Thu nhập bình quân đạt khoảng 500 triệu đồng/năm.

“Các sản phẩm trà túi lọc đang trong quá trình làm chứng nhận chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) địa phương. Việc phát triển các dòng sản phẩm mới như: cao, viên nén vẫn đang được tiến hành. Khi các vườn cây khai thác đại trà chúng tôi sẽ bắt tay làm ngay. Công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân để làm nguyên liệu chế biến. Cách này vừa nâng cao giá trị cây trồng, hiệu quả kinh tế của sản phẩm vừa kiểm soát được lượng” -  ông Khôn nói.

Chia sẻ về định hướng sắp tới, ông Khôn cho rằng, sẽ tiếp tục phát triển vùng dược liệu trên cơ sở liên kết với người nông dân tại Đồng Nai và một số tỉnh miền Trung. Mục tiêu của ông là đến năm 2025 đạt khoảng 25ha. Công ty sẽ cung cấp cây giống, hỗ trợ quy trình, kiểm soát chất lượng trước thu hoạch. Phát triển các sản phẩm mới từ cây xáo tam phân. Cùng với đó, ưu tiên khai thác lá từ năm thứ 3 thay vì chờ đến năm thứ 6 mới khai thác toàn diện (cành, rễ) để tăng thu nhập cho nông dân, tăng chất lượng rễ. Kết hợp với Trường đại học Công nghệ Miền Đông (H.Thống Nhất) hoàn thiện đề án Xây dựng chuẩn hóa vùng dược liệu xáo tam phân tại H.Trảng Bom.

“Điều tôi trăn trở là sản phẩm trôi nổi khá nhiều. Một số đối tượng vì lợi nhuận thổi phồng giá trị của cây xáo tam phân khiến thị trường nhiễu loạn. Một số đơn vị, doanh nghiệp đề xuất hợp tác không được, quay lại cạnh tranh không lành mạnh như: thu mua nguyên liệu của nông dân với giá cao hơn giá công ty” - ông Khôn tâm sự.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều