Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn ngừa thông tin xấu, độc trên mạng xã hội

11:03, 19/03/2021

Thời gian qua, cơ quan chức năng của nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai đã làm việc và xử phạt hành chính đối với nhiều chủ tài khoản trên các kênh, trang mạng xã hội (MXH) do sản xuất, đăng tải các thông tin xấu, độc có nội dung nhảm nhí, bịa đặt, vi phạm thuần phong mỹ tục, lan truyền mê tín dị đoan...

Thời gian qua, cơ quan chức năng của nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai đã làm việc và xử phạt hành chính đối với nhiều chủ tài khoản trên các kênh, trang mạng xã hội (MXH) do sản xuất, đăng tải các thông tin xấu, độc có nội dung nhảm nhí, bịa đặt, vi phạm thuần phong mỹ tục, lan truyền mê tín dị đoan...

Clip Xin vía học giỏi trên kênh TikTok của youtuber Thơ Nguyễn bị cộng đồng mạng “tẩy chay”. Ảnh chụp màn hình
Clip Xin vía học giỏi trên kênh TikTok của youtuber Thơ Nguyễn bị cộng đồng mạng “tẩy chay”. Ảnh chụp màn hình

Dư luận rất đồng tình với sự vào cuộc và xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng trước những vi phạm liên quan đến việc đăng tải những thông tin xấu, độc, nhảm nhí trên các kênh, trang MXH. Gần nhất là vụ youtuber Thơ Nguyễn bị Sở TT-TT tỉnh Bình Dương xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi vi phạm cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy mê tín dị đoan.

* Tràn lan thông tin nhảm nhí, bịa đặt

Không ít phụ huynh đã bức xúc khi coi clip Xin vía học giỏi của youtuber Thơ Nguyễn. Một số người cho biết, những nội dung trên kênh YouTube Thơ Nguyễn nhằm mục đích “câu like” nên có phần nhảm nhí nhưng vì quá bận rộn với công việc, nhiều người vẫn để con tự coi các chương trình mình yêu thích trong đó có kênh YouTube Thơ Nguyễn. Đến khi xem clip Xin vía học giỏi trên kênh TikTok, nhiều người mới “giật mình”, không hiểu sao một nội dung nhảm nhí, phản cảm, mang tính chất mê tín dị đoan như vậy mà người làm clip lại công khai chia sẻ với người xem, trong đó đa số là trẻ em.

Luật sư Lê Quang Y, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh khuyến cáo, người bị nói xấu, xúc phạm trên MXH cần phải có những động thái tích cực như: tố giác, khởi kiện và nên kiên quyết làm tới cùng, tránh việc im lặng. Vì im lặng có thể dẫn tới những lời xúc phạm, bôi nhọ liên tiếp kéo dài và vượt quá sự kiểm soát. Với những người bị nói xấu, xúc phạm trên MXH có thể gửi đơn tố cáo kèm chứng cứ lên công an cấp huyện. Người dân nên gửi đơn tố cáo trực tiếp tại cơ quan công an để được giải quyết hoặc được hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về hành vi bôi nhọ danh dự trên MXH.

Bà Cao Thanh Huyền (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho rằng, hiện nay, thông tin xấu, độc, nhảm nhí xuất hiện rất nhiều trên các kênh và trang MXH tại Việt Nam. Trong đó không ít clip, thông tin trên YouTube hướng tới đối tượng là trẻ em nhưng có nội dung không lành mạnh như: nhát ma, hướng dẫn các trò thử thách thực hiện những hành động nguy hiểm... Điều đáng lo ngại là trẻ em có thể học theo các clip này và làm những việc mà người lớn không lường trước được, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bên cạnh các thông tin, clip độc hại, nhảm nhí, trên MXH còn đăng công khai một số bài viết tố cáo, chỉ trích người khác vì những tranh chấp trong đời sống hằng ngày. Điều đáng nói, ở nhiều trang, nhóm MXH hiện nay, các clip nhảm nhí, bài tố cáo nhau (phần lớn là tố cáo quỵt nợ, lừa đảo...) thường dễ thu hút lượt tương tác. Trong khi việc đăng tải các bài viết dạng này gần như không được kiểm duyệt, xác minh nội dung nên làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác. Tuy nhiên, những người quản lý nhóm, trang MXH lại “phủi” trách nhiệm khi có phản ảnh từ những nạn nhân vì cho rằng, người khác tự đăng lên nhóm, chứ họ không hề hay biết.

Anh T.H. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bức xúc: “Đó là sự thiếu trách nhiệm, thách thức, coi thường pháp luật. Họ là những người tạo ra các trang, nhóm MXH nên việc cho ai đăng bài hoặc gỡ bài xuống là quyền của họ. Trong khi không xác thực sự việc, lại cho đăng nội dung bịa đặt, giật gân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật”.

* Nhận biết và tránh xa thông tin xấu, độc

Theo Sở TT-TT, MXH nói chung, YouTube nói riêng được nhiều người tham gia, theo dõi. Việc quản lý các trang MXH này cũng đặt ra nhiều vấn đề với cơ quan quản lý nhà nước nhất là quản lý các kênh có nội dung xấu, độc, bịa đặt. Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã xử lý những cá nhân, trang thông tin điện tử cá nhân thực hiện đăng, tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Tại Đồng Nai, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, làm việc và xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân sử dụng dịch vụ MXH đăng, tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 hoặc bôi nhọ người khác.

Các clip nhảm nhí xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, thu hút hàng ngàn, hàng trăm ngàn lượt xem. Ảnh chụp màn hình
Các clip nhảm nhí xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, thu hút hàng ngàn, hàng trăm ngàn lượt xem. Ảnh chụp màn hình

Anh Nguyễn Công Hoàng (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay nhiều phim được đầu tư sản xuất chiếu trên YouTube (thường gọi phim web drama) nhưng chưa có cơ chế kiểm duyệt như phim truyền hình, phim điện ảnh. Do đó, có nhiều phim mang nội dung bạo lực lại được nhiều gia đình cùng xem (trong đó có cả trẻ em) nhưng không chú ý đến nhãn cảnh báo 18+. Do đó, cần sớm có biện pháp bổ sung điều khoản vào Luật Điện ảnh để đưa loại hình phim này vào quản lý nhằm ngăn ngừa trẻ em tiếp cận với những nội dung phim xấu, độc.

Cần dành thời gian vui chơi cùng con, hạn chế thời gian con xem các clip trên mạng xã hội. Trong ảnh: Nhiều gia đình dẫn con đi thả diều tại bãi đất trống trên đường Đỗ Văn Thi (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Minh Thành
Cần dành thời gian vui chơi cùng con, hạn chế thời gian con xem các clip trên mạng xã hội. Trong ảnh: Nhiều gia đình dẫn con đi thả diều tại bãi đất trống trên đường Đỗ Văn Thi (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Minh Thành

Để ngăn ngừa tác hại của thông tin xấu, độc, nhảm nhí trên MXH đối với trẻ em, TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, phụ huynh cần quan tâm đến các chương trình con em thường xem trên MXH để định hướng cho trẻ xem các chương trình lành mạnh, tích cực; tránh xa những nội dung xấu, độc, bịa đặt, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, cũng như hành động của trẻ.

“Phụ huynh nên sắp xếp thời gian tham gia hoặc tổ chức cho trẻ nhiều hoạt động thể chất, tinh thần. Hạn chế cho trẻ xem các clip trên MXH mà không kiểm soát được nội dung hoặc nên giới hạn giờ giấc xem và xem cùng trẻ. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, rất khó cấm trẻ sử dụng internet hay xem các clip trên MXH. Do đó, cha mẹ cần dạy trẻ cách sử dụng MXH lành mạnh, hữu ích hơn” - TS Lê Minh Công nhấn mạnh.

Minh Thành

Tin xem nhiều