Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầy thuốc như mẹ hiền

12:02, 27/02/2021

"Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học cần sự ấm áp, cảm thông và sự hiểu biết. Ðiều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ. Tôi sẽ không xấu hổ khi nói rằng "Tôi không biết", cũng sẽ không ngần ngại tham vấn ý kiến của các đồng nghiệp khi các kỹ năng của họ cần thiết cho việc phục hồi của bệnh nhân…".

“Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học cần sự ấm áp, cảm thông và sự hiểu biết. Ðiều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ. Tôi sẽ không xấu hổ khi nói rằng “Tôi không biết”, cũng sẽ không ngần ngại tham vấn ý kiến của các đồng nghiệp khi các kỹ năng của họ cần thiết cho việc phục hồi của bệnh nhân…”.

Bé Tuấn Anh được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai mời chuyên gia ở TP.HCM xuống thăm khám sau nửa năm điều trị tại bệnh viện và có tiến triển tốt
Bé Tuấn Anh được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai mời chuyên gia ở TP.HCM xuống thăm khám sau nửa năm điều trị tại bệnh viện và có tiến triển tốt

Ðó là một phần của Lời thề Hippocrates (người được coi là cha đẻ của Y học phương Tây) mà các sinh viên Y khoa xưa và nay đọc, nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp để ra trường hành nghề. Thực hiện lời thề ấy, nhiều thầy thuốc đã và đang cứu sống nhiều bệnh nhân, giúp họ trở lại cuộc sống bình thường và thêm yêu hơn cuộc đời.

Tái sinh nhiều cuộc đời

Sau gần 2 tháng được mổ tim tại Bệnh viện Ða khoa Ðồng Nai, ông Bạch Văn Lời (54 tuổi, ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đã ổn định sức khỏe, sinh hoạt bình thường.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: “Để thầy thuốc thực sự là mẹ hiền, bản thân mỗi người thầy thuốc phải yêu nghề, phải biết “thức khuya dậy sớm” với nghề của mình. Hơn nữa, người thầy thuốc phải có tâm với nghề, xem bệnh nhân như người thân của mình để điều trị, chăm sóc bệnh nhân, đem đến những điều tốt nhất cho người bệnh. Đồng thời, người thầy thuốc giỏi còn là người biết truyền nghề, nâng đỡ những thế hệ thầy thuốc trẻ, giúp họ cứng cáp và làm được nhiều điều tốt cho bệnh nhân”.

Nhớ lại những ngày được chăm sóc, điều trị tại Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, ông Lời không giấu nổi xúc động và liên tục nói lời cảm ơn đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện.

Ông Lời kể, 2 năm trước, ông đi khám bệnh tại một cơ sở y tế trên địa bàn TP.Biên Hòa, được phát hiện bị bệnh tim và lấy thuốc uống định kỳ nhưng bệnh tình ngày càng nặng. Ðến tối 8-12-2020, ông thấy nặng ngực, mệt mỏi nhiều, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngất xỉu. Kết quả khám của các bác sĩ cho thấy, ông Lời bị hẹp van động mạch chủ rất nặng, được chỉ định phẫu thuật. Khi chụp động mạch vành trước mổ, bác sĩ lại tiếp tục phát hiện bệnh nhân bị hẹp 2/3 nhánh động mạch vành khá nặng. Việc bệnh nhân lớn tuổi bị cùng lúc hai tổn thương nghiêm trọng ở tim khiến nguy cơ bị đột tử rất cao.

“Tất cả người thân trong gia đình tôi đều vô cùng lo lắng và không dám hy vọng rằng tôi có thể được cứu sống vì bệnh tình quá nặng” - ông Lời nói.

Thế nhưng, phép màu thật sự đã xảy ra khi ca phẫu thuật kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ thành công tốt đẹp. Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, một trong những bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật, đây là ca phẫu thuật tim hở với thời gian dài nhất và khó nhất trong số 51 ca phẫu thuật tim hở được thực hiện tại Bệnh viện Ða khoa Ðồng Nai từ trước đến nay. Các bác sĩ không những phải thay van động mạch chủ để giải quyết hẹp động mạch chủ cho bệnh nhân mà còn phải lấy 2 động mạch cảnh tự thân của bệnh nhân để làm 3 cầu nối động mạch vành (kỹ thuật đỉnh cao trong phẫu thuật tim).

Bác sĩ Ngô Đức Đễ trao đổi với bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Bác sĩ Ngô Đức Đễ trao đổi với bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh:TL

“Ca phẫu thuật thành công ngoài cả sự mong đợi của gia đình tôi. Chỉ vài ngày sau ca phẫu thuật, tôi đã khỏe hơn trước rất nhiều và thấy mình như được tái sinh. Quá trình điều trị tại khoa, tôi được các bác sĩ, điều dưỡng tận tình chăm sóc, thường xuyên động viên làm tôi cảm thấy rất an tâm. Tôi mong rằng sẽ có nhiều y, bác sĩ có tâm, có tài như các bác sĩ ở đây để có thêm nhiều bệnh nhân được trở về cuộc sống bình thường như tôi” - ông Lời tâm sự.

Không riêng ông Lời, còn nhiều bệnh nhân khác rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh” cũng đã được các bác sĩ của các bệnh viện trong tỉnh cứu sống ngoạn mục.

Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Hùng (59 tuổi, ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa), bị ngưng tim trước viện 10 phút; anh N.Ð.T. (40 tuổi, ngụ P.Bình Ða, TP.Biên Hòa) 2 lần bị ngưng tim, ngưng thở. Cả 2 bệnh nhân đều được các bác sĩ của Bệnh viện Ða khoa Ðồng Nai cứu sống bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động ngoài cơ thể. Ðây là kỹ thuật cao mà trước kia chỉ bệnh viện tuyến trung ương mới có khả năng làm được.

Chứng kiến chồng mình “trở về từ cõi chết”, vợ ông Hùng chia sẻ: “Bản thân tôi và các con không dám mơ rằng sẽ có ngày chồng tôi lại có thể ngồi dậy, đi lại, ăn uống, sinh hoạt bình thường như bây giờ sau những gì đã xảy ra. Nếu không có các bác sĩ kịp thời cứu chữa, chúng tôi đã không còn được ở bên nhau. Gia đình tôi rất biết ơn các bác sĩ và cầu chúc các bác sĩ, điều dưỡng, những người làm trong ngành Y tế sẽ có thật nhiều sức khỏe để cứu chữa thêm nhiều người bệnh”.

Không có khoảng cách

Với phương châm xem bệnh nhân như những khách hàng đặc biệt để phục vụ chu đáo, những năm gần đây, Bệnh viện Ða khoa khu vực Long Khánh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, đem đến sự hài lòng, niềm tin yêu của người bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh kiểm tra vết thương sau ca mổ thành công cho một bệnh nhân bị dao đâm thấu ngực, mất nhiều máu
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh kiểm tra vết thương sau ca mổ thành công cho một bệnh nhân bị dao đâm thấu ngực, mất nhiều máu

Ít có lãnh đạo bệnh viện nào lại trực tiếp lên mạng xã hội Facebook để đăng thông tin về tình hình hoạt động, những điểm mới, cải tiến của bệnh viện hay đọc từng phản hồi của người bệnh và trả lời thắc mắc của họ tận tình như BS CKII Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa khu vực Long Khánh. Cách làm của BS Huyên nhận được sự đồng tình của người dân. Ðồng thời, làm gương để cán cán bộ, y, bác sĩ của bệnh viện noi theo, tự giác nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ để hạn chế tối đa lời phàn nàn của người bệnh.

BS Phan Văn Huyên cho biết, những việc ông đã và đang triển khai như mở phòng khám chuyên gia với các thầy thuốc đầu ngành ở TP.HCM; triển khai các dịch vụ khám bệnh tại nhà, xét nghiệm tại nhà, giao thuốc tận nhà; mở phòng sinh gia đình, các dịch vụ nhỏ như gội đầu cho phụ nữ sau sinh, chăm sóc, massage cho em bé… đều hướng tới giúp người bệnh cảm thấy thuận tiện nhất, thoải mái nhất khi đến với bệnh viện và sử dụng dịch vụ của bệnh viện. Từ đó, giúp họ giảm bớt nỗi đau bệnh tật, cảm thấy được sẻ chia, đồng cảm và không có khoảng cách giữa bệnh nhân và thầy thuốc.

Cũng chính bởi sự tận tâm, tình yêu thương của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng mà thời gian qua, nhiều gia đình bệnh nhân như gia đình anh Phạm Văn Chiến (ngụ xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) như được thắp lên ngọn lửa hy vọng.

Anh Chiến kể, bé Tuấn Anh, con trai anh khi mới sinh ra bị tật ở chân, không thể đứng vững trên đôi chân của mình để đi lại bình thường như bao đứa trẻ khác. Bé chỉ có thể bò hoặc lết dưới sàn nhà.

Hơn 6 năm ròng, gia đình anh Chiến không ngại dốc tiền của, công sức đưa con đi chạy chữa khắp các bệnh viện nhưng tình trạng của bé không cải thiện. Cách đây hơn nửa năm, anh Chiến đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Ðồng Nai để tìm kiếm cơ hội cuối cùng. Tại đây, bé Tuấn Anh được BS CKII Phạm Văn Khương, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng tiếp nhận và điều trị. Sau một thời gian điều trị, đến nay bé Tuấn Anh đã có thể đi lại trên chính đôi chân của mình, điều mà gia đình bé bấy lâu nay mơ ước.

“Với nhiều người, tự bước đi trên đôi chân của mình là việc quá đỗi bình thường nhưng với con trai tôi, đó là một kỳ tích. Con tự đi được trên đôi chân mình đồng nghĩa với việc vợ chồng tôi như được tiếp thêm sức lực. Nếu chỉ nói lời cảm ơn đối với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Ðồng Nai, tôi e rằng là không đủ. Bởi hơn cả thầy thuốc, họ là những thiên thần áo trắng, những vị cứu tinh đem đến cho gia đình tôi ánh sáng” - anh Chiến bộc bạch.

Tại buổi lễ kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam của Bệnh viện Nhi đồng Ðồng Nai mới đây, nhiều lá thư cảm ơn của bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân đã được đọc lên. Trong đó, có thư cảm ơn của chị Nguyễn Thị Kim Châu, mẹ bệnh nhi Trần Gia Bảo (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) bị tai nạn giao thông. Chị Châu viết: “Gia đình tôi vô cùng biết ơn tấm lòng nhân hậu, sự cần mẫn, dịu dàng, những lời khuyên đến từ các bác sĩ và điều dưỡng của Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng. Gặp được các bác sĩ, điều dưỡng của khoa, tôi mới hiểu của câu nói “Lương y như từ mẫu” là thế nào. Gia đình tôi sẽ nhớ mãi ân tình này!”.

Hạnh Dung


BS CKII Lê Thị Thái Hà, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đồng Nai:

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh da liễu

 Hơn 22 năm công tác, dù ở cương vị nào, tôi cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai đã có nhiều bước tiến đáng kể. Từ năm 2011, bệnh viện đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chuyên ngành da liễu cho bệnh nhân. Năm 2013, Bộ Y tế công nhận tỉnh Đồng Nai đã loại trừ được bệnh phong ở cấp tỉnh. Năm 2014, tôi cùng Ban giám đốc bệnh viện đã nỗ lực thành lập Đơn vị thẩm mỹ da để phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và gửi đi đào tạo các bác sĩ có tay nghề cao nhằm phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh. Hiện tại, bệnh viện đã thực hiện được 94% các kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế và thực hiện được trên 80% các kỹ thuật thuộc tuyến trung ương.

Thầy thuốc ưu tú, BS CKII Trần Quốc Vĩ, Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai:

Thấm nhuần lời dạy “Lương y như từ mẫu”

Tôi luôn lấy lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” làm phương châm hoạt động, phục vụ người bệnh. Những năm qua, tôi đã cùng đồng nghiệp triển khai thành công nhiều loại phẫu thuật lớn như: cắt bán phần dạ dày, cắt đoạn đại tràng, phẫu thuật chấn thương gan lách, thận, tạng rộng, vết thương tim và chấn thương ngực, phẫu thuật bảo tồn vỡ gan, lách, điều trị bảo tồn không phẫu thuật vỡ gan, lách, thận.

Quá trình công tác, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi. Năm 2018, chúng tôi tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân bị viêm mủ đường mật. Trong phẫu thuật, chúng tôi phát hiện đường mật của bệnh nhân bị tắc do sán lá gan và đã lấy ra gần 1 ngàn con sán lá gan. Năm 2019, chúng tôi phối hợp cứu thành công sản phụ có khối u lá gan lớn bị vỡ, kịp thời cứu sống 2 mẹ con sản phụ…

Tôi tự nhủ sẽ luôn cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ để đem lại sự hài lòng cho người bệnh.

Dược sĩ CKI Bùi Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Dược - trang thiết bị - vật tư y tế Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu:

Luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc

 Trong suốt hơn 33 năm công tác trong ngành Y, tôi cùng các đồng nghiệp đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, phục vụ bệnh nhân. Tôi còn nhớ những năm 1986, Trị An là vùng sốt rét trọng điểm trong khi bệnh viện còn rất khó khăn và thiếu thốn cả về nhân lực, trang thiết bị y tế.

Mỗi khoa chỉ có 2 cái bơm tiêm, kim tiêm thuốc và được sử dụng nhiều lần. Nhiều khi tôi phải thức cả đêm trực để luộc bơm kim tiêm cho các khoa phục vụ bệnh nhân. Có những thời kỳ đời sống thực sự khó khăn, bản thân tôi có lúc tưởng chừng không bám trụ nổi nhưng vì yêu nghề, thương bệnh nhân, tôi đã cùng các đồng nghiệp nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Điều dưỡng trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Lê Thị Kiều Trinh:

Đem đến sự an tâm cho người bệnh và thân nhân

 Con cái là tài sản vô giá của các bậc làm cha, làm mẹ. Do vậy, mỗi bệnh nhi khi vào điều trị tại bệnh viện nói chung và tại khoa nói riêng, bản thân tôi và các đồng nghiệp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, xem bệnh nhân như người thân của mình để chăm sóc, phục vụ.

Đối với những phụ huynh chưa hiểu rõ về một vấn đề gì đó, tôi đều cố gắng giải thích tận tình để họ hiểu và cùng phối hợp với các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa chăm sóc bệnh nhi. Với chúng tôi, điều hạnh phúc nhất là các bệnh nhi lần lượt khỏi bệnh, khỏe mạnh rời khỏi bệnh viện, trở về nhà trong vòng tay yêu thương của gia đình.

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều