Báo Đồng Nai điện tử
En

Siêu thị về làng

08:02, 26/02/2021

Trước đây, người dân ở thành thị lẫn nông thôn nếu muốn đi siêu thị phải di chuyển hàng chục, thậm chí vài chục km. Nhưng hiện tại, người dân ở các phường, thị trấn, kể cả vùng nông thôn có thể đi siêu thị, của hàng tiện lợi ngay tại khu vực sinh sống.

Trước đây, người dân ở thành thị lẫn nông thôn nếu muốn đi siêu thị phải di chuyển hàng chục, thậm chí vài chục km. Nhưng hiện tại, người dân ở các phường, thị trấn, kể cả vùng nông thôn có thể đi siêu thị, của hàng tiện lợi ngay tại khu vực sinh sống.

Sự phát triển của kênh bán lẻ hiện đại không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế cho nhà đầu tư mà còn góp phần hình thành thói quen mua sắm văn minh, hiện đại cho người tiêu dùng.

* Siêu thị mini ở ngay... đầu ngõ

Vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Không chỉ ở các tuyến đường lớn, khu vực trung tâm, siêu thị “len lỏi” vào các khu dân cư, vùng nông thôn tạo điều kiện mua sắm thuận lợi và dễ dàng cho người tiêu dùng. 

Chị Huỳnh Thị Xuân, xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) chia sẻ, trước đây, nếu muốn đi siêu thị mua thực phẩm và đồ gia dụng chị phải thuê ô tô sang Q.2 (TP.HCM) hoặc lên TP.Biên Hòa. Quãng đường xa khiến quá trình di chuyển mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí nên rất ít khi đi siêu thị. Nhưng 2 năm trở lại đây, mỗi tuần chị Xuân đi siêu thị 2-3 lần vì kế bên nhà.

“Từ khi có siêu thị ở gần nhà tôi ít ra chợ mua rau, thịt cá, đồ dùng gia đình. Mua hàng ở siêu thị vừa gần, vừa yên tâm về giá cả, chất lượng” - chị Xuân chia sẻ.

Người dân mua hàng tại cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn xã An Phước (H.Long Thành). Ảnh: Hoàng Lộc
Người dân mua hàng tại cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn xã An Phước (H.Long Thành). Ảnh: Hoàng Lộc

Chị Hồ Thị Hằng, P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) cho biết, từ khi có cửa hàng tiện lợi ở đầu ngõ chị không phải lo đi chợ sớm, không sợ lần tăng ca về muộn không mua được thực phẩm tươi ngon. “Siêu thị mở cửa đến 10 giờ tối. Tôm lột vỏ sẵn, thịt xay sẵn, rau xanh cũng được làm sạch sẵn đóng khay. Không lo thực phẩm ôi thiu” - chị Hằng nói.

Đang chọn mua táo Mỹ nhập khẩu tại một siêu thị ở xã An Phước (H.Long Thành) chị Bùi Thị Ngọc cho biết, từ khi có siêu thị gần nhà chị yên tâm hơn khi mua táo đỏ, cam vàng. Theo chị Ngọc, cứ cách ngày lại đi siêu thị, có khi đi mua đồ, có khi đi thanh toán hóa đơn điện, internet, cũng có khi ra siêu thị “săn” hàng giảm giá. “Hàng hóa đa dạng, có tem mác, có hạn sử dụng mình mua cũng yên tâm hơn” - chị Ngọc nói.

Hiện nay, mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, bách hóa tổng hợp xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Nhiều người ví von, ra ngõ là gặp siêu thị. Điểm mạnh của các siêu thị này là gần chợ, khu vực dân cư đông đúc. Không gian mua sắm lịch sự, nhân viên phục vụ tận tình. Ngoài giao dịch mua bán, các siêu thị còn nhận thanh toán các hóa đơn như điện, nước, internet, điện thoại. Để giữ chân khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới, các siêu thị có chính sách giảm giá cho khách hàng là thành viên, thường xuyên mở các đợt khuyến mãi, giao hàng tận nhà miễn phí khi mua số lượng nhiều.

* Từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng ở nông thôn

Sự phát triển của chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị tại các vùng nông thôn không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế cho nhà đầu tư mà còn góp phần thay đổi suy nghĩ, thói quen mua sắm của các bà nội trợ.

Cửa hàng Vinmart+ tại KP.Long Đức 1, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) đang dần trở thành điểm mua sắm quen thuộc của người dân trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân tại Khu công nghiệp Tam Phước chia sẻ, gần đây chị thích đi siêu thị hơn đi chợ vì ở siêu thị có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu từ thực phẩm tươi sống, lương thực cho đến hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình. Vào dịp lễ, Tết, cuối tuần, siêu thị bán hàng giảm giá, có tặng quà.

Người dân mua hàng ở cửa hàng Vinmart+ tại P.Tam Phước, TP.Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Lộc
Người dân mua hàng ở cửa hàng Vinmart+ tại P.Tam Phước, TP.Biên Hòa. Ảnh: Hoàng Lộc

Theo chia sẻ của các nhà bán lẻ, người tiêu dùng cả thành thị lẫn nông thôn đang dần thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì ưu tiên giá cả, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng món hàng. Hàng hóa ở siêu thị không chỉ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng mà giá cả cũng tiệm cận với tạp hóa, chợ truyền thống.

Ông Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng Quan hệ công chúng chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh cho biết, đơn vị hiện có hơn 120 cửa hàng tại Đồng Nai. Trong năm 2021, đơn vị tiếp tục đầu tư phát triển cửa hàng tại TP.Biên Hòa cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Cũng theo ông Phong, hàng hóa tại Bách hóa xanh đa dạng từ nội địa đến ngoại nhập và đảm bảo luôn tươi ngon. “Đến với Bách hóa xanh, bà nội trợ có thể mua được trọn vẹn bữa cơm gia đình tại quầy thực phẩm. Không phải đi nhiều nơi, không phải trả giá, không tốn tiền gửi xe. Với thực phẩm tươi sống, có nhân viên làm sẵn cho khách hàng có nhu cầu” - ông Phong chia sẻ.

Khi đời sống và thu nhập của người dân ngày càng tăng, thị trường nông thôn dần trở thành “miếng bánh ngọt” cho các nhà đầu tư bán lẻ. Với các ưu điểm như: hàng hóa đa dạng, có nguồn gốc rõ ràng, giá cả phải chăng; được bố trí gần chợ, xen trong các khu dân cư, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang được nhiều người tiêu dùng ủng hộ và dần trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống, thậm chí cả siêu thị lớn, trung tâm thương mại.

Theo Sở Công thương, chủ trương của tỉnh là ưu tiên, khuyến khích các nhà đầu tư mở cửa hàng tiện ích tại khu dân cư, khu vực nông thôn và địa bàn tập trung nhiều công nhân để đáp ứng nhu cầu mua sắm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư bán lẻ liên kết với các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn đưa sản phẩm của địa phương vào chuỗi hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị mini để quảng bá và mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều