Báo Đồng Nai điện tử
En

'Tôi vui với việc "bắc cầu" cho doanh nghiệp Nhật Bản đến Đồng Nai'

08:02, 19/02/2021

Hơn 10 năm làm việc tại Việt Nam, ông Masahiro Ariga, Trưởng ban Kết nối doanh nghiệp (DN) Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM có nhiều gắn bó với Đồng Nai. Ông là người đã "mai mối" cho các DN Nhật Bản đến Đồng Nai đầu tư rất thành công. Ông còn là cầu nối để DN Việt Nam và Nhật Bản liên kết cung ứng sản phẩm cho nhau.       

Ông Masahiro Ariga, Trưởng ban Kết nối doanh nghiệp Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM
Ông Masahiro Ariga, Trưởng ban Kết nối doanh nghiệp Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM. Ảnh: H.Giang

Hơn 10 năm làm việc tại Việt Nam, ông Masahiro Ariga, Trưởng ban Kết nối doanh nghiệp (DN) Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM có nhiều gắn bó với Đồng Nai. Ông là người đã “mai mối” cho các DN Nhật Bản đến Đồng Nai đầu tư rất thành công. Ông còn là cầu nối để DN Việt Nam và Nhật Bản liên kết cung ứng sản phẩm cho nhau.       

Ông Masahiro Ariga còn được biết đến là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Forval Việt Nam (thuộc Tập đoàn Forval - Nhật Bản) đang đầu tư vào Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2. Forval chuyên liên kết xây dựng nhà xưởng để cho các DN vừa và nhỏ của Nhật Bản và nước ngoài thuê sản xuất, kinh doanh.

Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển

* Ông là người đã “mai mối” cho nhiều DN Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai và các tỉnh, thành khác tại Việt Nam. Trong mắt ông, những ưu điểm nào khiến Đồng Nai là địa phương được DN Nhật lựa chọn?

- Trước hết, Đồng Nai là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, cảng, du lịch. Tỉnh cũng là khu vực được các DN Nhật Bản rất chú trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì đây là trung tâm lớn về công nghiệp của Việt Nam, gần cảng biển, giáp TP.HCM... Do đó, Đồng Nai hội tụ hầu hết các yếu tố các nhà đầu tư Nhật Bản cũng như nước ngoài đang cần. Đây cũng là lý do mà 4 năm gần đây, các DN Nhật Bản đã “tăng tốc” đầu tư vào tỉnh và trở thành nước xếp thứ ba trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đưa vốn vào Đồng Nai.

Môi trường đầu tư của tỉnh cũng từng bước được cải thiện theo hướng có lợi cho DN. Tỉnh đã lập ra Bàn Kansai để hỗ trợ các DN Nhật Bản về thông tin, thủ tục đầu tư, giúp cho các DN giảm được chi phí, rút ngắn được thời gian làm hồ sơ thủ tục khi triển khai dự án trên địa bàn.

* So với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thì môi trường đầu tư của Đồng Nai có những thế mạnh và điểm yếu nào?

- Theo tôi, thế mạnh của Đồng Nai là hạ tầng giao thông đường bộ có tính kết nối cao, sắp tới là lợi thế về đường hàng không khi cảng hàng không quốc tế Long Thành xây dựng xong, đưa vào khai thác. Trong tương lai, nhiều tuyến đường cao tốc được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Đồng Nai sẽ là trung tâm kết nối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Tây, Tây nguyên, Nam Trung bộ.

DN đầu tư vào tỉnh sẽ rút ngắn được thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành khác hoặc xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh có lợi thế là đất đai còn khá rộng, tỉnh mới được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp với hơn 7 ngàn ha. Nếu làm nhanh hạ tầng các khu công nghiệp, sẽ đón được dòng vốn lớn của DN Nhật Bản và các nước khác. Bên cạnh đó, thời gian qua, Đồng Nai là nơi phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khá tốt nên các DN nước ngoài đầu tư vào tỉnh đã giảm bớt được nhiều khó khăn, thiệt hại.

Điểm yếu của Đồng Nai so với các tỉnh lân cận là thời gian vừa qua, diện tích đất dành cho công nghiệp còn quá ít, các DN Nhật Bản muốn đầu tư vào tỉnh cần diện tích lớn để làm nhà xưởng mà không còn nên phải chọn tỉnh, thành khác.

* Là người phụ trách Ban Kết nối DN của Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM, ông đã hỗ trợ cho bao nhiêu DN Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai?

- Những năm qua, đã có cả trăm DN Nhật Bản được tôi và Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM, kết hợp với Bàn Kansai của tỉnh hỗ trợ để đầu tư vào Đồng Nai. Đến nay, Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh khoảng 261 dự án với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực gần 4,9 tỷ USD. Trong năm vừa qua, nếu không xảy ra đại dịch Covid-19, số dự án và tổng vốn của DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh sẽ cao hơn nhiều.

Ngoài ra, với vai trò là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Forval Việt Nam, tôi đã góp sức thúc đẩy hợp tác với Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa xây dựng khu nhà xưởng cho thuê ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, thu hút gần 40 DN vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư vào. Các DN Nhật Bản đầu tư vào khu công nghiệp này chủ yếu trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ngành mà tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư.

Khu nhà xưởng Công ty TNHH Forval Việt Nam liên kết với Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa xây dựng cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thuê
Khu nhà xưởng Công ty TNHH Forval Việt Nam liên kết với Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa xây dựng cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thuê

Làm cầu nối hợp tác nhiều lĩnh vực

* Ông còn được biết đến là người có công gắn kết các DN Đồng Nai với DN Nhật Bản trên những lĩnh vực khác như: thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị DN... Ông có thể cho biết rõ hơn về những hoạt động trên?

- Tôi và Ban Kết nối DN, Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM không chỉ giúp DN Nhật Bản thông tin về môi trường, thủ tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư mà còn phối hợp với tỉnh Đồng Nai tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu giữa DN trong nước và DN Nhật Bản để các DN có thêm cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm, ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau, giảm bớt nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm, dễ dàng hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu vào những nước Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do. Qua mỗi lần tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu tại Đồng Nai đã có những DN trong nước và Nhật Bản ký kết hợp đồng, trở thành đối tác của nhau. 

Ban Kết nối DN còn cùng với một số trường cao đẳng nghề của tỉnh đào tạo nguồn nhân lực cho các công ty của Nhật Bản tại Đồng Nai. Đồng thời, liên kết với phía Chính phủ Nhật Bản đưa các chủ DN vừa và nhỏ của Đồng Nai sang Nhật Bản học tập kinh nghiệm về quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh để đem lại hiệu quả cao nhất.

* Ông thấy mình đã làm được những gì để thắt chặt quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa Nhật Bản và Đồng Nai, còn điều gì ông chưa thực hiện được?

- Năm 2018, Việt Nam và Nhật Bản đã kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, mối quan hệ hai bên ngày càng phát triển và đi vào thực chất.

Với Đồng Nai, Nhật Bản vào đầu tư khá sớm, từ hơn 25 năm trước. Về ngoại giao, kinh tế từng bước được mở rộng và đi vào chiều sâu. Đồng Nai là điểm đến đầu tư của nhiều DN Nhật Bản và Nhật Bản là một trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai. Tôi là người đi sau, tiếp nối, thắt chặt thêm quan hệ hữu nghị của hai bên, cùng góp sức nâng kim ngạch giao thương giữa Nhật Bản và Đồng Nai lên. Hiện nay, đầu tư của Nhật Bản vào Đồng Nai không chỉ gói gọn ở lĩnh vực công nghiệp, dần mở ra ở nhiều lĩnh vực khác như: hạ tầng kỹ thuật, logistics, thương mại, giáo dục.

Điều tôi chưa thấy hài lòng và mong muốn sẽ cùng với hiệp hội thực hiện tốt trong thời gian tới là tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, giao lưu về kinh tế, văn hóa giữa Nhật Bản và Đồng Nai để hiểu, gắn bó với nhau hơn. Như vậy trong hợp tác sẽ đem lại sự tin tưởng và cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

* Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều