Báo Đồng Nai điện tử
En

TS Nguyễn Hoàng Phương, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II: Doanh nghiệp cần hiểu rõ thị trường xuất khẩu

04:01, 01/01/2021

Bên cạnh vai trò là một giảng viên Học viện Chính trị khu vực II, TS Nguyễn Hoàng Phương còn là chuyên gia kinh tế, thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong nước, nước ngoài các thông tin về hội nhập, phát triển thị trường. Đồng Nai là nơi ông gắn bó với khá nhiều DN thông qua các đợt hội thảo, tư vấn.

TS Nguyễn Hoàng Phương
TS Nguyễn Hoàng Phương

Bên cạnh vai trò là một giảng viên Học viện Chính trị khu vực II, TS Nguyễn Hoàng Phương còn là chuyên gia kinh tế, thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong nước, nước ngoài các thông tin về hội nhập, phát triển thị trường. Đồng Nai là nơi ông gắn bó với khá nhiều DN thông qua các đợt hội thảo, tư vấn.

TS Phương là người có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn về chương trình hội nhập quốc tế. Theo ông, mỗi hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương Việt Nam đã ký kết đều đem lại các cơ hội lớn cho DN. Tuy nhiên, muốn khai thác được các lợi thế từ các hiệp định mang lại, DN phải hiểu rõ những thị trường đang hướng đến, như vậy mới nắm được nhiều khả năng  thắng lợi.

Hội nhập giúp kinh tế tăng trưởng khá

* Hiện nay, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về tham gia vào hội nhập sâu với 14 hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đi quá nhanh trong tiến trình hội nhập sẽ khiến DN không kịp nắm bắt các cơ hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, Việt Nam tham gia vào hội nhập quốc tế nhanh đã đem lại nhiều cơ hội cho kinh tế phát triển. Kết quả trong những năm qua, kinh tế Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng, GDP và thu nhập bình quân đầu người, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài liên tục tăng. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn tăng
2,7-3% so với năm 2019. Trong khi đa số các quốc gia khác trên thế giới tăng trưởng âm. Từ khi tham gia hội nhập sâu, kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong những năm qua liên tục tăng cao trên 10%/năm. Đặc biệt 3 năm trở lại đây, Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu và đều năm sau cao hơn năm trước. Có được những thành quả trên là do Việt Nam đã kịp thời tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Đến nay, hầu hết các nước có xuất khẩu, nhập khẩu lớn với Việt Nam đều đã được ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương như: Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc, ASEAN... Nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết còn mở ra cho Việt Nam thêm cơ hội trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

* Vậy ký kết nhanh các hiệp định thương mại tự do là mở ra cơ hội cho DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu?

- Tham gia các hiệp định thương mại giúp Việt Nam tăng được vị thế trên thị trường quốc tế nên thu hút đầu tư FDI vào một số lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ tăng cao, xuất khẩu được mở rộng. DN trong nước muốn tồn tại phải tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ để hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, DN từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, nhiều tập đoàn FDI lớn trên thế giới đang tính toán lại việc phân bổ chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam sẽ là nơi được lựa chọn hàng đầu trong dịch chuyển chuỗi cung ứng. 

TS Nguyễn Hoàng Phương tặng sách viết về hội nhập cho các doanh nghiệp và đại diện các sở, ngành tại Đồng Nai. Ảnh: H.Giang
TS Nguyễn Hoàng Phương tặng sách viết về hội nhập cho các doanh nghiệp và đại diện các sở, ngành tại Đồng Nai. Ảnh: H.Giang

* Từng tham gia hội thảo, tập huấn, tư vấn cho nhiều DN ở Đồng Nai về các hiệp định thương mại tự do, ông đánh giá về mức độ tham gia hội nhập của DN trên địa bàn tỉnh ra sao?

- Tôi đánh giá cao về mức độ tham gia hội nhập của các DN Đồng Nai. So với các tỉnh, thành khác trong cả nước, các DN trên địa bàn tỉnh nắm bắt những cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do khá tốt. Điều này được thể hiện qua việc Đồng Nai là tỉnh đang ở trong tốp đầu cả nước về phát triển công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút FDI và thu ngân sách nhà nước. Phía chính quyền tỉnh cũng rất quan tâm đến việc tuyên truyền để các DN hiểu và nắm rõ những thuận lợi, khó khăn từ các hiệp định thương mại đem lại. Như vậy DN sẽ có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, trung hạn cho phù hợp. Tuy nhiên, các DN FDI trên địa bàn tỉnh tiếp cận và hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do nhanh hơn DN trong nước. Vì các DN FDI có sự chuẩn bị kỹ từ trước về các điều khoản, quy định để hưởng các ưu đãi về thuế quan khi hiệp định có hiệu lực. Còn các DN trong nước đôi khi còn chậm trong việc chuẩn bị nên chưa nắm bắt được nhiều cơ hội.

Nên hiểu rõ thị trường xuất khẩu

* Trong các cuộc hội thảo, tư vấn cho DN ông luôn nhấn mạnh DN phải tìm hiểu rõ thị trường xuất khẩu mình hướng đến. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 3 hiệp định thương mại lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EVFTA. Đây là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác. Đơn cử như với hiệp định EVFTA có 28 nước khu vực châu Âu cùng tham gia, song hiện các DN Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác nhiều ở 6 nước trong khối. Còn lại 22 nước khác kim ngạch xuất nhập khẩu chưa cao. Muốn khai thác tốt những thị trường còn lại, DN phải tìm hiểu kỹ nhu cầu của người tiêu dùng và các mặt hàng từng thị trường trên đang cần. Từ đó, các DN lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn. Với những quốc gia khác, trước khi muốn đưa hàng hóa đến, DN cũng phải nghiên cứu chi tiết để sản xuất những sản phẩm thị trường đó đang phải nhập khẩu nhiều. Lộ trình giảm thuế với từng nhóm hàng, yêu cầu hưởng các ưu đãi về thuế quan để có sự chuẩn bị đầy đủ.

* Theo ông, đâu là điểm yếu cần khắc phục của DN Việt Nam khi tham gia vào hội nhập sâu?

- Hiện nay, phần lớn DN Việt là nhỏ và vừa nên khi tham gia vào hội nhập sâu sẽ gặp áp lực lớn trong cạnh tranh với các DN FDI cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Nhiều DN Việt còn yếu trong khâu quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nên bỏ lỡ nhiều cơ hộp hợp tác, cung ứng sản phẩm cho đối tác nước ngoài. Tôi nghĩ, muốn khắc phục được những điểm yếu trên, DN Việt nên liên kết lại, hỗ trợ nhau nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các DN Việt còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao nên cần đầu tư đào tạo, tuyển dụng cho phù hợp với từng vị trí để khai thác được thế mạnh của mình. Về phía Chính phủ cần kịp thời ban hành những chính sách phù hợp về tín dụng, đất đai, đơn giản các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển bền vững và lớn mạnh.

* Đồng Nai nên tập trung vào mở rộng xuất khẩu những mặt hàng nào?

- Qua tìm hiểu tôi thấy, Đồng Nai có nhiều mặt hàng có tiềm lực để xuất khẩu là giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, máy tính, điện tử và linh kiện, cà phê, cao su, trái cây... Với các mặt hàng công nghiệp DN Đồng Nai xuất khẩu khá tốt, nhưng chỉ tập trung ở một số thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức. DN nên mở rộng ra những thị trường khác, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường lớn khi gặp khó khăn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. DN Đồng Nai nên chú ý khai thác những thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do để có thể hưởng các lợi thế, tăng sức cạnh tranh so với mặt hàng cùng loại đến từ các nước khác.

Đồng Nai là nơi sản xuất trái cây, nông sản lớn nhưng chủ yếu xuất thô nên giá trị không cao. Nếu thu hút được những DN lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu sẽ nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm thêm 2-5 lần.

* Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều