Báo Đồng Nai điện tử
En

Những ''làng'' đặc sản Tết vào mùa

12:01, 09/01/2021

Đồng Nai có nhiều vùng trồng, sản xuất các mặt hàng đặc trưng dịp Tết. Có thể kể đến như vùng trồng bưởi Tân Triều, lá dong Gia Kiệm, hoa cúc Phúc Nhạc; vùng nuôi cá chép cúng Tết ông Táo ở Sông Mây, nuôi vịt đồng lấy trứng ở xã Vĩnh Thanh; nghề làm tôm chua Phước An, miến dong Tân Biên, bánh chưng Hố Nai…

Đồng Nai có nhiều vùng trồng, sản xuất các mặt hàng đặc trưng dịp Tết. Có thể kể đến như vùng trồng bưởi Tân Triều, lá dong Gia Kiệm, hoa cúc Phúc Nhạc; vùng nuôi cá chép cúng Tết ông Táo ở Sông Mây, nuôi vịt đồng lấy trứng ở xã Vĩnh Thanh; nghề làm tôm chua Phước An, miến dong Tân Biên, bánh chưng Hố Nai…

Phơi miến dong ở P.Tân Biên (TP.Biên Hòa)
Phơi miến dong ở P.Tân Biên (TP.Biên Hòa)

Thời điểm hiện tại, người dân đang tất bật chuẩn bị hàng phục vụ nhu cầu gia đình và bán dịp Tết.

* Tất bật làm hàng tết

Những ngày này, nhiều hộ gia đình gắn bó với nghề làm tôm chua ở H.Nhơn Trạch đang tất bật làm hàng tết. Bà Mai Thị Hoàng (ấp Bà Bông, xã Phước An) chia sẻ, tôm chua vốn là món ăn dân dã thường ngày của người dân địa phương. Tuy nhiên, do nguyên liệu để làm tôm chua (thường là tôm chì hoặc tôm đất thiên nhiên) ngày càng hiếm, giá mỗi ký tôm chua thành phẩm khá đắt (khoảng 350-450 ngàn đồng/kg) nên món ăn này thường phải để dành dịp Tết. Người ta thường lấy ít tôm chua để trộn gỏi, làm mắm chấm thịt luộc, cuốn bánh tráng với rau sống hoặc ăn kèm với bánh tét.

Đồng Nai có nhiều vùng trồng, chế biến, sản xuất các mặt hàng, món ăn đặc trưng dịp Tết. Theo những người trực tiếp làm ra sản phẩm, mấu chốt để sản phẩm của “làng” được người tiêu dùng ưa chuộng là duy trì cách làm thủ công, không sử dụng chất bảo quản hay phụ gia, chất lượng ngon và có hương vị riêng, giá bán phải chăng.

Thông thường, khoảng tháng 11 âm lịch, bà Hoàng bắt đầu làm tôm chua cho gia đình ăn và bán tết. Vì nguyên liệu không đủ nên mỗi tuần bà chỉ làm khoảng 50-70kg tôm tươi. Tôm được bỏ đầu, rút sạch chỉ trên lưng, sau đó đem rửa với nước muối pha loãng hoặc rượu trắng để khử mùi tanh. Tôm được ngâm chung với tỏi, ớt xay nhuyễn và nước mắm đường đun sôi để nguội, sau đó cho vào hũ sành đem phơi khoảng 3-4 nắng, đưa vào mát để khoảng 1 tuần là ăn được.

Ngoài tôm chua, vùng sông nước Nhơn Trạch còn có đặc sản chế biến món ăn dịp Tết nữa là trứng vịt đồng. Người ta thường mua trứng vịt thả đồng nuôi ở vùng Phước Khánh, Vĩnh Thanh, Đại Phước làm món thịt kho tàu. Lý do là vịt ở vùng này được nuôi chủ yếu bằng hình thức thả đồng, thả sông nên trứng có lòng đỏ to và đậm màu, khi kho chung với thịt ba chỉ thì trứng mềm chứ không cứng như trứng vịt nuôi trại.

Bà Mai Thị Hoàng (ấp Bà Bông, xã Phước An) làm tôm chua
Bà Mai Thị Hoàng (ấp Bà Bông, xã Phước An) làm tôm chua

Bà Nguyễn Thị Lan (ấp 1, xã Phước Khánh) cho biết, những người nuôi vịt lâu năm đều biết cách để “kìm” hoặc “thúc” vịt đẻ trứng. Nếu muốn “kìm” vịt đẻ thì nhốt vịt trong chuồng và giảm lượng thức ăn, còn muốn “thúc” vịt đẻ thì bổ sung thêm cá và tép vào khẩu phần ăn. Cách làm này vừa có trứng mới để bán dịp Tết vừa được lợi về giá. Cũng giống như tôm chua, trứng vịt đồng trở thành món hàng được nhiều người tìm mua để thưởng thức và làm quà biếu dịp Tết. Càng cận Tết, trứng vịt càng có giá, nhiều khi, người ăn phải bỏ ra 40-45 ngàn đồng để mua 1 chục trứng vịt đồng, cao gần gấp đôi trứng vịt nuôi trại.

Bà Nguyễn Thị Lan (ấp 1, xã Phước Khánh) phân loại trứng vịt đồng
Bà Nguyễn Thị Lan (ấp 1, xã Phước Khánh) phân loại trứng vịt đồng

Thời điểm hiện tại, các cơ sở làm miến dong ở P.Tân Biên (TP.Biên Hòa) đang phải tăng cường nhân lực, nhịp độ làm việc. Bà Trần Thị Trang, chủ cơ sở miến dong ở KP.2, P.Tân Biên cho biết, cách đây ít ngày, có thương lái ở TP.HCM đến tận lò đặt 1 tấn miến dong nhưng bà không nhận vì đã có đơn hàng từ nay đến Tết Nguyên đán. Theo bà Trang, trung bình cơ sở làm khoảng 300kg miến khô/ngày, nhưng những tháng cuối năm sản lượng tăng lên gấp đôi.  Miến dong Tân Biên hiện có mặt tại hầu hết các chợ truyền thống trong và ngoài tỉnh, một số cơ sở làm miến cung cấp cho các công ty chế biến miến gói và xuất khẩu.

Nghề làm bánh chưng ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa)
Nghề làm bánh chưng ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa)

Vào “vụ” làm hàng trễ hơn so với các loại ẩm thực kể trên là bánh chưng Hố Nai. Bánh chưng Hố Nai nổi tiếng thơm ngon bởi những người theo nghề hầu hết quê gốc H.Nam Sách (tỉnh Hải Dương), nơi có nghề làm bánh chưng nổi tiếng miền Bắc. Ông Lê Văn Phấn, chủ Cơ sở Bánh chưng Linh Động (P.Hố Nai) cho biết, khoảng 3 tuần trước Tết Nguyên đán cơ sở mới bắt đầu làm hàng tết. Dù chưa biết nhu cầu thị trường năm nay ra sao nhưng cơ sở đã chuẩn bị gần 8 tấn gạo nếp, hơn 3 tạ đậu xanh và hẹn gần 20 người vừa gói bánh vừa giao hàng đến hết ngày 29 Tết. 

* Duy trì vùng đặc sản

Bên cạnh việc phát triển các nghề truyền thống ở nhiều vùng quê, những năm sau này, Đồng Nai hình thành các vùng nuôi, trồng đặc sản cung ứng cho thị trường dịp Tết. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều vùng trồng bưởi, nhưng nổi tiếng hơn cả là vùng trồng bưởi Tân Triều (H.Vĩnh Cửu). Theo thống kê của địa phương, nơi đây có khoảng hơn 400ha bưởi với gần 20 giống khác nhau, trong đó, bưởi đường lá cam, da láng và bưởi ổi là đặc trưng riêng có của vùng đất Tân Triều. Bưởi Tân Triều ra quả quanh năm, nhưng người dân ưu tiên làm cho vụ Tết bởi nhu cầu của thị trường lớn, giá cao.

Ông Nguyễn Phan Biên, Chủ tịch Hội Làm vườn H.Vĩnh Cửu cho biết, bưởi Tân Triều từ lâu đã có danh tiếng trên thị trường trong và ngoài nước nhờ chất lượng ngon, mẫu mã đẹp. Trung bình mỗi năm, vùng trồng bưởi Tân Triều cung ứng cho thị trường Tết khoảng 800-1.000 tấn quả. Từ khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, người dân trồng bưởi gần như không phải lo đầu ra, giá thường cao hơn 1,5-2 lần so với các loại bưởi được trồng ở nơi khác. Để nâng cao giá trị cho loại quả này, nhiều nông dân đã tạo hình hồ lô, hình thỏi vàng, in chữ nổi trên quả bưởi.

 Một thời gian dài, người dân vùng Dầu Giây, Gia Kiệm (H.Thống Nhất) gắn bó với cây dong riềng. Các lò làm miến ở P.Tân Biên, P.Hố Nai về đây “đặt hàng” nông dân trồng loại cây này để lấy củ làm miến. Sau này, khi các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên trồng cây dong riềng nhiều, giá củ dong tươi không còn cao như trước, nhiều người chuyển sang trồng cây dong lấy lá phục vụ nhu cầu gói bánh chưng dịp Tết. Ngày nay, lá dong vùng Gia Kiệm không chỉ phục vụ nhu cầu tại địa phương, các tỉnh lân cận mà còn xuất khẩu ra nước ngoài phục vụ nhu cầu gói bánh chưng của bà con Việt kiều, mang lại nguồn thu không nhỏ cho người trồng.

Cá chép do người dân xã Bắc Sơn H.Trảng Bom nuôi và bán vào ngày đưa ông Táo (23 tháng chạp)
Cá chép do người dân xã Bắc Sơn H.Trảng Bom nuôi và bán vào ngày đưa ông Táo (23 tháng chạp)

Xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom là vùng nuôi cá chép cúng Tết ông Táo lớn nhất ở Đồng Nai, với sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm. Quá trình nuôi diễn ra trong nhiều tháng nhưng thời gian thu hoạch và bán trên thị trường chỉ vài ngày trước Tết ông Táo và sau Tết Nguyên đán. Theo Hội Nông dân xã Bắc Sơn, trên địa bàn hiện có khoảng 100 hộ nuôi cá các loại, trong đó có cá chép cúng Tết ông Táo và phóng sinh. Mặc dù thị trường có năm hút hàng, có năm ế, nhưng nuôi cá chép vẫn có kinh tế hơn trồng lúa, lại góp phần duy trì phong tục của người Việt. Những năm trước, cá chép vùng Bắc Sơn theo thương lái đi nhiều nơi trong tỉnh, TP.HCM, Tây nguyên và các tỉnh miền Tây. 

Gần nửa thế kỷ qua, người dân ấp Phúc Nhạc 2 (xã Gia Tân, H.Thống Nhất) gắn bó với nghề trồng hoa tết. Những người lớn tuổi trong nghề cho biết, trước đây, ấp Phúc Nhạc 2 là vùng trồng rau quanh năm. Nhận thấy nhu cầu chơi hoa dịp Tết Nguyên đán ngày càng nhiều trong khi Đồng Nai chưa có vùng trồng hoa nên một số hộ gia đình đã chuyển sang trồng hoa những tháng gần Tết. Người này học người kia, ấp Phúc Nhạc 2 trở thành vùng trồng hoa lớn nhất tỉnh với diện tích hàng chục ha. Nhờ thổ nhưỡng và kỹ thuật chăm sóc, hoa làng Phúc Nhạc 2 có màu sắc đẹp, cây khỏe được thị trường trong tỉnh, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận ưa dùng. Đây là lý do để người dân duy trì nghề trồng hoa tết dù có năm hoa thất,
giá rẻ.     

Hoàng Lộc

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích