Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp phần gìn giữ hương vị Tết

07:01, 30/01/2021

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đây là thời điểm, các bà, các chị yêu công việc bếp núc bắt đầu tất bật để chuẩn bị làm các món ăn đậm vị ngày Tết với mong muốn có một cái Tết đầy đủ, trọn vẹn nhất.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đây là thời điểm, các bà, các chị yêu công việc bếp núc bắt đầu tất bật để chuẩn bị làm các món ăn đậm vị ngày Tết với mong muốn có một cái Tết đầy đủ, trọn vẹn nhất.

Bà Trần Thị Tuyết (ngụ KP.5, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho tôm khô vào hũ để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Ảnh: Nga Sơn
Bà Trần Thị Tuyết (ngụ KP.5, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho tôm khô vào hũ để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Ảnh: Nga Sơn

Cũng như mọi năm, năm nay bà Trần Thị Tuyết (ngụ KP.5, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) vẫn tự tay chuẩn bị các món hành, kiệu muối, dưa món, tôm khô, các loại mứt, bánh chưng… phục vụ nhu cầu của gia đình trong dịp Tết Nguyên đán.

* Phục vụ nhu cầu gia đình

Sinh ra ở tỉnh Tiền Giang nhưng lấy chồng quê ở Phú Thọ, nên ngày Tết, bà Trần Thị Tuyết không chỉ chuẩn bị những món ăn đặc trưng của người miền Nam mà còn có cả những món ăn mang nét đặc trưng của người miền Bắc. Bà Tuyết kể, trước khi lấy chồng, bà ở với cha mẹ, hầu như món ăn ngày Tết đều do cha mẹ bà chuẩn bị, bà chỉ phụ làm những việc lặt vặt.

Từ ngày lập gia đình, vợ chồng bà về P.Tân Hiệp sinh sống, bà bắt đầu phải làm quen với việc tự chuẩn bị những món ăn đậm vị Tết cho gia đình. Theo chia sẻ của bà Tuyết, để làm được những món ăn thường xuất hiện trong dịp Tết, mang đặc trưng của người miền Bắc và miền Nam, bà đều phải học. Bà Tuyết còn nhớ, lần đầu tiên đặt chân về quê chồng (ở tỉnh Phú Thọ) cũng là lần đầu tiên bà gói bánh chưng. Ngày 29 Tết, cả nhà quây quần cùng chuẩn bị gói bánh chưng. Người thì xóc gạo, người rửa lá dong, người đãi đậu xanh, người chuẩn bị thịt heo… Và chỉ duy nhất một người gói bánh là cha chồng của bà.

Bà Trần Thị Tuyết chia sẻ, so với trước đây sự xuất hiện của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi với đa dạng các sản phẩm đã giúp giảm bớt gánh nặng chuẩn bị Tết của phụ nữ. Tuy nhiên, các bà, các chị - những người làm chủ gian bếp cần sáng suốt trong việc lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn cho cả gia đình trong dịp Tết.

Lúc cha chồng ngồi gói bánh, bà ngồi xem rồi xin gói thử. Chiếc bánh chưng (gói bằng lá dong) đầu tiên bà gói được cha chồng khen gói đẹp và chắc tay. Lời khen của cha chồng năm ấy như là động lực để Tết năm nào bà cũng gói bánh chưng.

Không chỉ duy trì gói bánh chưng mà từ sau ngày rằm tháng chạp bà Tuyết còn tự tay làm những hũ hành, kiệu muối, làm các loại mứt (như: dừa, gừng, cà rốt, khoai lang, bí…), làm giò thủ, tôm khô… Cầm trên tay khay tôm khô mới hoàn thành, bà Tuyết chia sẻ, để có món tôm khô ngon ăn với kiệu muối, bà thường chọn mua tôm đất (loại tôm tự nhiên, khi ăn vừa ngọt, vừa thơm) về hấp rồi lột vỏ, bỏ đầu, chỉ lưng và phơi dưới nắng. Chỉ cần phơi một nắng rồi bỏ hộp cất vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Tự mình làm các món ăn nên Tết đến, gia đình bà Tuyết chỉ phải mua thêm trái cây, hoa quả để cúng và trang trí.

Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phú Thọ, nên từ nhỏ cho tới khi lập gia đình, Tết nào bà Lê Thị Lan (ngụ ở KP.2, P.Bình Đa (TP.Biên Hòa) được chứng kiến trọn vẹn không khí đón Tết của người dân miền Bắc. Bà Lan nhớ lại, những ngày cận Tết, nhà nào cũng tất bật chuẩn bị làm các món ăn ngày Tết như: hành muối, cá trắm nướng, thịt đông, bánh chưng, mứt, bánh... Đặc biệt, gói bánh chưng trở thành một phong tục không thể thiếu vào dịp Tết của mỗi gia đình.

Bà Lê Thị Lan (ngụ KP.2, P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) gói bánh chưng cho khách
Bà Lê Thị Lan (ngụ KP.2, P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) gói bánh chưng cho khách

Vì vậy, sau kết hôn và theo chồng chuyển vào Đồng Nai sinh sống, bà Lan vẫn duy trì nếp của gia đình, phong tục của quê hương. Từ sau ngày 20 tháng chạp bà tranh thủ làm hành muối, dưa món. Những ngày nghỉ tết, bà dành thời gian để dọn dẹp, trang trí nhà cửa, gói bánh chưng. Bà Lan cho hay, thấy bà tất bật gói bánh, chuẩn bị món ăn, nhiều người vẫn nói vui với bà rằng Tết chỉ cần đi một vòng siêu thị là đầy đủ. Thế nhưng với bà Lan, việc tự tay chuẩn bị các món ăn đậm vị Tết không chỉ đảm bảo hợp khẩu vị gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm mà quan trọng hơn là nó đem lại không khí Tết.

* Giúp người bận rộn có một cái Tết đủ đầy

Tất bật làm các món ăn ngày Tết vừa để phục vụ nhu cầu trong gia đình, vừa để phục vụ nhu cầu của những người bận rộn, không thể tự làm các món ăn trong ngày Tết. Bà Lan chia sẻ, cách đây khoảng chục năm, mạng xã hội phát triển, mỗi lần có món ăn ngon, các con của bà đều chụp để đăng Facebook. Từ đó, bạn bè, đồng nghiệp của các con biết đến và đặt làm. Một vài năm đầu, bà còn đang làm việc nên chỉ nhận làm cho những người thật sự thân quen.

Người xưa có câu “Món ngon nhớ lâu”, những người thân quen sau khi ăn món bà làm đều rất thích và trở thành khách hàng thân thiết mỗi dịp xuân về. Chưa kể, người này ăn ngon lại giới thiệu cho người kia. Vì vậy, số lượng khách có nhu cầu sử dụng các món ăn ngày Tết do bà Lan làm ngày một đông. Tính bình quân mỗi Tết Nguyên đán, bà nhận gói khoảng 500 chiếc bánh chưng, bánh tét; làm cả ngàn hũ hành, kiệu muối…

Để có được chiếc bánh chưng có màu xanh, đậm vị, theo bà Lan, từ khâu chọn lá, xóc gạo, đãi đậu, chọn thịt đến gói bánh, nấu bánh… đều quan trọng. Lá dong dùng gói bánh phải là lá dong trồng, có màu xanh đậm. Gạo, đậu xanh dùng làm bánh phải được ngâm với nước muối có độ mặn vừa phải, sau đó xóc sạch tới khi nước trong; tiếp đến xay lá riềng và lá dứa trộn vào gạo để làm tăng màu xanh của bánh. Để chiếc bánh thơm ngon, phần thịt không quá nạc và không quá mỡ, xắt miếng lớn ướp gia vị, hành củ, tiêu xay vỡ… Khi gói bánh phải chặt tay. Bánh gói xong phải được nấu bằng bếp củi, ngập nước trong 12 giờ đồng hồ…

Bên cạnh các món bánh, dưa hành, củ kiệu muối, các món khô từ tôm, cá, mực, heo, bò, gà… các loại mứt là sản phẩm không thể thiếu trong dịp Tết của hầu hết các gia đình. Trong khi đó, nhiều gia đình bận rộn không có thời gian làm, thường chọn mua sẵn ở bên ngoài. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, chị Bùi Thị Khánh Linh (ngụ ở P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) nhiều năm nay đều cung cấp sản phẩm mứt dừa non ngũ sắc.

Chị Bùi Thị Khánh Linh (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) ướp màu hoa đậu biếc vào dừa non
Chị Bùi Thị Khánh Linh (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) ướp màu hoa đậu biếc vào dừa non

Chị Khánh Linh chia sẻ, năm nào cũng vậy bắt đầu từ khoảng đầu tháng chạp, chị nhận đơn hàng làm mứt của khách. Khách đặt hàng chủ yếu là người quen thân nên tiêu chí ngon, sạch, an toàn được chị đặt lên hàng đầu. Vì vậy, để cho ra sản phẩm mứt dừa non ngũ sắc đáp ứng các tiêu chí mà chị đặt ra là vô cùng vất vả. Theo chia sẻ của chị Khánh Linh, dừa non mua ở vựa lớn, uy tín.  Dừa sau khi mua về đã được gọt hết phần vỏ lụa, xắt sợi, chị Linh bắt tay vào công đoạn quan trọng đó là rửa dừa nhiều lần với nước lạnh, nước nóng cho tới khi nước rửa trong veo mới xong. Các loại màu dùng để ướp dừa đều được chị sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như: chanh dây, hoa đậu biếc, lá dứa, củ dền… nên khâu ép lấy nước cốt cũng khá kỳ công.

Dừa non sau khi ướp với nước màu, đường cho tới khi tan đường mới cho lên chảo sên với lửa vừa. Khi chảo mứt gần cạn nước thì sên lửa nhỏ liu riu, đảo đều tay tới khi khô. Mứt sau khi sên xong đổ ra khay, để dưới quạt cho nguội mới cho vào hũ để ở nơi thoáng mát. Mứt thành phẩm có màu bắt mắt, lại an toàn nên rất được các chị em ưa chuộng. Bình quân mỗi mùa tết chị Linh làm khoảng 100kg mứt dừa non ngũ sắc theo đơn đặt hàng của khách.

Nga Sơn

Tin xem nhiều