Báo Đồng Nai điện tử
En

Gặp lại Lão Hạc, Cậu Vàng

11:01, 08/01/2021

Bộ phim điện ảnh Cậu Vàng lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao do cố NSND Bùi Cường chấp bút, được công chúng trông chờ thưởng thức một tác phẩm thú vị khi gặp nhân vật chú chó "Cậu Vàng" trên màn ảnh.

Bộ phim điện ảnh Cậu Vàng lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao do cố NSND Bùi Cường chấp bút, được công chúng trông chờ thưởng thức một tác phẩm thú vị khi gặp nhân vật chú chó “Cậu Vàng” trên màn ảnh.

Đạo diễn Trần Vũ Thủy khi làm phim Cậu Vàng thừa nhận anh gặp áp lực lớn vì thực hiện tác phẩm theo tâm nguyện của cố NSND Bùi Cường (chính là người chấp bút kịch bản phim), đồng thời phải giữ được tinh thần, giá trị nhân văn từ nguyên tác Lão Hạc quá kinh điển và nổi tiếng của cố nhà văn Nam Cao (1915-1951).

* Lão Hạc nơi thôn quê

Khởi quay vào đầu mùa thu năm 2019 tại miền Bắc, bộ phim cho thấy bối cảnh nông thôn Việt Nam được đặt dưới những góc nhìn mới với vẻ đẹp yên bình, làng quê Vũ Đại bát ngát, cánh đồng hoa cải thơ mộng... Đó là nơi chứa “tình làng nghĩa xóm” đáng quý cho dù đời sống con người nơi đây còn rất nhiều cơ cực.

Dàn diễn viên Cậu Vàng khá hùng hậu gồm: diễn viên Viết Liên vai Lão Hạc, NSƯT Hữu Châu vai Bá Kiến, NSƯT Chiều Xuân vai Bà Cả, Khánh Huyền vai Bà 2, Băng Di vai Mợ 3, Will vai Lý Cường, Phương Nam vai Binh Tư, Thanh Bình vai Lê Văn, Trần Lê Nam vai Giáo Thứ, Thanh Hoa vai Bà Giáo, Doãn Hoàng vai Cò, Bích Ngọc vai Cải, Diệp Thanh Phong vai Trương Tuần và đặc biệt là chú chó vai Cậu Vàng.

Các nhà làm phim hôm nay cũng tìm kiếm sự mới mẻ khi phản ánh hình ảnh người nông dân lúc bấy giờ. Đó là những người thiện lương, chân chất, giản dị, dù gặp muôn vàn khó khăn gian khổ đời thường vẫn dũng cảm dám đứng lên vì lẽ phải, phản kháng lại bạo lực, cường quyền từ những người mang vai vế tầng lớp trên. Có thể nói Cậu Vàng là một xã hội thu nhỏ mà hai giai tầng giàu - nghèo, thiện - ác đều ẩn chứa những số phận đặc biệt, thậm chí những bi kịch riêng.

Lão Hạc vốn là một truyện ngắn đặc sắc của Nam Cao, miêu tả hiện thực đói kém, cùng khổ, đau đớn của tầng lớp nông dân ở thôn quê khi chịu ách thống trị, áp bức, đầy bất công trong giai đoạn giao thời “nửa thực dân, nửa phong kiến” nửa đầu thế kỷ XX. Những người nông dân vốn lam lũ, chân chất tận hưởng cuộc sống bình yên với sự lạc quan, yêu đời mà lão Hạc là nhân vật điển hình. Lão Hạc chính là đại diện cho tầng lớp nông dân nghèo thấp cổ bé họng với nhiều cảm xúc thay đổi. Thoạt tiên, lão là người chịu đựng bất công. Sau đó, lão chọn con đường phản kháng bất bạo động.

Nghệ sĩ gạo cội Viết Liên đã có một vai diễn phù hợp cả diện mạo (giảm cân, dành nửa năm để râu thật rồi quay phim) lẫn cách diễn, khiến khán giả vừa cảm phục, vừa xót xa cho thân phận và những gì diễn ra trong đời lão Hạc. Nhưng trên hết, giá trị nhân văn cao đẹp mà lão Hạc để lại vẫn toát lên chân thực, gây xúc động thật sự cho người xem.

* Chú chó thành anh hùng

Với nhân vật chính - chú chó Cậu Vàng vốn đồng hành với lão Hạc đối diện với kẻ xấu cường hào ác bá nên có sự tương tác, phối hợp ăn ý với nhau. Ở phim trường, diễn viên Viết Liên làm quen và tạo sự thân thiết với chú chó. Còn trên phim, hai nhân vật người và chó cũng thoải mái bên nhau. “Chú chó dễ dàng làm theo ý tôi, chắc chắn sẽ khiến khán giả thích thú khi chứng kiến Cậu Vàng diễn xuất” - diễn viên Viết Liên chia sẻ trong buổi ra mắt phim ngày 7-1 tại TP.HCM.

Những cảnh quay lão Hạc ôm chặt Cậu Vàng trong tay khi ngồi trước thềm ngôi nhà tranh đơn sơ tuềnh toàng, lão chơi đùa với chú chó hiền lành với ánh mắt đầy yêu thương, rồi lão lại nhăn mặt đầy đau khổ trong lòng gây ấn tượng trên nền ca khúc nhạc phim Chuyện làng tôi do ca sĩ Tùng Dương trình bày. Cậu Vàng được xem là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam mà “diễn viên chính” là một chú chó. Đặc biệt chú chó ấy tham gia hầu hết mắt xích trong chiều dài phim, với rất nhiều cảnh quay đặc sắc từ việc ngoan ngoãn trong vòng tay của chủ đến việc xung đột với đồng loại… Ấn tượng nhất là cảnh Vàng chống lại những kẻ xấu muốn giết hại cậu, tấn công bọn cường hào ác bá lẫn cảnh cậu “khóc” khi chứng kiến dân làng tiễn đưa lão Hạc về nơi an nghỉ.

Dù mạch phim chậm, ít cao trào, lại “ôm” quá nhiều nhân vật, tình tiết… khiến khán giả có phần “mệt mỏi” khi xem, việc “nhân bản hóa” chú chó Vàng và tạo ra cao trào là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của đạo diễn Trần Vũ Thủy trong tâm huyết “tưởng nhớ, tri ân cố nhà văn Nam Cao”. Vàng đã trở thành “người hùng” khi trừng trị cái ác theo luật nhân - quả ở đời. Một điều chú ý nữa là kịch bản phim đã “lay chuyển” tính thiện lương của nhân vật “tay sai” Binh Tư, góp phần đề cao giá trị nhân văn trong đời sống. “Chúng tôi muốn bộ phim đọng lại trong tâm tưởng người xem về tình người, sự đối nhân xử thế” - đạo diễn Vũ Thủy chia sẻ.

Quốc Tú

Tin xem nhiều