Báo Đồng Nai điện tử
En

Chào đón năm mới 2021:Trong khó khăn vẫn lạc quan

04:01, 01/01/2021

"Chia tay" năm 2020 nhiều biến động, hầu hết mọi người ở các ngành nghề khác nhau đều có những nguyện ước, tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong năm mới 2021.

“Chia tay” năm 2020 nhiều biến động, hầu hết mọi người ở các ngành nghề khác nhau đều có những nguyện ước, tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong năm mới 2021.

Nhiều người học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: B.NHÀN
Nhiều người học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: B.NHÀN

[links()]* Năm 2020 đầy biến động

Ngay những ngày đầu năm 2020, nhiều nước trên thế giới bắt đầu “làm quen” với loại dịch bệnh mới, dịch Covid-19. Loại virus mới SARS-CoV-2 cũng mang theo nhiều nguy hiểm mới đe dọa đến tất cả các nước ở mọi lĩnh vực. Mới đây, Google đã đưa ra báo cáo hằng năm về các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất năm 2020 trên các danh mục khác nhau. Trong đó, cụm từ “Corona virus” được xếp hạng thứ 6.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nguy hiểm này, hằng ngàn lao động phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và phải chuyển đổi nghề mới. Hơn 10 năm làm quản lý bán hàng chuyên về giày, tháng 5-2020, chị Huỳnh Thị Kim Tuyến (36 tuổi, ngụ tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) phải nghỉ việc. Dịch bệnh khiến cho công việc của chị Tuyến ít dần; công ty cũng cắt giảm nhân sự. “Không còn lựa chọn khác, tôi phải nghỉ việc, làm chế độ bảo hiểm thất nghiệp để duy trì cuộc sống. Tôi cũng cố gắng tìm một công việc khác phù hợp hơn” - chị Tuyến tâm sự.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Tuyến, anh Bùi Trần Minh Triết, 40 tuổi, ngụ tại P.Hố Nai, TP.Biên Hòa buộc phải nghỉ việc. Anh Triết là hướng dẫn viên du lịch, thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Nhưng khi cả thế giới bị dịch Covid-19 hoành hành thì nghề hướng dẫn viên du lịch lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ tháng 2-2020, anh Triết đã bắt đầu rơi vào cảnh thất nghiệp.

Gia đình anh Trần Tấn Trọng, ngụ tại P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa có xưởng sản xuất cơ khí chuyên cung cấp hàng cho các doanh nghiệp từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiện cơ sở sản xuất của anh gặp không ít khó khăn. Ước tính doanh số năm 2020 giảm khoảng 30% so với năm trước. Anh Trọng tâm sự: “Dù không phải là năm khó khăn nhất trong gần 50 năm cuộc đời, nhưng năm nay là năm khó quên nhất. Ai cũng sợ một con virus và phòng ngừa nó bằng nhiều biện pháp chặt chẽ”.

* Những cơ hội mới

Ngược dòng thời gian sau Tết Nguyên đán 2020, hàng triệu học sinh - sinh viên phải nghỉ học do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thầy Nguyễn Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế cho hay, thời điểm đó, nhà trường cũng cho học sinh - sinh viên của trường nghỉ học theo chủ trương chung của tỉnh và toàn quốc. Dù nghỉ học nhưng việc hoàn thành chương trình vẫn phải đáp ứng được kế hoạch đề ra. Do đó, nhà trường chuyển từ học trực tiếp thành mô hình học online. “Tuy nhiên, ngành Y khá đặc thù nên việc học online cũng cần những có những yêu cầu riêng. Các thầy cô của trường đã tự quay các clip giảng bài trên mô hình học online cho sinh viên. Nhờ vậy, khả năng sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên cũng được nâng cao” - thầy Quang chia sẻ.

Sau khi nhận các khoản trợ cấp thất nghiệp, nhiều người như anh Triết, chị Kim Tuyến… đã tìm hướng đi mới cho mình. Chị Kim Tuyến chia sẻ, nhiều năm trước, chị luôn mơ ước sẽ mở một tiệm làm nails, trang điểm, gội đầu do mình làm chủ. Nhưng điều kiện không cho phép, công việc trước đây của chị chiếm hết thời gian. “Khi nhận tin mình sẽ mất việc làm, lúc đầu tôi cũng buồn và lo lắng nhiều vì không biết mình sẽ làm gì để trang trải cuộc sống tiếp theo. Phần vì thị trường lao động đòi hỏi tay nghề cao hơn, phần vì tôi cũng lớn tuổi. Dù vậy, sau nhiều đêm đắn đo, tôi tìm lại ước mơ của mình và thực hiện nó” - chị Tuyến kể.

Vừa nhận được chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chị Tuyến đã đăng ký ngay lớp học nghề hỗ trợ dành cho những người mất việc. Từ tháng 5, chị Tuyến bắt đầu học nghề nails, gội đầu, trang điểm. Mới đây, chị Tuyến đã mở một tiệm trang điểm nhỏ tại P.Tân Hiệp. Dù tiệm mới nhưng nhiều khách hàng đã đến sử dụng dịch vụ.

Còn anh Triết bắt đầu học lớp làm bánh và chả giò. Từ những kiến thức ở lớp, anh Triết đã cho ra đời các thành phẩm để phục vụ gia đình và bán cho những người xung quanh. “Tôi đầu tư khoảng 10 triệu đồng để mua máy móc làm giò chả. Dịch bệnh cũng là cơ hội để tôi tạo ra bước ngoặt của cuộc đời” - anh Triết nhận định.

Cũng như nhiều người khác, vài tháng nay, chị Nguyễn Thị Hồng Chung, 36 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa đã bắt đầu học nghề may để chuyển đổi nghề nghiệp. Trước đây, chị Chung làm công nhân ngành nhựa cho một công ty. Vì con còn nhỏ, cần người chăm sóc nên chị Chung đã quyết định nghỉ việc. Chị không muốn kinh tế gia đình đặt hết lên vai chồng nên quyết định học nghề may để mở tiệm may tại nhà và may đồ cho mọi người trong gia đình.

* Tin tưởng vào năm mới 2021

Chia sẻ về nguyện ước trong năm 2021 này, thầy Nguyễn Hồng Quang mong vaccine ngừa Covid-19 sẽ được tiêm đại trà, dịch bệnh được đẩy lùi để mọi hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội phục hồi. “Đã có những lúc học sinh, sinh viên chỉ mong được đến trường học tập như bình thường cũng trở nên khó khăn. Tôi mong năm mới tình trạng này sẽ không lặp lại” - thầy Quang nói.

Qua đầu năm mới 2021, với những người quanh năm chân lấm tay bùn, anh Đặng Thành Viên, ngụ tại xã Phú Lâm, H.Tân Phú ước mong mưa thuận, gió hòa để tăng năng suất. Những ngày này, vợ chồng anh Viên luôn bận rộn chăm sóc rau để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán đang đến gần. Vì vậy, các thành viên trong gia đình anh phải thay phiên nhau chăm sóc rau để không mất mùa.

Ngoài trồng rau, vợ chồng anh Viên nuôi vài chục con bò theo mô hình trang trại nhỏ. “Năm nay, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhất là phương pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi để mở rộng quy mô trang trại, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội” - anh Viên bày tỏ.

Còn anh Triết, chị Kim Tuyến, chị Chung cũng mong rằng, họ sẽ thành công trong nghề mới mà họ lựa chọn. Mỗi người đều mở tiệm riêng và “buôn may bán đắt”.                           

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho hay, năm 2020, cả thế giới đã chứng kiến mức độ nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra. Tất cả các ngành nghề trong đời sống xã hội đều bị ảnh hưởng nặng nề. Để ổn định đời sống xã hội, mục tiêu khống chế và đẩy lùi dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng nhất. Năm nay, ngành Y tế vẫn tiếp tục chủ động các biện pháp phòng chống dịch, khống chế và dập tắt dịch kịp thời, không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn và hạn chế tử vong, nhất là dịch Covid-19, sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, sốt rét…

                                                                                                         Bích Nhàn

 

Tin xem nhiều