Báo Đồng Nai điện tử
En

Tục thờ đá ở Biên Hòa

02:12, 18/12/2020

Khi đã thờ thì đá được tôn làm "Ông" nên ở KP.1, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa, trên đường vào đình Tân Lại (ngay đối diện cổng 1, tức cổng chính giao dịch hành chính, Trường song ngữ Lạc Hồng) có miếu thờ Ông Đá. Bảng trước miếu ghi rõ Miếu (miễu) Ông Đá.

Khi đã thờ thì đá được tôn làm “Ông” nên ở KP.1, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa, trên đường vào đình Tân Lại (ngay đối diện cổng 1, tức cổng chính giao dịch hành chính, Trường song ngữ Lạc Hồng) có miếu thờ Ông Đá. Bảng trước miếu ghi rõ Miếu (miễu) Ông Đá. Thật ra miếu thờ Ông Đá là một hình thức khác của tín ngưỡng thờ Thổ địa, tức thần đất.

Một miếu thờ Ông Đá ở TP.Biên Hòa. Ảnh: T.L
Một miếu thờ Ông Đá ở TP.Biên Hòa. Ảnh: T.L

Biên Hòa có 3 miếu thờ Ông Đá nhưng mỗi nơi có những điểm khác biệt nhau. Đó là các miếu Ông Đá ở KP.1, P.Bửu Long; miếu Ông Đá trong di tích cấp quốc gia Đình Tân Lân (tức đình thờ Trần Thượng Xuyên) và thờ đá ở miếu Đắc Phước, P.Tân Vạn.

Miếu Ông Đá, nơi đây bảng ghi là Cổ Thạch Miếu, có thờ một tảng đá phủ vải, bên trên có bài vị gọi là Thổ Thần, thờ thần Đất, cũng có thể hiểu Thần Đá bảo vệ đất này. Một tảng đá cụ thể được tôn thành thần và thờ, là thổ thần của miếu và của người dân KP.1 và KP.2, P.Hòa Bình.  Hình dạng thần Đá ở miếu trong khuôn viên đình Tân Lân hình trụ, tròn, như tượng linga người Chăm. Trụ đá cũng được phủ mấy lớp vải điều. Có các  bảng chữ Hán, thạch thần và thổ thần.

Chưa rõ Cổ thạch miếu ở khuôn viên đình Tân Lân có chuyện dân gian hay không, bà con dựng miếu là người Hoa, nên có tên là Cổ thạch miếu, thạch là đá, tức miếu cổ thờ đá. Riêng 2 miếu Ông Đá ở Bửu Long và Tân Vạn có chuyện kể dân gian xung quanh Ông Đá. Tên chữ của miếu thờ Ông Đá ở P.Tân Vạn là miếu Đắc Phước.

Với miếu Ông Đá ở P.Bửu Long có chuyện rằng, trẻ chăn trâu bò (gọi chung là mục đồng) thấy tảng đá hình đầu người xuất hiện trên cánh đồng, thấy lạ nên đã khấn vái cầu xin thì linh ứng. Mục đồng kể lại, dân làng ra thấy cũng cầu xin và linh ứng liền xây một ngôi miếu thờ ngay vị trí tảng đá ở cánh đồng đó. Ông Lê Văn Trọng, sinh năm 1953, người thủ đền hiện nay hướng dẫn chỉ hòn đá góc cạnh phủ mấy lần vải đỏ (vải điều ), có tấm thêu hoa văn, nói rằng, đá có chân sâu dưới lòng đất, đào không hết chân, dân làng xây miếu thờ tại chỗ. Khuôn viên miếu thờ hiện nay còn 1.600m2 ở KP.2, P.Bửu Long. Vậy là đá được tôn thành thần, thờ cho đến ngày nay. Khu vực này nay đô thị hóa, một ít diện tích còn lại trồng cây công nghiệp cũng thành đất ở đô thị và dự án phát triển khu dân cư bằng nguồn vốn doanh nghiệp tư nhân tiếp giáp đến Văn miếu Trấn Biên. Cắt ngang đường Huỳnh Văn Nghệ, có con đường chưa được đặt tên chạy tới giáp đường Nguyễn Du, đến gần cổng Văn miếu Trấn Biên. Xung quanh đã đô thị hóa, nhà cao tầng, riêng miếu Ông Đá vẫn khiêm tốn như căn nhà cấp 4. Ngày Rằm và 16-2 âm lịch hằng năm dân làng cúng Ông Đá. Năm 2020 do đại dịch Covid-19 nên lễ cúng gọn lại, không có xây chầu, tức hát tuồng. Dù vậy lễ cúng vẫn diễn ra trong 2 ngày Rằm và ngày 16-2 âm lịch. Lễ chính vào khuya ngày Rằm rạng sáng ngày 16. Người dân cố cựu, bản địa làm công quả, đóng góp cúng thần.

Miếu Đắc Phước ở Tân Vạn thờ Thần Đá cũng có câu chuyện tương tự. Do bên bờ sông Đồng Nai nên có chuyện rằng, trên mặt sông xuất hiện một tảng đá lững lờ, không trôi đi. Dân làng thấy lạ, kéo vào, thấy hình hao hao đầu người, đặc biệt là đá nhưng không chìm. Mọi người cho là điều linh, rước về lập miếu thờ. Từ đó dân làng không xảy ra mất mùa thiếu đói. Đắc là được, phước là phúc, phước; thần đá thành thần thành hoàng của làng.

So với đất thì đá với hình thù đặc biệt được tôn thành thần nhưng cũng là một hình thức khác của thổ thần. Một vật nào đó cho là linh thiêng, tôn thành thần thành hoàng, tin vào điều tốt, có thờ có thiêng, có kiêng có lành, trong sinh hoạt lễ hội thờ Ông Đá, ai cũng nguyện cầu quốc thái dân an với lòng thành kính, không mê tín, tự răn mình, nhắc nhở con cháu là mỹ tục dân gian ở Biên Hòa.

Trần Trị An

Tin xem nhiều