Báo Đồng Nai điện tử
En

Thừa nam, thiếu nữ - nguy cơ hiện hữu

03:12, 18/12/2020

Theo Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), ước tính đến năm 2050, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ so với nam giới, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không được can thiệp hiệu quả.

Theo Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), ước tính đến năm 2050, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ so với nam giới, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không được can thiệp hiệu quả.

Chăm sóc bé sơ sinh tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai
Chăm sóc bé sơ sinh tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai

* Vẫn còn tâm lý sinh bằng được con trai

Vợ chồng chị P.T.T.N., 33 tuổi, ngụ tại TT.Tân Phú, H.Tân Phú đang “phấn đấu” để sinh con trai. Hiện vợ chồng chị N. đã có 2 con gái kháu khỉnh, học giỏi; bé lớn 8 tuổi, bé nhỏ 5 tuổi. “Chồng là con trai trưởng nên tôi nhất định phải sinh được con trai” - chị N. nói.

Trường hợp như vợ chồng chị N. không phải là hiếm... ThS-BS Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, nếu để tự nhiên, không có sự can thiệp của con người, tỷ lệ nam, nữ ngang nhau, hoặc tỷ lệ nam chỉ nhỉnh hơn nữ không đáng kể. Nhưng khi có sự can thiệp, tỷ lệ nam nhiều hơn so với nữ sẽ kéo theo nhiều hệ quả. Ngay chính bản thân các bà mẹ cũng chọn sinh con trai để nối dõi tông đường. Như vậy, có nhiều phụ nữ sẽ phá thai dù thai lớn (có trường hợp thai nhi đến 20 tuần tuổi) khi biết thai nhi là bé gái. Tại các bệnh viện, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe phụ nữ và cả vấn đề đạo đức, họ không thực hiện phá những thai nhi đã lớn. Do đó, khi có ý định bỏ thai, sản phụ sẽ đến các cơ sở y tế tư nhân để phá thai... “chui”.

“Thực tế, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp sản phụ bị tai biến do phá thai. Với tâm lý sinh bằng được con trai, người phụ nữ sẽ phải mang thai nhiều lần và cũng phá thai nhiều lần. Lúc đó, họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý rất nặng nề” - BS Hoan nói.

* Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” còn phổ biến

Trung bình mỗi ngày, cả 2 khu A và B tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có từ 40-60 trẻ được sinh ra. Trong đó, số bé trai vẫn nhiều hơn bé gái, chiếm khoảng 52%.

Theo số liệu của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Đồng Nai có tỷ lệ giới tính là 108 bé trai/100 bé gái.

ThS-BS Mai Xuân Phương, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông - giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho hay, ước tính đến năm 2050, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không được can thiệp hiệu quả. Trong đó, với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc, sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng hơn so với các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ.

ThS-BS Mai Xuân Phương, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông - giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) chia sẻ: Tình trạng lựa chọn giới tính trước sinh trở nên nghiêm trọng hơn tại những địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung. Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng lo lắng về tình trạng mất cân bằng giới tính. Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ... là bức tranh rõ nét nhất của tình trạng thừa nam, thiếu nữ nghiêm trọng từ chính sách sinh ít con. Giới hạn số con, người dân các nước này sử dụng phương pháp lựa chọn giới tính khi sinh, chỉ sinh con trai. Do thực hiện trong nhiều năm, các nước này đã và đang đối mặt với tình trạng thừa nam, thiếu nữ trầm trọng, phải “nhập khẩu” cô dâu.

“Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra muộn, nhưng tốc độ gia tăng nhanh và kéo theo nhiều hệ lụy lớn. Cụ thể, sức khỏe sinh sản của nữ giới sẽ bị ảnh hưởng vì tỷ lệ phá thai cao. Chúng ta còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ. Do đó, nhiều gia đình sẽ chọn sinh con trai mà phá bỏ những thai nhi là con gái” - ông Phương nhận định.

Nhiều năm nay, Bộ Y tế đã đưa ra những cảnh báo về mất cân bằng giới tính và những hệ lụy, tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Điều đáng lo ngại là khi thiếu quá nhiều nữ, tình trạng buôn bán trẻ em gái sẽ diễn ra phức tạp hơn. Diễn biến này còn làm mất cân bằng xã hội trong vấn đề phân bổ việc làm. Nhiều ngành nghề do phụ nữ đảm nhận sẽ thay thế bởi đàn ông trong tương lai. Cấu trúc gia đình cũng bị đảo lộn” - ông Phương cho biết.

* Khắc phục tình trạng “nam thừa, nữ thiếu”

Chính phủ đã đưa ra nhiều nghị quyết, quyết định đề ra các giải pháp về dân số; ngành Y tế đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, các chiến dịch tuyên truyền, vận động. Trong đó, các hoạt động của Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đã được mở rộng, bao phủ cả nước ở các xã, phường có chỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh. Ông Phương cho rằng, việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân để kiểm soát mất cân bằng giới tính là điều vô cùng quan trọng. Trong đó, việc sử dụng những người nổi tiếng, người có uy tín để tuyên truyền sẽ mang lại hiệu quả cao. “Để thay đổi tư tưởng trọng nam, khinh nữ thì chúng ta phải có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ trẻ em gái. Ví dụ, giảm, miễn học phí cho các bé gái khi đi học ở tất cả các trường mầm non hoặc hỗ trợ những gia đình sinh 2 con gái...” - ông Phương nói.

Một bé trai mới sinh tại Trung tâm Y tế H.Nhơn Trạch
Một bé trai mới sinh tại Trung tâm Y tế H.Nhơn Trạch

Điều quan trọng khác là nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính ở các cơ sở y tế, các phòng khám tư về sản khoa, siêu âm. Hiện nay, hành vi thông báo cho các bậc cha mẹ biết giới tính của con mình rất phổ biến, bằng những ám hiệu, ký hiệu nên dù có thanh, kiểm tra cũng khó bắt lỗi. Tuy nhiên, ngành Y tế cũng phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm. Điều quan trọng hơn là ý thức của nhân viên y tế.

Mục tiêu DS-KHHGĐ giai đoạn hiện nay đã khác nhiều so với trước đây. Cụ thể, những năm trước đây, nói đến công tác dân số chính là kế hoạch hóa gia đình (giảm sinh). Nhưng theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số đã đổi thành dân số và phát triển, trong đó, duy trì mức sinh hợp lý (từ 2-2,1con/mỗi cặp vợ chồng). Hiện nay, Đồng Nai đã ở mức sinh thấp nên Trung ương không giao mục tiêu giảm sinh cho công tác dân số của tỉnh.

Do đó, công tác dân số hiện tập trung vào nhiều mục tiêu khác như: tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sau sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân, mất cân bằng giới tính khi sinh, người già được khám bệnh. Dù mức sinh của Đồng Nai đang ở mức thấp, nhưng ngành Dân số vẫn không khuyến khích người dân sinh con thứ 3.

ThS-BS Mai Xuân Phương nhận định, công tác DS-KHHGĐ của Đồng Nai là một trong những yếu tố góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Dù vậy, nhiều cặp vợ chồng vẫn luôn mong muốn có con trai. Đây là quan điểm đã bắt nguồn từ rất lâu đời ở nước ta, không phải ngày một, ngày hai là có thể xóa bỏ quan niệm này. “Để thay đổi quan niệm “trọng nam khinh nữ” hiện nay là cả một “cuộc chiến” lâu dài. Hậu quả của quan niệm này là chênh lệch giới tính giữa bé trai và bé gái hiện nay là khá lớn” - ông Phương nhận định.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều