Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguyễn Xuân Sanh - Xuân Thu Nhã tập và thơ

09:12, 25/12/2020

Thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh vừa mất (16-11-1920 * 22-11-2020), thi nhân cuối cùng được nhắc đến trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân (HT-HC) và được giới thiệu trong Việt Nam thi nhân tiền chiến của Phan Canh và Nguyễn Tấn Long, gồm 3 tập xuất bản ở Sài Gòn trước 1975 và sau năm 1975 được NXB Văn học tái bản.

Thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh vừa mất (16-11-1920 * 22-11-2020), thi nhân cuối cùng được nhắc đến trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân (HT-HC) và được giới thiệu trong Việt Nam thi nhân tiền chiến của Phan Canh và Nguyễn Tấn Long, gồm 3 tập xuất bản ở Sài Gòn trước 1975 và sau năm 1975 được NXB Văn học tái bản.

Thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh. Nguồn: vnexpress.net
Thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh. Nguồn: vnexpress.net

Nói đến Nguyễn Xuân Sanh người ta nói ngay đến nhóm Xuân Thu nhã tập nhằm cách tân văn chương, nhất là thơ trong giai đoạn 1930-1945 và chính thời gian này HT-HC cho ra đời cuốn Thi nhân Việt Nam mà theo giới nghiên cứu và thưởng lãm thì chưa có cuốn bình thơ nào qua mặt được Thi nhân Việt Nam của HT-HC về thơ trong giai đoạn này. Thế nhưng trong sách Thi nhân Việt Nam, HT-HC chỉ nhắc qua Nguyễn Xuân Sanh, không có phần riêng giới thiệu ông. Trong phần dẫn nhập “Một thời đại trong thi ca”, HT-HC chỉ viết một câu: “Các Ô. Bích Khê và Xuân Sanh noi theo gương Mallarmé, Valéry không thèm gìn giữ gì hết”. Mallarmé và Valéry là hai trong số các nhà thơ Pháp theo phái Tượng trưng còn gọi là chủ nghĩa Tượng trưng và nhóm Xuân Thu nhã tập theo đuổi mục tiêu cách tân thơ Việt (giai đoạn 1930-1945), chịu ảnh hưởng các nhà thơ này. Nhắc tên nhưng không viết giới thiệu, bình thơ Nguyễn Xuân Sanh mà giới thiệu một thành viên khác trong nhóm là Đoàn Phú Tứ với bài Màu thời gian và lời bình “có cánh”: Nhưng thơ hay không cần nhiều. Đoàn Phú Tứ chỉ làm dăm bảy bài mà hầu hết là những bài có đặc sắc. (...) Tôi tưởng Đoàn Phú Tứ có thể đọc thơ mình trước mọi người mà không sợ ngượng.

... Tóc mây một món chiếc dao vàng

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình một thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát.

Bài thơ 18 câu, HT-HC dùng đến 10 chú thích và bình thêm: Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế.

Còn với Nguyễn Xuân Sanh, chính trong ấn phẩm Xuân Thu nhã tập mới được tái bản, có bài Buồn xưa in chung Màu thời gian với cước vận đều thanh bằng:

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi

Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y

Rượu hát bầu vành cung ướp hương

(...)

Hiến dâng

Hiến dâng quả bồng hường

Hoàng tử nghiêng buồn vây tóc mưa

Đường tàn xây trái buổi du dương

Thời gian ơi tưới hận chìm tường

Nguồn buồn lạnh lẽo thoát chung hơi

Ngọt ngào nhớ chảy tự trăm phương

Có ảnh hưởng Mallarmé phái Tượng trưng nhưng Nguyễn Xuân Sanh dịch thơ Mallarmé còn dễ hiểu hơn như bài Die Autumn (Mùa thu chết)

 Vô cùng bỡ ngỡ...

Máu em sôi trào

Chính anh đã trao

Cuộc đời cho gió...

Ngọt ngào dữ tợn

Trong mái tóc em

Hồn anh khát thèm

Ấy điều anh muốn.

Học ở Quy Nhơn rồi ra Quốc học Huế, Nguyễn Xuân Sanh là bạn thân thiết với Huy Cận, thời gian này ông viết bài Gió thu được Chế Lan Viên yêu thích:

(...) Bàn tay anh ướt chút sương sa

Hỏi lại lòng anh những mặn mà

Chiếc lá cuối cùng vừa mới rụng

Thế là đã hết gió thu qua...

Xuân Thu nhã tập ra đời năm 1942 với những Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Lương Ngọc, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và chỉ in được 1 ấn phẩm nhưng gây được tiếng vang rồi mất hút sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Người ta biết Nguyễn Xuân Sanh tham gia kháng chiến chống Pháp, phụ trách tạp chí Sáng Tạo ở Liên khu IV. Ông làm Hiệu trưởng Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ đến 9 năm, từ năm 1966-1975. Gia tài thơ của ông đồ sộ thêm với 8 tập thơ sáng tác và hơn 10 tập thơ dịch khắp các nước 5 châu.

Trong số các bài thơ sau này, có bài đưa vào sách giáo khoa bậc tiểu học, như bài Cô giáo lớp em:

Cô dạy em tập viết

Gió đưa thoảng hương nhài

Nắng ghé vào cửa lớp

Xem chúng em học bài

Những lời cô giáo giảng

Ấm trang vở thơm tho

Yêu thương em ngắm mãi

Những điểm mười cô cho.

Thi sĩ cuối cùng của phong trào Thơ Mới 30-45 Nguyễn Xuân Sanh qua đời và dữ liệu được nhắc ngay là Xuân Thu nhã tập, chưa hẳn vì là hay, là sáng tạo có sức thuyết phục và lan tỏa nhưng được nhắc vì khát vọng sáng tạo của người làm văn chương được ghi nhận.

Trần Trị An

Tin xem nhiều