Báo Đồng Nai điện tử
En

Anh hùng lực lượng vũ trang - đại tá Trần Công An: Con người đặc biệt, phẩm chất đặc biệt

11:12, 18/12/2020

"Ai về xứ sở miền Đông Đều nghe danh tiếng của Ông Hai Cà". Đó là 2 câu thơ nói về Anh hùng lực lượng vũ trang, đại tá Trần Công An - người con ưu tú của Cù lao Rùa Thạnh Hội.

“Ai về xứ sở miền Đông

Đều nghe danh tiếng của Ông Hai Cà”

Đó là 2 câu thơ nói về Anh hùng lực lượng vũ trang, đại tá Trần Công An - người con ưu tú của Cù lao Rùa Thạnh Hội. Qua nghiên cứu tìm hiểu lịch sử về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của đại tá Trần Công An, có thể nhận thấy những điều đặc biệt như sau:

Điều đặc biệt thứ nhất, ông được sinh ra vào ngày 20-12-1920 tại làng Nhựt Thạnh. 26 năm sau, khi làng Thạnh Hội khởi nghĩa giành chính quyền, thì ông hai Trần Công An bắt đầu gia nhập lực lượng vũ trang với tư cách là Xã đội trưởng xã Thạnh Hội trực thuộc Ủy ban Hành chính kháng chiến xã nhà. Ngày ông được sinh ra gần như trùng hợp một cách ngẫu nhiên đặc biệt với ngày Bác Hồ khai sinh ra tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng mà sau này ông gắn bó cả đời với tổ chức này.

Điều đặc biệt thứ hai, là từ một cậu bé mồ côi cha lúc mới 7 tuổi, nhà không một mảnh đất để canh tác, sản xuất, hai mẹ con phải làm thuê kiếm sống. Vậy mà bước qua tuổi hai mươi, chàng trai của làng Nhựt Thạnh đã sắm được đôi trâu để đi cày mướn và sau đó không lâu, ông mua được hai mẫu ruộng, cất một ngôi nhà bằng gỗ căm xe, lợp ngói thay cho ngôi nhà tranh vách đất; là một tấm gương lao động cật lực mà các bậc cao niên thời đó của làng quê Thạnh Hội lấy ông làm tấm gương để dạy dỗ con cháu noi theo. Những lời khen ngợi của bà con trong làng dành cho chàng thanh niên Hai Cà nhìn bề ngoài có vẻ như là chuyện “nước, phân, cần, giống” mà ông bà chúng ta đã tổng kết từ lâu. Nhưng không chỉ có vậy, cái “Bí mật” của việc Hai Cà “Mua trâu, tậu ruộng, cất nhà” chính là cái cối đá xanh mua từ tiệm điêu khắc đá ở làng Bửu Long đặt ở sau nhà, mà sau mấy mươi năm chinh chiến trở về làng, ông Hai Cà đến nhà ông Mai Văn Nhung xin chuộc lại bởi vì nó là vật kỷ niệm của đời ông.

Việc kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với tiểu công nghiệp và thương nghiệp của gia đình ông Hai Cà vào những năm bốn mươi của thế kỷ trước là một điều đặc biệt của người nông dân có tính sáng tạo.

Điều đặc biệt thứ ba, là ngày 20-12-1946, sau khi bằng tay không bắt một tên lính Pháp giải lên rừng ông Đông - bà Tri giao cho Bí thư Huyện ủy Tân Uyên Huỳnh Văn Đính nhờ chuyển đến “Thi tướng rừng xanh Huỳnh Văn Nghệ - Chi đội trưởng Chi đội 10. Ngay sau đó ông Cổ Tấn Chương - Huyện đội trưởng Tân Uyên chỉ đạo 4 anh lính của Huyện đội đưa ông Hai Cà quay trở về nhà xin với mẹ được thắp ba nén nhang trên bàn thờ gia tiên với lời khấn đầy nước mắt “Nước Việt bị tước mất độc lập, dân Nam bị thực dân đè đầu cưỡi cổ nên con xin tổ tiên họ Trần được đốt nhà từ đường, đưa vợ con lên rừng kháng chiến. Vì có ở lại cũng không thể yên với giặc Pháp đóng ở bót Tân Ba”.

Được sự thuận tình của mẹ, ông Hai Cà nhờ thanh niên trai tráng trong làng và 4 chiến sĩ của Huyện đội cùng ông về nhà chất bả mía, rưới dầu hôi đốt ngôi nhà mới xây cách đó không lâu mà không chút tiếc nuối. Trong bóng đêm của ngày gần cuối năm, ngọn lửa ngày càng bốc cao sáng rực cả một góc Cù lao Rùa, khiến cả làng cùng thức giấc. Đó là ngọn lửa của lòng yêu nước cháy lên từ trái tim của người thanh niên nông dân được cả làng yêu mến. Ngọn lửa ấy đã làm thức tỉnh nhiều thanh niên trong làng như: Ba Đang, Hai Đa, Tư Cá, Năm Măng, Hai Bơi, Phát Trúc... thoát ly gia đình lên rừng Chiến khu Đ tham gia kháng chiến. Đó là ngọn lửa đặc biệt của phong trào tiêu thổ kháng chiến cháy lên từ Cù lao Rùa mà sau đó gần 1 tháng, ngày 16-1-1947 từ Việt Bắc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn dân thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Cho nên có thể nói ngọn lửa cháy từ trái tim của ông Hai Cà của Cù lao Rùa hồi ấy, là ngọn lửa đặc biệt của lòng yêu nước nhân dân Thạnh Hội, mà ông Hai Cà là người tiêu biểu.

Dưới tượng đài Chiến sĩ đặc công, Anh hùng lực lượng vũ trang - đại tá Trần Công An kể chuyện truyền thống với học sinh thời đại tá còn sống. Ảnh: Tư liệu
Dưới tượng đài Chiến sĩ đặc công, Anh hùng lực lượng vũ trang - đại tá Trần Công An kể chuyện truyền thống với học sinh thời đại tá còn sống. Ảnh: Tư liệu

Điều đặc biệt thứ tư, sau khi tự tay châm lửa đốt nhà, gửi mẹ cho bà con chăm sóc giúp, cả nhà ông đều lên rừng tham gia kháng chiến. Ông được phân công làm Huyện đội phó phụ trách dân quân của H.Tân Uyên, sau này là Tỉnh đội trưởng tỉnh Biên Hòa và vợ của ông là bà Trương Thị Niếu - Thượng sĩ quân đội nhân dân Việt Nam; các con và các cháu của ông có nhiều người nối nghiệp tham gia lực lượng vũ trang.

Cho nên có thể nói, gia đình của ông Hai Trần Công An là “Phu thê, phụ tử, tử tôn đã thành đồng chí, chung câu quân hành”. Đây là một gia đình đặc biệt của xã Thạnh Hội mà cũng là gia đình đặc biệt của tỉnh Bình Dương.

Điều đặc biệt thứ năm, ông Hai Trần Công An có được cái diễm phúc 7 lần gặp Bác Hồ.

Năm 1952, ông Hai Trần Công An được cấp trên phổ biến phân công dự hội nghị toàn quốc về “Du kích chiến tranh”. Sau mấy tháng trời trèo đèo, vượt suối, băng rừng bằng nguồn năng lượng đặc biệt là trái tim sục sôi lòng yêu nước và khát khao được gặp Bác Hồ, ông Hai Cà đã về đến Việt Bắc dự hội nghị “Du kích chiến tranh” kéo dài 1 tháng. Lúc khai mạc, Bác Hồ vừa đi chiến dịch Tây Bắc trở về đã đến nói chuyện với hội nghị và tặng riêng Huy hiệu cho ông.

Sau đó, ông được giữ lại học lớp du kích chiến tranh kéo dài 6 tháng. Đến giữa năm 1953, khi lớp học gần kết thúc, Bác Hồ lại đến thăm với yêu cầu Ban tổ chức lớp học bố trí cho anh em Nam bộ được ngồi gần Bác để Bác cảm nhận được gần đồng bào Miền Nam thân yêu và đây là lần thứ hai ông được gặp Bác. Tưởng rằng sau khi kết thúc lớp học sẽ được trở về Nam chiến đấu nhưng theo Chỉ thị mới, ông Hai Trần Công An được ở lại dự lớp “Chỉnh huấn về cải cách ruộng đất” kéo dài 3 tháng. Kết thúc lớp chỉnh huấn về cải cách ruộng đất, Bác Hồ đến thăm và đây cũng là lần thứ ba ông được gặp Bác.

Sau Hiệp định Giơnevơ, ông Hai Trần Công An được tập kết ra Bắc và được triệu tập về Bộ Quốc phòng dự hội nghị “Sửa sai cải cách ruộng đất”, lần này là lần thứ tư ông Hai được gặp Bác Hồ với lời dạy: “Đã sai thì phải sửa để mang lại niềm tin cho nhân dân, các chú có trọng trách ấy”. Đến giữa năm 1959, ông Hai có vinh dự đi dự Đại hội toàn quân và được gặp Bác Hồ, khi Bác đến dự, phát biểu với đại hội. Đây là lần thứ năm, chàng trai của Cù lao Rùa được gặp người đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Cuối năm 1959 - lần thứ sáu ông được gặp Bác Hồ, do Bộ Quốc phòng tổ chức buổi gặp mặt 600 cán bộ Miền Nam ở Hội trường Ba Đình. Lúc ông Hai Trần Công An chuẩn bị về Nam, thì Bác Hồ và Bác Tôn đến tận đơn vị đóng ở bên bờ sông Đáy, tỉnh Sơn Tây thăm bộ đội miền Nam. Lần này, ông Hai vinh dự được Bác Hồ bắt tay, cười tươi và căn dặn “Bác bắt tay chú Trưởng đoàn, đại diện cho toàn thể anh em. Chúc các chú lên đường trở về vui vẻ, bình an và chiến thắng. Bác gửi lời thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam nhé!”.

Cùng với vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ, điều mà ông Hai Trần Công An cảm nhận mình có vinh dự rất đặc biệt. Đó là ngày 19-3-1967, tức 29 năm sau, đúng ngày ông Hai chỉ huy trận đánh Tháp canh cầu Bà Kiên tiêu diệt 11 tên địch, tịch thu 10 súng và 20 quả lựu đạn, mở ra cách đánh mới, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Binh chủng đặc công.

Điều đặc biệt thứ sáu là, qua 76 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, những người lính được vinh dự mang tên Bộ đội Cụ Hồ đi qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đã lập được nhiều chiến công. Cho nên có thể nói những quân nhân mang cấp hàm Đại tá như ông Hai Trần Công An trong cả nước có nhiều, rất nhiều, nhưng các quân nhân lập được thành tích đặc biệt xuất sắc được phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thì đến năm 2006 cả nước có được 1.286 người nhận được vinh dự đặc biệt này, trong đó có đại tá Trần Công An.

Điều đặc biệt thứ bảy, đến nay ông Hai Trần Công An về với Bác Hồ đã 12 năm, nhưng mỗi lần Đình làng Nhựt Thạnh cúng lệ Kỳ yên, dân làng đều nhắc lại câu chuyện “Ông đại tá lạy dân” với tình cảm và lòng kính trọng đặc biệt dành cho người con ưu tú của làng quê Cù lao Rùa. Từ đó làng Thạnh Hội nói với nhau: ông Hai Trần Công An không chỉ lạy thần linh mà sáu cái lạy giữa Đình làng chính là những cái lạy nhân dân, lạy truyền thống văn hóa của làng quê. Những cái lạy ấy đã đi vào lòng dân, nên những điều hay lẽ phải từ chuyện tranh chấp cái mương nước hay chuyện mâu thuẫn gia đình khi ông Hai đến khuyên giải mọi người đều răm rắp nghe theo.

Thân dân, trọng dân, kính dân và lạy dân là phẩm chất đặc biệt của ông Hai Trần Công An - một người cán bộ hưu trí luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời của ông hơn 60 năm sống, chiến đấu, công tác với tư cách là một người lính có đầy đủ phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ hết lòng vì nước, vì dân. Cho nên đối với nhân dân Cù lao Rùa - Thạnh Hội, ông Hai là một người đặc biệt với rất nhiều sự kiện đặc biệt gắn liền với cuộc đời của một người mà trong hồi ký của mình, thiếu tướng Nguyễn Tư Cường - nguyên Tư lệnh Binh chủng đặc công tôn vinh ông là “Ông Tổ của Binh chủng đặc công”.

Mai Sông Bé

 

 

Tin xem nhiều