Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người mẹ đặc biệt

07:11, 13/11/2020

Mỗi người một hoàn cảnh, một độ tuổi song điểm chung của những người phụ nữ đang chăm sóc, dạy dỗ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chính là tình yêu thương trẻ vô bờ bến.

Mỗi người một hoàn cảnh, một độ tuổi song điểm chung của những người phụ nữ đang chăm sóc, dạy dỗ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chính là tình yêu thương trẻ vô bờ bến.

Bà Hoàng Thị Ánh, viên chức Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - cơ sở 3 cùng với trẻ tại trung tâm. Ảnh: Nga Sơn
Bà Hoàng Thị Ánh, viên chức Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - cơ sở 3 cùng với trẻ tại trung tâm. Ảnh: Nga Sơn

Chính tình yêu thương trẻ đã giúp những người phụ nữ ấy vượt qua chính mình từ những ngày đầu đến với trung tâm, là động lực để họ tiếp tục gắn bó với công việc, sưởi ấm tâm hồn những đứa trẻ thiếu may mắn.

* Vượt qua chính mình

14 năm gắn bó với công việc chăm sóc trẻ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - cơ sở 3 nhưng trong ký ức của bà Ngô Trần Hồng Hạnh về những ngày đầu đến với trung tâm vẫn còn vẹn nguyên. Bà Hồng Hạnh kể, trước đây bà làm công việc nội trợ, đưa đón con đi học. Năm 37 tuổi, con gái đã lớn có thể tự đi học nên bà kiếm việc làm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và dành dụm lúc về già. Lúc ấy, thấy Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - cơ sở 3 (trước đây là Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật tỉnh) đang cần người làm nên bà mạnh dạn thử sức vào làm tại Bộ phận chăm sóc trẻ khuyết tật lớn.

Theo đại diện Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - cơ sở 1 và cơ sở 3, hiện tại 2 cơ sở có 133 trẻ (cơ sở 1 có 65 trẻ; cơ sở 3 có 68 trẻ). Mỗi cơ sở có một đặc thù khác nhau. Tại cơ sở 1, hầu hết trẻ đều lành lặn, khi đủ tuổi đến trường được đi học văn hóa, học nghề; trong khi đó, phần lớn trẻ ở cơ sở 3 là trẻ bị khuyết tật nặng phải nằm một chỗ, chỉ có số ít trẻ khuyết tật nhẹ vẫn có thể đi lại, vui chơi…

Chỉ sau 1 ngày vào làm việc tại trung tâm, bà Hạnh bị sốc và ngày hôm sau đã không quay trở lại trung tâm làm việc. Theo bà Hạnh, lúc đầu xin vào làm bà cứ nghĩ những đứa trẻ trong trung tâm cũng giống như những đứa trẻ bình thường khác nên công việc có lẽ cũng không quá khó đối với một người có nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ như bà. Thế nhưng, công việc thực tế khác xa với những gì bà tưởng tượng. Những đứa trẻ ở đây phần lớn là khuyết tật, cơ thể các em là cơ thể của người trưởng thành nhưng nhận thức lại như đứa trẻ lên 2, đến vệ sinh cá nhân cũng không thể tự làm.

Các em không chỉ khiếm khuyết về thể chất mà điều làm bà Hạnh trăn trở nhất là phần lớn đều bị chính người thân bỏ rơi nên luôn khao khát có được tình yêu thương của mọi người. Sau 3 tuần suy nghĩ, trăn trở, cuối cùng bà Hạnh trở lại trung tâm. Công việc của bà mỗi khi nhận ca là cùng với một nhân viên chăm sóc 31 trẻ từ ăn uống, tắm rửa - vệ sinh cho đến việc dọn dẹp khuôn viên nơi trẻ ở, chăm trẻ mỗi khi đau ốm…

Mặc dù công việc chăm sóc trẻ đặc biệt không dễ dàng nhưng bà Hoàng Thị Ánh (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) quyết định nghỉ làm công nhân để đến với những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Bà Ánh chia sẻ, từ ngày chuyển về làm việc tại trung tâm, các con của bà bắt đầu học cách tự lập vì mẹ thường xuyên vắng nhà, nhất là thời điểm trẻ ở trung tâm bệnh phải nằm viện theo dõi. Không chỉ chăm sóc trẻ, mỗi khi có trẻ qua đời trong ca trực, bà Ánh cũng thường là người tắm rửa, làm thủ tục khâm liệm cho trẻ. “Tôi là người nhát gan, những việc này tôi chưa từng làm trước khi vào trung tâm. Nhưng nghĩ đến việc có thể giúp được những đứa trẻ thiếu may mắn thanh thản ra đi mà tôi có thể vượt qua được nỗi sợ của chính mình” - bà Ánh bộc bạch.

* Gắn bó bởi tình thương với trẻ

Cách đây 5 năm, bà Nguyễn Thị Bảy nhận quyết định nghỉ hưu sau 15 năm gắn bó với công việc chăm sóc trẻ sơ sinh tại Trung tâm Bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa (nay là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - cơ sở 1). 15 năm gắn bó với trẻ sơ sinh, đã quen với tiếng khóc, tiếng cười của trẻ, quen với việc tụi nhỏ mè nheo đòi bế bồng… nên sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, bà Bảy xin ở lại tiếp tục công việc chăm sóc trẻ.

Mỗi khi thời tiết thay đổi, trẻ nhỏ bệnh hàng loạt, công việc chăm sóc trẻ của cán bộ, nhân viên trung tâm vất vả hơn nhiều. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Bảy đang bón cho trẻ từng muỗng thuốc
Mỗi khi thời tiết thay đổi, trẻ nhỏ bệnh hàng loạt, công việc chăm sóc trẻ của cán bộ, nhân viên trung tâm vất vả hơn nhiều. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Bảy đang bón cho trẻ từng muỗng thuốc

Bà Bảy cho biết, đến nay tròn 20 năm bà gắn bó với công việc chăm sóc trẻ sơ sinh. So với nhóm trẻ lớn đã biết tự ăn tự chơi, chăm sóc trẻ sơ sinh cũng có cái khó, cái dễ. Một số trẻ khi vào trung tâm sinh thiếu tháng, một số nhẹ cân (bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai)… nên sức khỏe thường yếu, hay gặp phải các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa. 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc trẻ, bà Bảy không nhớ nổi đã bao lần phải thức đêm chăm trẻ ở bệnh viện, nhất là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường.

Khi được hỏi về động lực nào đã giúp bà có thể vượt qua những vất vả để gắn bó với công việc, bà Bảy cho hay, phần vì công việc đã làm quen, phần vì thương trẻ mà gắn bó. “Nhiều lúc nhìn ánh mắt trong veo, tiếng cười hồn nhiên của trẻ, tôi không khỏi nghẹn ngào. Cũng là con người được sinh ra trong cuộc đời nhưng lại không được cha mẹ, người thân đón nhận, chăm sóc. Vì vậy, không ít lần con cái tôi khuyên nghỉ ngơi ở nhà nhưng chính tình cảm của bọn trẻ ở trung tâm đã níu chân tôi ở lại đến hôm nay” - bà Bảy nói.

Chị Lưu Thị Lân, viên chức Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - cơ sở 1 vui đùa với 2 trẻ sinh đôi tại trung tâm
Chị Lưu Thị Lân, viên chức Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - cơ sở 1 vui đùa với 2 trẻ sinh đôi tại trung tâm

Với nhóm trẻ nhỏ, công việc chăm sóc chỉ dừng lại ở việc ăn, ngủ, vui chơi, còn đối với nhóm trẻ lớn đến tuổi đi học thì ngoài việc chăm sóc cho trẻ từng miếng ăn, giấc ngủ, những người mẹ ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - cơ sở 1 còn đảm đương cả nhiệm vụ giáo dục trẻ trở thành những công dân tốt của xã hội.

Hơn 13 năm gắn bó với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - cơ sở 1, chị Ngô Thị Minh Hoàng hiểu rõ tính nết của từng đứa trẻ nơi đây. Chị Minh Hoàng cho biết, với những đứa trẻ đến trung tâm từ khi còn nhỏ, việc giáo dục trẻ vào nếp từ rất sớm. Tuy vậy, những trẻ đến độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi khiến người lớn đôi khi cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của trẻ. Với những đứa trẻ ở giai đoạn này, chị Hoàng cũng như những cán bộ, nhân viên ở trung tâm đều phải dành thời gian gần gũi trò chuyện để trẻ có niềm tin và sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ tuổi mới lớn để kịp thời định hướng.

Theo chị Hoàng, giúp những đứa trẻ lớn có hoàn cảnh đặc biệt đã có một khoảng thời gian dài sống ở bên ngoài mới là vấn đề khó. Có trẻ mất 3 tháng để hòa nhập, nhưng cũng có trẻ phải mất 6 tháng hoặc lâu hơn mới quen với nề nếp ở trung tâm. Trong khoảng thời gian này, chị Hoàng và anh chị em đồng nghiệp đều phải dành nhiều thời gian, công sức để chia sẻ, động viên, giáo dục trẻ bằng những tấm gương tốt. Sau nhiều năm gắn bó với trẻ, chị Hoàng và những cán bộ, viên chức đang làm việc tại trung tâm nhận ra rằng, chỉ có tình yêu thương mới giúp các em tìm lại chính mình và cố gắng vươn lên.

Nga Sơn

Tin xem nhiều