Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người đi gieo chữ...

06:11, 13/11/2020

Những năm 85 của thập niên 80, nói theo cách nói của tuổi teen bây giờ là thế hệ 6X chúng tôi bắt đầu tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Ngày biết kết quả tốt nghiệp, chúng tôi lưu luyến chia tay nhau sau khi đã hoàn thành chuyến đi công tác xã hội ở huyện đảo Cần Giờ.

Những năm 85 của thập niên 80, nói theo cách nói của tuổi teen bây giờ là thế hệ 6X chúng tôi bắt đầu tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Ngày biết kết quả tốt nghiệp, chúng tôi lưu luyến chia tay nhau sau khi đã hoàn thành chuyến đi công tác xã hội ở huyện đảo Cần Giờ. 

Niềm vui của cô và trò trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: H.M.Quyên
Niềm vui của cô và trò trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: H.M.Quyên

* Những Paven của ba mươi lăm năm trước

Tạm biệt giảng đường cũ kỹ của cơ sở 2, nơi mà tiếng hát, đêm thơ rồi những buổi thuyết trình, những diễn đàn vẫn cất lên rộn rã; chúng tôi đi thăm khu nhà ăn, tạm biệt các cô chú cấp dưỡng với những bữa cơm đạm bạc, món “canh toàn quốc”, tạm biệt thư viện, giảng đường với bao tiết học say mê, chúng tôi như đàn chim rời tổ ấm mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ đi khắp mọi miền của Tổ quốc. Lúc ấy đa phần là về quê hương để nhận công tác. Một số người chuyển về tỉnh khác nếu có giấy đăng ký kết hôn. Số ít mang trong tim mình khát vọng cống hiến khi xung phong về những nơi khó khăn nhất để gieo tri thức góp phần xây dựng đất nước. Tôi là một trong số ít ấy. Xách ba lô lên đường mà tim cứ rộn ràng hành khúc Một đời người một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Vâng, sinh ra trên cuộc đời này cần đem sức trẻ để cống hiến như một lẽ thường tình mà thôi. Chúng tôi nguyện làm “một nốt trầm xao xuyến”, theo triết lý của Paven trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy: Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho đáng sống... Thập niên ấy rất nhiều thanh niên đã mang trong mình tình yêu lý tưởng theo kiểu của Tố Hữu:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim”.

Họ có mặt trên các nông trường, ở biên giới góp sức trẻ đem lại màu xanh hòa bình cho Tổ quốc. Còn nhớ chị bạn tên Thanh Xuân đã từng xung phong đi bộ đội. Mà không phải chỉ có mình chị, cả lớp chị thời đó đã rủ nhau trốn nhà xung phong đi bộ đội. Chị bước vào giảng đường đại học với làn da tái xanh vì di chứng của những trận sốt rét để lại. Thời đó rất nhiều anh chị bộ đội đã trở về sau chiến tranh và họ bước vào giảng đường với màu áo lính quen thuộc. Chúng tôi thường gọi đùa họ là các chiến binh Tây Tiến. Rất nhiều bạn trẻ đã sống rất đẹp với tuổi thanh xuân như thế.

Vì thế tôi và một số ít bạn đã khoác ba lô xung phong đi đến vùng biên giới với tất cả sự hân hoan. Vâng, nơi tôi và thầy T.H. (bạn sinh viên cùng khóa) đến nhận nhiệm sở là vùng biên giới của tỉnh An Giang. Mảnh đất còn bao di chứng của chiến tranh để lại. Ngôi chùa ở huyện H.Ba Chúc còn những vết máu của nhân dân do bọn phản động thảm sát. Ngọn đồi Tức Dụp tưởng như còn bỏng rát bom đạn của Mỹ ngụy. Đêm tối vùng biên giới không có điện. Nơi ở của giáo viên là mái chùa cất tạm nóng nực. Mỗi tối trước khi ngủ, chúng tôi phải định hướng trước để có động còn biết đường chạy.

Mảnh đất ấy còn tặng chúng tôi bao thử thách: Từ khí hậu khắc nghiệt với cái nắng cháy da vào ban ngày, lạnh cắt thịt vào ban đêm vì khí núi tỏa ra rồi tháng khô thì không giọt nước. Đã có những giọt nước mắt rơi khi nghe tiếng chuông chùa của đồng bào dân tộc vang lên mỗi buổi chiều. Giáo viên trong trường đều là lực lượng tăng cường nên khá trẻ. Chúng tôi lúng túng từ cách đọc tên học sinh là người dân tộc cho đến những trận cười nghiêng ngả vì cách dùng từ rất ngộ nghĩnh của học trò. Dạy lớp 12 mà cứ tưởng mình đang dạy cấp 1. Học trò xứ núi đi học trễ nên thua cô chủ nhiệm chỉ một đến hai tuổi. Sau buổi học, các em ra đồng hoặc lên rẫy trên núi phụ cha mẹ làm việc. Thế là bao bài học từ giảng đường sư phạm đành phải thay đổi cho phù hợp với thực tế. Ban ngày dạy học trò, tối dạy bổ túc cho các cán bộ của các cơ quan, ban, ngành. Công việc cuốn chúng tôi đi. Nhờ sức trẻ nên dẫu có ăn cơm độn, cá rô con kho mặn đến mức nằm mơ cũng thấy cá rô nhưng nhiệt huyết thì không hề vơi đi. Tổ Văn có hai người mà vẫn hăng say bàn bạc các buổi thuyết trình, diễn minh họa. Những can nước Thốt nốt rồi những đòn bánh, trái cây từ rẫy của phụ huynh như xoài, mãng cầu, hạt điều… đem tặng toàn bộ giáo viên cùng những nụ cười chân chất như sự sẻ chia, thấu hiểu bao vất vả, hy sinh của các thầy cô giáo. Có những bạn xung phong về nông thôn miền Tây, kể chuyện tập đi cầu khỉ, tập bơi xuồng mùa nước nổi rồi ói đến mật xanh khi biết phụ huynh đãi mình món thịt chuột đồng. Hay như bạn Thu Hương xung phong đến tận vùng núi xa xôi ở Đà Lạt với bao vất vả, gian nan.

Cứ thế, bao khó khăn cứ ập đến. Có những năm tháng lương không đủ sống, giáo viên buộc phải làm thêm bao nghề tay trái để giữ vững bài ca sư phạm cho khỏi lạc nhịp. Cô giáo buộc phải chiên bánh phồng tôm, chiên đậu phộng rang, bỏ mối nước đá, bán rau, trái cây ngoài chợ… Có thầy phải đi đạp xích lô, xe lôi mỗi tối. Biết bao nghề tay trái ấy với những giọt mồ hôi và cả nỗi xấu hổ nhưng để nghề tay phải được sống, để gieo chữ trong hành trình đầy gian khổ.

* Ba mươi lăm năm sau, hoa đã nở…

Sau chặng đường 35 năm với bao thăng trầm, lũ chúng tôi giờ đã bước vào lứa tuổi nghỉ hưu, lứa tuổi mà dân văn chương gọi cho thi vị là “tuổi heo may”. Nhìn ngắm nhau qua hình ảnh rồi đối chiếu, so sánh để nhận ra những gian khổ, thăng trầm của cuộc đời hằn in trên gương mặt của nhau. Ngày xưa, mặt bầu bĩnh, mắt trong veo với những nụ cười hồn nhiên còn bây giờ mắt vẫn đen và lấp lánh bên những vết chân chim. Thời gian để biết ta không còn trẻ nữa nhưng nụ cười lạc quan thì vẫn ngập tràn. Gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Có nhiều bạn đã từng là hiệu trưởng, hiệu phó hay trở thành lãnh đạo của tỉnh. Có nhiều bạn vừa cầm phấn vừa cầm bút để trở thành nhà văn- nhà giáo. Có bạn lại hoàn toàn không dính gì tới nghề giáo mà trở thành nhà báo, nhà văn như: nữ nhà văn HH, nhà báo T. H, S. H, V.T.N (đã mất)… Có người đã mất, có người trở thành giáo sư, tiến sĩ như tiến sĩ giáo dục nổi tiếng P.T.L. Thế mà cứ đến ngày khai trường, ngày lễ 20-11, đọc Facebook của nhau cứ thấy hằn lên nỗi nhớ, nỗi tương tư. Nhớ từ tiếng trống trường, nhớ cái giật mình thức giấc cuống cuồng vì sợ trễ giờ, nhớ những sấp bài làm văn mà khi chấm chỉ dám đem ra độ mươi bài để đỡ áp lực… Cũng phải thôi vì tất cả đã gắn bó với chúng tôi hơn nửa đời người, tất cả đã là máu thịt, là một phần của cuộc đời… Dõi theo Facebook của nhau, lại thấy hạnh phúc khi bạn mình được mời về trường, lại thướt tha duyên dáng trong tà áo dài bên học trò, đồng nghiệp. Có bạn khoe những bức ảnh chụp chung với lớp học trò ngày đầu ra trường. Thầy trò tóc bạc như nhau nhưng các em vẫn kính trọng thưa thầy, thưa cô.

Cô và trò Trường THCS Phú Lâm (H.Tân Phú) trong giờ học. Ảnh minh họa: Hải Yến
Cô và trò Trường THCS Phú Lâm (H.Tân Phú) trong giờ học. Ảnh minh họa: Hải Yến

Điều vui nhất là các học trò của chúng tôi ngày ấy đang tiếp bước thầy cô xây dựng đất nước. Các em có mặt khắp mọi miền đất nước với đủ mọi ngành nghề. Chàng trai tuổi 17 năm xưa cố tình bỏ quên tập thơ để khoe với cô giáo nay đã là đại tá quân đội và vẫn làm thơ. Có em làm giám đốc ngân hàng rồi phó chủ tịch huyện… Vâng, sau 35 năm, các em đã là những bông hoa trên những cánh đồng đầy khô cằn mà năm xưa chúng tôi đã gieo trồng. Mùa dịch, cô học trò nhỏ vùng nông thôn nghèo năm xưa nay đã là đồng nghiệp của tôi gởi cho cô giáo bịch khô, mắm, hạt chia với dòng chữ khiến mắt cô nhòa lệ: “Cô ơi, ngày xưa tụi con nghèo quá lại quậy phá khiến cô phải buồn phiền. Giờ tụi con đã trưởng thành, có chút quà quê báo hiếu người mẹ thứ hai của con. Cô giữ gìn sức khỏe nhé”. Học trò miền núi khi xưa đón tôi bằng xe hơi đắt tiền để gặp lại bao học trò và đồng nghiệp năm xưa. Các em nhắc từng thầy cô với bao kỷ niệm khiến chúng tôi bồi hồi. Các em và những vùng đất khó khăn ấy chính là thanh xuân của nhà giáo chúng tôi. Các em giữ nhiều chức vụ khác nhau nhưng vẫn trân quý công lao giảng dạy và sự hy sinh của lớp người đưa con đò tri thức. Có bạn đi khám bệnh lại được chính học trò của mình là bác sĩ chuyên khoa II của một bệnh viện nổi tiếng khám. Cô giáo ngồi lặng đi vì xúc động khi thấy học trò ân cần xem kỹ từng bệnh án, ân cần dặn dò từng tí một rồi đưa cô ra cửa với câu nói: “Từ nay cô cứ để con chăm sóc sức khỏe cho cô”.

Nghề giáo với bao thăng trầm, được và mất, vui và buồn nhưng đi đến đâu cũng được học trò của mình dành cho sự quý mến. Phải chăng đó chính là bài ca sư phạm mà chúng tôi đã dùng cả cuộc đời để viết lên những nốt nhạc vui…

Hoàng Mai Quyên 

Tin xem nhiều