Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng nghề trăm tuổi đất kinh kỳ

11:11, 28/11/2020

Được công nhận là làng nghề làm tò he duy nhất tại Việt Nam, từ hàng trăm năm nay, ngoài công việc đồng áng, người dân ở làng Xuân La (thuộc xã Phượng Dực, H.Phú Xuyên, Hà Nội) còn là những nghệ nhân nặn tò he (món đồ chơi dân gian của trẻ em được nặn bằng bột nếp), vừa cho thu nhập về kinh tế vừa gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian độc đáo của Việt Nam.

Được công nhận là làng nghề làm tò he duy nhất tại Việt Nam, từ hàng trăm năm nay, ngoài công việc đồng áng, người dân ở làng Xuân La (thuộc xã Phượng Dực, H.Phú Xuyên, Hà Nội) còn là những nghệ nhân nặn tò he (món đồ chơi dân gian của trẻ em được nặn bằng bột nếp), vừa cho thu nhập về kinh tế vừa gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian độc đáo của Việt Nam.

Trẻ em thích thú với món đồ chơi dân gian lạ mắt
Trẻ em thích thú với món đồ chơi dân gian lạ mắt

Với mục đích lưu giữ và quảng bá những giá trị văn hóa dân gian của nghề làm tò he đất kinh kỳ, làng nghề tò he đã được tái hiện ngay tại khu vực Phố đi bộ Hồ Gươm của thủ đô Hà Nội để khách du lịch có cơ hội trải nghiệm, khám phá sự độc đáo trong từng công đoạn, tạo ra sản phẩm đồ chơi đậm chất dân gian của các nghệ nhân sinh ra và lớn lên ở làng nghề trăm tuổi.

* Nghề tạo hình nhiều con vật

Vừa thoăn thoắt đôi tay nhào nặn hình ảnh nàng tiên cá, anh Chu Văn Tết, nghệ nhân trẻ tuổi của làng nghề Xuân La vừa vui vẻ giới thiệu với chúng tôi về làng nghề làm tò he của quê anh. Là con trong gia đình có truyền thống làm tò he từ hàng trăm năm nay, hằng ngày, anh Tết vượt quãng đường khoảng 30km với các nguyên liệu, bàn ghế để bày bán tò he tại một khu vực được UBND TP.Hà Nội bố trí riêng cho các nghệ nhân làng nghề tò he trưng bày các sản phẩm của mình.

Anh Tết cho biết, để trở thành nghệ nhân làm tò he, anh phải học tất cả các công đoạn từ pha nguyên liệu bằng bột nếp đến cách tạo màu sắc. Sản phẩm tò he là những nhân vật, con vật dân gian như: hình dáng những em bé, các dụng cụ làm nông, con trâu, con gà, con heo... Ngày nay nghề làm tò he càng đòi hỏi có sự sáng tạo hơn với rất nhiều hình dáng các nhân vật trong phim hoạt hình, truyện tranh mà các em bé yêu cầu.

 “Những ai lớn lên ở làng Xuân La hầu hết đều biết làm tò he, riêng những nghệ nhân làm tò he có đôi bàn tay rất khéo léo và trí tưởng tượng phong phú. Ngoài ra, các nghệ nhân còn cập nhật kịp thời những sở thích về các con vật của trẻ em hiện đại để làm theo yêu cầu của khách hàng. Ví dụ như: hình ảnh siêu nhân, xe ô tô, các con vật nổi tiếng trong phim hoạt hình...” - anh Tết cho biết.

Theo một số nghệ nhân làm tò hè, để tạo được một sản phẩm hoàn chỉnh, công đoạn quan trọng là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Nguyên liệu chính là bột nếp, có độ dẻo, nhiều màu sắc. Ngày xưa, các nghệ nhân sử dụng màu từ thiên nhiên như: màu xanh lấy từ một số loại rau, lá; gấc để làm màu đỏ, nghệ làm màu vàng... Tuy nhiên, ngày nay có khá nhiều nguyên liệu phụ trợ, trong đó có đất sét và màu thực phẩm làm sẵn có sắc tươi hơn, được trẻ em thích hơn.

Nghệ nhân trẻ tuổi Chu Văn Tết đang nặn tò he theo yêu cầu của khách hàng
Nghệ nhân trẻ tuổi Chu Văn Tết đang nặn tò he theo yêu cầu của khách hàng

Ông Đặng Văn Tiên, một trong những nghệ nhân có gian hàng tại Phố đi bộ Hồ Gươm cho biết, từ khi phố đi bộ hình thành vào năm 2016 đến nay, nghề làm tò he có cơ hội được nhiều người biết đến. Từ đó, những gia đình có gian hàng trưng bày tại phố đi bộ có cơ hội tăng thu nhập.

“Tò he thường được bán tại các lễ hội, khu vui chơi, trường học cho thiếu nhi. Mang tính chất là những món đồ chơi dân gian dành cho trẻ em và được làm hoàn toàn bằng bàn tay nhào nặn của các nghệ nhân nên mỗi sản phẩm tò he luôn được thu hút bởi sự gần gũi, ngộ nghĩnh” - ông Tiên chia sẻ.

* Đưa làng nghề đi xa

Nghề làm tò he đã có từ hàng trăm năm nay và trở thành thói quen của người dân xã Xuân La. Tuy không mang về thu nhập cao, nghề chính của làng vẫn là làm nông nhưng nghề làm tò he vẫn được người dân nâng niu và giữ gìn. Hiện nay, làng nghề có 10 nghệ nhân được công nhận là nghệ nhân cấp thành phố. Mới đây, trong danh sách xem xét tặng danh hiệu nghệ nhân cấp nhà nước, 18 nghệ nhân nặn tò he được đề xuất xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đối với người dân làng Xuân La, đây là niềm vinh dự, là sự động viên lớn để những nghệ nhân tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian của một làng nghề truyền thống đã có hàng trăm năm ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Đĩnh, nghệ nhân lâu năm của làng nghề này cho biết, các nghệ nhân làng tò he thường bận rộn nhất vào mùa lễ hội trong khoảng 3 tháng đầu năm. Dịp này, phần lớn nghệ nhân, thợ nghề phải rong ruổi trong các lễ hội, phiên chợ để bán tò he ở các địa phương trong cả nước. Theo thời gian, sản phẩm tò he được nhiều người dân trong nước biết đến, thậm chí nhờ nét độc đáo và tài tình trong cách tạo hình nên sản phẩm tò he làng Xuân La đã được giới thiệu, quảng bá tại nhiều nước trên thế giới, gây ấn tượng với du khách quốc tế. Người dân làng Xuân La mong muốn, sản phẩm tò he của làng không chỉ là đồ chơi thú vị đối với trẻ em mà còn là những món quà lưu niệm mộc mạc nhưng đậm chất Việt Nam mà những người đi xa có thể mang về làm quà cho người thân.

Ngày nay, khi nhu cầu cuộc sống đang ngày càng tăng, đòi hỏi người dân phải có thu nhập cao thì việc giữ gìn làng nghề như nghề tò he đang là một khó khăn không nhỏ. Để duy trì và phát triển làng nghề tò he, các nghệ nhân của làng thường xuyên tổ chức các cuộc thi nặn tò he, tổ chức các buổi dạy làm tò he cho học sinh… Đặc biệt, khách du lịch đến thăm Hồ Gươm Hà Nội cũng sẽ có cơ hội được học nặn tò he do chính các nghệ nhân làng Xuân La hướng dẫn.

Bà Nguyễn Thị Vinh, một du khách tham quan Hà Nội đến từ tỉnh Ninh Bình cho biết, lúc trước, cuộc sống còn nhiều khó khăn, công nghệ chưa phát triển như hiện nay nên tò he là món đồ chơi rất quý với trẻ nhỏ và chỉ có được vào những dịp đặc biệt. Ngày nay, trẻ em sớm tiếp cận với các thiết bị công nghệ nên ít biết đến những món đồ chơi chân quê như thế này. Bà mong tò he được bán nhiều hơn tại các vùng quê, khu dân cư để trẻ em biết thêm về món đồ chơi dân gian thú vị này.

Một số nghệ nhân cho biết, ngoài Hà Nội, hiện nay tại các tỉnh, thành khác trong cả nước như: Lạng Sơn, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai… đều có các nghệ nhân làm tò he đang sinh sống bằng nghề truyền thống của làng. Do đây là những sản phẩm phần lớn trẻ em thích chơi nên chỉ tiêu thụ mạnh tại các khu vui chơi giải trí và trường học. Tuy nhiên, các nghệ nhân hiện nay rất khó có thể bán được tò he tại các khu vui chơi giải trí do phải nộp phí kinh doanh khá cao. Một nghệ nhân cho biết, để xin vào các khu này, mỗi người phải nộp vài triệu đến vài chục triệu đồng hằng tháng, trong khi thu nhập từ việc bán tò he không cao nên các nghệ nhân hiện tại chủ yếu vẫn là bán rong tại các cổng trường, cổng khu vui chơi, công viên.

Để nghề truyền thống không bị mai một

Nghệ nhân Đặng Văn Tiên cho biết: “Nặn tò he là nghề truyền thống không mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Mỗi sản phẩm tò he chỉ có giá từ 15-20 ngàn đồng, thu nhập mỗi tháng cũng chỉ vài triệu đồng. Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó, nghề dân gian truyền thống sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn để tạo điều kiện cho chúng tôi duy trì làng nghề, gìn giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo của
Việt Nam”.

Minh Quân

Tin xem nhiều